Friday, November 27, 2015

Hà Nội: Thâm nhập “thủ phủ” chế biến hành phi… siêu bẩn

(PL+) - Mọi công đoạn chế biến hành phi khô như: rửa hành, cắt hành, phi hành (chiên hành), đóng gói… đều được làm dưới nền nhà hết sức bẩn thỉu, nhếch nhác.

Trong vai một khách hàng đi mua hành phi, PV Phapluatplus đã thâm nhập vào cơ sở sản xuất hành phi của hộ gia đình Phùng Thị Thêu, tại thôn Thuận Quang, xã Dương Xá (Gia Lâm-Hà Nội).
Tại đây, chúng tôi được bà Thêu đon đả giới thiệu các loại hành do gia đình tự làm. Theo bà Thêu cho biết, cơ sở sản xuất hành của bà có 3 loại (Loại I, loại II và loại III).
Bà Thêu đang đóng gói trên một chiếc bạt đen ngòm. Ảnh: Du Nghĩa.
Bà Thêu đang đóng gói trên một chiếc bạt đen ngòm. Ảnh: Du Nghĩa.
Theo bà Thêu: “Do nhu cầu người sử dụng nhiều nên mỗi ngày xuất ra thị trường trên 1 tấn hành phi khô, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Nam Định, Thái Bình…”.
Quan sát của PV, dưới nền nhà được trải một tấm bạt cũ kĩ, bẩn thỉu dùng để đựng hành đã phi xong và bà Thêu đang vội vàng đóng gói để đưa đi các tỉnh. Kế bên cạnh là chiếc máy cắt hành đang réo liên thanh và tương tự tại đây cũng được trải một tấm bạt dưới đất trông chẳng khác nào một bãi rác giữa đại công trường.
Công đoạn rửa hành, cắt hành như một đại công trường rác. Ảnh: Du Nghĩa.
Công đoạn rửa hành, cắt hành như một đại công trường rác. Ảnh: Du Nghĩa.
Ngay cạnh đống hành phi khô đã đóng thành phẩm, hai chiếc chảo to bằng cái mẹt chứa đầy mỡ đen và một người phụ nữ đang cố gắng chiên hành. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù mỡ chiên đã xuất hiện màu đen kịt và có mùi hôi, hắc nhưng người phụ nữ này vẫn thản nhiên coi như không có chuyện gì.
Lấy lí do muốn đi tham khảo một vài cơ sở nữa rồi sẽ quay lại, PV Phapluatplus tiếp tục “thâm nhập” vào cơ sở khác (chưa rõ họ tên), cách nhà bà Thêu không xa. Điều đầu tiên đập vào mặt chúng tôi ngay cổng vào là hai người phụ nữ đang rửa hành và khoai tây, mặc dù nước rửa đã đỏ lòm nhưng hai người này vẫn thản nhiên cho khoai tây và hành vào máy cắt ngay giữa nền gạch.
Chiếc bạt bẩn thỉu được dùng để đựng hành phi khô. Ảnh: Du Nghĩa.
Chiếc bạt bẩn thỉu được dùng để đựng hành phi khô. Ảnh: Du Nghĩa.
 Sau khi công đoạn “rửa” xong, họ chuyển vào cho một người phụ nữ khác tiếp tục công đoạn chiên hành. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến màu mỡ chiên đã chuyển sang màu đen kịt, nhưng người phụ nữ này vẫn vô tư chiên hành. Bên cạnh nồi mỡ đang nóng ran, rất nhiều mỡ đang được đựng trong các can đen đúa, nhếch nhác.
Thống kê từ Đội quản lý thị trường huyện Gia Lâm, trên địa bàn thôn Thuận Quang có khoảng 10 hộ gia đình chuyên sản xuất hành phi để cung ứng cho thị trường miền Bắc. Mỗi ngày cả thôn này cung ứng ra thị trường khoảng trên 5 tấn hành phi khô. Nhưng theo ghi nhận của PV, số lượng các hộ gia đình sản xuất hành phi khô tại thôn Thuận Quang còn cao hơn con số mà Đội quản lý thị trường huyện Gia Lâm cung cấp.
Sáng ngày 25/11, PV Phapluatplus đã tìm đến UBND xã Dương Xá để đặt lịch làm việc, nhưng chúng tôi được một nữ cán bộ văn phòng xã cho biết “Lãnh đạo đang đi họp”. Tiếp đó, chúng tôi đề nghị làm việc với một cán bộ phụ trách ở xã về vấn đề này, nhưng câu trả lời mà PV nhận được rằng: “Cả cơ quan đều họp, không có ai tiếp các anh đâu!”.
 Tiếp tục liên hệ làm việc với Đội quản lý thị trường huyện Gia Lâm. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Long-Phó Đội trưởng đội quản lý thị trường huyện Gia Lâm cho biết: “Tại thôn Thuận Quang hiện có khoảng 10 hộ dân chuyên sản xuất hành phi khô, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các chủ cơ sở kí cam kết đảm bảo VSATTP với Đội quản lý thị trường số 8. Cũng trong năm 2014, chúng tôi đã lập biên bản 4 trường hợp với tổng mức phạt trên 6 triệu đồng”.
“Chúng tôi đã cho xử lý các hộ gia đình nhưng họ vẫn cứ làm, do các gia đình đấy làm nhỏ, lẻ trong nhà và mang tính thời vụ nên chúng tôi không thể kiểm soát hết”, ông Long cho biết thêm.
Giữa thanh thiên bạch nhật lại tồn tại những cơ sở sản xuất hành phi...siêu bẩn, đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, một phần do lỗi của chính quyền sở tại trong việc chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt tình hình cũng như công tác quản lí còn bị bỏ ngỏ.
 Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vấn đề này.
                                                                                            
Du Nghĩa-15:21 - 25/11/2015 

No comments:

Post a Comment