Theo BBC-27 tháng 11 2015
Việt Nam và Trung Quốc vừa chính thức ký Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông Ka Long (Bắc Luân).
Báo trong nước tường thuật, với việc ký hai văn kiện này, Việt Nam và Trung Quốc đã “khép lại hoàn toàn những tranh chấp do lịch sử để lại, mở ra một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước”.
Khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Ka Long là những khu vực “rất nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời”.
Nhiều năm qua, các khu vực này đã được đưa ra bàn bạc trong nhiều vòng đàm phán của Ủy ban Liên hợp Phân giới cắm mốc Việt-Trung nhưng chưa giải quyết được.
Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí giải quyết tổng thể các khu vực tồn đọng trong đó có hai khu vực này bằng giải pháp ‘cả gói’, dựa trên nguyên tắc “công bằng hợp lý, tôn trọng các dấu tích lịch sử, ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới, phù hợp các văn bản pháp lý do lịch sử để lại”.
Tháng 8/2015, hai bên đã chính thức kết thúc đàm phán.
Hôm 27/11, website VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Việc ra đời của Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc đã phần nào giải đáp những thông tin thiếu cơ sở trong dư luận cho rằng toàn bộ hai phần thác Bản Giốc vốn thuộc về Việt Nam đã bị mất cho Trung Quốc".
Từng có nhiều dư luận nghi ngờ chính phủ Việt Nam đã “bán đất cho Trung Quốc”, tuy chính phủ Việt Nam nhiều lần bác bỏ "thông tin không có cơ sở" này.
Thác đẹp của Việt Nam
Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Thác là một phần của sông Quây Sơn được chia làm 2 phần, thác chính và thác phụ.
Theo thỏa thuận biên giới đất liền giữa hai nước, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam còn thác chính được hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác.
Tranh chấp với Trung Quốc về thác Bản Giốc bắt đầu từ những năm 1974-1975 nhưng lên cao vào năm xảy ra cuộc chiến biên giới 1979.
Cơ sở để chia đôi phần thác chính là việc tính mốc bắt đầu từ cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19 sau khi người Pháp và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới.
Theo trang web của thành phố Móng Cái, thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, tên con sông là "Ka Long”
“Trước kia có tên là sông Mang, hay còn gọi là sông Bắc Luân, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Đông Nam đổ vào vịnh Bắc bộ tại cửa Bắc Luân.”
“Dòng sông “Nhất giang lưỡng quốc” này đã tạo thành biên giới tự nhiên dài 60km giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)”.
No comments:
Post a Comment