Thursday, December 10, 2015

Mỹ sẽ ép Việt Nam tôn trọng quyền của người lao động

WASHINGTON (NV) - Nếu không tuân thủ các cam kết về quyền của giới công nhân lao động để gia nhập TPP, chính phủ Mỹ có các biện pháp chế tài đối với nhà cầm quyền CSVN.

Trong một cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam vùng Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Sáu vừa qua, ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, giải thích như vậy khi có một số thắc mắc. Không ít người quan ngại chế độ Hà Nội ký cam kết nhưng không thi hành nghiêm chỉnh như nhiều hiệp định quốc tế khác.


Cô Ðỗ Thị Minh Hạnh bị công an đánh khi cô đến tiếp xúc với công nhân bị sa thải bất hợp pháp ở Sài Gòn ngày 22 tháng 11, 2015. (Hình: Facebook)

Cuộc gặp mặt cộng đồng người Việt của ông Tom Malinowski diễn ra gần hai tuần lễ sau khi công an CSVN tại Sài Gòn đánh đập tàn nhẫn cô Ðỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Ðức chỉ vì họ đến tiếp xúc tư vấn pháp lý với các công nhân của công ty Yupoong bị sa thải bất hợp pháp. Họ hướng dẫn cho công nhân biết được những quyền lợi họ đáng được hưởng.

Cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, 30 tuổi, từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù 7 năm vì hoạt động bảo vệ giới công nhân nên bị vu cho tội “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân.” Cô được thả ra sớm hơn hạn tù hồi tháng 6, 2014 nhờ rất nhiều áp lực quốc tế.

Việc ngang nhiên hành hung cô Ðỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Ðức làm tăng thêm khả năng nghi ngờ chế độ Hà Nội sẽ vẫn nói một đàng làm một nẻo về quyền người lao động cũng như cam kết để giới công nhân tự do thành lập nghiệp đoàn thay vì chỉ có các tổ chức công đoàn do nhà cầm quyền thành lập. Hệ thống công đoàn “quốc doanh” xưa nay chưa hề đứng ra tổ chức đình công khi quyền lợi và nhân phẩm của công nhân tại Việt Nam bị giới chủ nhân xâm hại.

Theo đài VOA tường thuật cuộc tiếp xúc của ông Malinowski, Thỏa hiệp Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có cơ chế buộc Việt Nam thi hành các quyền của người lao động.

“Thứ nhất (đây là điều đơn giản và rất quan trọng) là không một lợi ích nào (TPP mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam hơn bất kỳ nước thành viên nào) có hiệu lực cho tới khi nào Việt Nam thực hiện tất cả các yêu cầu của TPP. Hầu hết các yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi luật pháp và Quốc Hội Việt Nam phải thông qua các luật đó.”

Ông Malinowski nói trong cuộc tiếp xúc như vậy và nói tiếp rằng, “Họ muốn thực hiện trong bao lâu thì tùy. Nhưng một khi Quốc Hội Mỹ thông qua TPP, nếu điều đó xảy ra, thì lúc đó, Việt Nam cũng vẫn chưa vào được TPP. Vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các cam kết. Và chỉ khi chúng tôi chứng nhận với quốc hội Mỹ rằng họ đã thực hiện tất cả các cam kết, thì lúc đó Việt Nam mới bắt đầu được miễn thuế và hưởng các lợi ích khác của TPP.”

Ngoài ra, theo ông Malinowski, TPP còn có cơ chế giải quyết khiếu nại như tất cả các hiệp ước khác. Nếu một bên vi phạm cam kết, bên kia có thể khiếu nại lên cơ chế này. Trong quá khứ, các hiệp ước thương mại khác không đưa các điều khoản về quyền của người lao động vào trong quy trình giải quyết khiếu nại, như lời ông Malinowski, hiệp định TPP thì có.

“TPP thiết lập một ủy ban song phương để giám sát việc thực hiện và báo cáo cho chúng tôi một khi phát hiện ra sai phạm và đề nghị biện pháp xử lý. Ủy ban đó sẽ gồm 3 thành viên độc lập với các chính phủ: một người do chính phủ Việt Nam đề cử, một do Hoa Kỳ chỉ định và một do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).” VOA dẫn lời ông Malinowski.

VOA thuật lời ông Malinowski cho biết Hoa Kỳ sẽ định kỳ tái đánh giá quá trình thực hiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn không để cho công đoàn độc lập được hình thành, thì những lợi ích về kinh tế tiếp theo sau thời điểm đó sẽ không được áp dụng.

Theo ông, đây là yếu tố quan trọng vì các khoản miễn thuế đặc biệt quan trọng của TPP chỉ được chính thức áp dụng sau 5 năm hoặc 10 năm. Ðiều này cho phép Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động có thời gian và công cụ để giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam. (TN)

12-09-2015 5:48:52 PM 

No comments:

Post a Comment