Friday, November 27, 2015

Nạn đập chó trộm, cướp chó lại bùng phát ở Nghệ An

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
Theo RFA-2015-11-27  
Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra
Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra  Nghean24h.vn
Người đập chó vì tiền, người đập người vì chó, câu chuyện này đã trở thành đề tài tương đối cũ ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Vấn nạn đập trộm chó, cướp chó vì tiền và người dân đập chết kẻ trộm chó để bảo vệ chó của họ cũng như xả cơn tức giận đã là hiện tượng xã hội suốt vài năm nay. Hiện tại, nạn trộm chó ở Nghệ An đang bùng phát và chuyện này dự cảm những cái chết oan khiên sắp tới!
Trộm chó và cướp chó có vũ khí
Bà Mai, một cư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, chia sẻ về chuyện trộm chó, cướp chó: “Nó nhiều hình thức lắm, nó câu, nó thả bả, nó dùng đầu cá tẩm thuốc, chó ăn vào là nằm lăn ra ngay, nó bắt. Rồi nó đập, bắt bằng vợt cũng có. Nó có cả một quân đoàn đi bắt chó, mỗi đêm nó bắt cả tạ chó. Nó có quân đoàn năm sáu thằng đi bắt. Ở Nghệ An có chuyện dân bắt, đập chết người đốt xe nhiều rồi nên tụi nó khôn, đi nhiều thằng. Mình mà đi một đến hai người không bắt được tụi nó đâu. Nó có cả súng tự chế và roi điện. Mình mà một hai người rượt nó là nó quay lại đập chết chứ không giỡn chơi!”.
Theo bà Mai, hiện tại, nạn trộm chó đã tạm lắng xuống nhưng nạn cướp chó lại tăng cao. Những thanh niên không còn trộm chó theo kiểu chờ chó ra đường chạy chơi thì đập, ném bả hoặc lén lút ném bả độc vào sân nhà người ta vào đêm khuya, chờ chó dính bả thì trèo tường vào mang đi như trước… Mà hiện tại, đập chó công khai trước mặt chủ vẫn là trò phổ thông nhất.
Bà Mai cho rằng xã hội đã thật sự đảo lộn khi mà con chó vốn dĩ là vật nuôi thân thiết của con người, vật hỗ trợ an ninh cho con người từ bấy lâu nay thì bây giờ, chó trở thành đối tượng nhắm đến của kè trộm, kẻ cướp và con người phải ngày đêm canh gác cho chó. Có thể nói là kẻ cướp chó đã lộng hành như chốn không người. Đây là vấn đề an ninh xã hội, nó thể hiện sự yếu kém của công an địa phương cũng như những kẽ hở khổng lồ của pháp luật.
Bà Mai cho rằng chuyện trộm chó đánh người nuôi chó bị thương và nhiều làng có chó bị mất trộm đã đánh chết kẻ trộm chó rồi đốt xác, đốt xe là một chuyện động trời. Nhưng vẫn chưa có điều khoản nào qui định cụ thể để giảm tình trạng này cũng như không chó một chiến dịch đàng hoàng từ phía ngành an ninh để triệt tiêu những đường dây cướp chó, tiêu thụ chó trên đất nước này.
Bà Mai bức xúc nói rằng đây là sự thiếu trách nhiệm và cố tình bỏ lơ của chính quyền địa phương và cả chính quyền trung ương. Bởi khi đã có sự việc chết người thì bắt buộc chính quyền trung ương cũng phải có sách lược để chấn chỉnh. Với bà, chuyện chấn chỉnh quá đơn giản. Thứ nhất, tất cả các cửa khẩu đều phải có kiểm kê bài bản, không cho vận chuyển chó qua cửa khẩu nếu không có đầy đủ hồ sơ và chứng nhận của cơ quan chức năng.
Về phía địa phương, phải quản lý những điểm thu mua chó một cách nghiêm túc. Ví dụ như cấp những biên lai hoặc hợp đồng mua bán cho người buôn chó và đại lý phân phối chó lấy thịt để người bán chó và đại lý chó đảm bảo qui trình thỏa thuận mua bán cũng như xác minh nguồn gốc chó trong đại lý của họ.
Vì đây không đơn giả là chuyện mua bán một con vật lấy thịt mà liên quan đến an ninh xã hội, vấn đề nhân tâm và đạo đức xã hội cũng như vấn đề bảo vệ động vật, bảo vệ thú cưng, tài sản vô giá của các gia đình trong xã hội nên không thể dựa trên định giá mua bán của một ký lô thịt chó để xem xét vấn đề và liệt vào chuyện mua bán thuần túy.
Chính vì cách quản lý lỏng lẻo của ngành thuế, ngành thị trường và ngành an ninh ở các địa phương mà hiện tại, đa số chó trong các đại lý phân phối là chó có nguồn gốc bất minh, được mua với giá rẻ bèo từ những kẻ trộm chó, cướp chó.
Và cũng chính vì nguồn lợi nhuận quá cao và quá dễ dãi của việc trộm chó mà kẻ trộm chó đã không ngần ngại mua sắm, trang bị công cụ, vũ khí để đi cướp chó. Roi điện, súng hoa cải, thuốc mê hạng nặng là những thứ mà bất kỳ kẻ cướp chó nào cũng có trang bị. Khi bị phát hiện, kẻ cướp chó có thể quay sang đánh đập, hành hung người nuôi chó. Chính vì không có qui định rõ ràng, cụ thể và luôn xếp việc trộm, cướp chó vào diện vi phạm hành chính rồi phạt qua loa mà kẻ trộm chó, cướp chó có cơ hội lộng hành.
Những cái chết oan uổng
Ông Hiển, cư dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An chia sẻ: “Nói chung là có sự xuống cấp đạo đức, do sự cộng hưởng của đám đông. Nói chung là xã hội xuống cấp quá nặng, do cả đói khổ, cùng đường mà người ta đi bắt trộm chó nữa. Cùng đường ở đây nên hiểu là sự cùng đường về lý trí và công việc kiếm cơm. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là lực lượng bảo vệ an ninh cho nhân dân đang làm gì, ở đâu mà để kẻ trộm, kẻ cướp lộng hành như vậy?!”.
Theo ông hiển, vấn đề an ninh quá lỏng lẻo, luật pháp quá nhiều kẽ hở và không nghiêm minh, một phần nào đó những nhân viên an ninh của địa phương đã thả lỏng hoặc tiếp tay cho kẻ gian là nguyên nhân của nhiều cái chết oan uổng của kẻ trộm chó, cướp chó trong thời gian gần đây.
Vì chưa bao giờ có một cuộc kiểm tra nghiêm túc các đại lý tiêu thụ chó nên kẻ trộm, kẻ cướp xem các đại lý này là chỗ tiêu thụ chó từ việc trộm, cướp tốt nhất. Và với mức lãi cao ngất, các đại lý này không ngần ngại thu mua chó của dân trộm, cướp với giá rẻ để tập trung thành từng xe tải đưa ra Bắc, đưa sang Trung Quốc. Để được làm ăn suông sẻ, các đại lý này chỉ cần chung chi cho công an khu vực, công an phường, xã thì trong trường hợp trong đường dây của họ có kẻ bị bắt đưa lên công an cũng chỉ bị phạt rất nhẹ, phạt hành chính, viết kiểm điểm.
Chính vì lối làm việc tắc trách của nhân viên an ninh mà người dân cảm thấy bị tổn thương, họ đã hành xử theo cách của họ. Hơn nữa, kẻ trộm chó, cướp chó luôn trang bị vũ khí như dùi cui, roi điện, dao lê, mã tấu, thậm chí súng hoa cải để hành hung người dân khi bị phát hiện. Điều này dẫn tới hệ quả là người dân nổi giận và luôn tự vệ một cách thái quá dẫn tới đánh chết kẻ trộm chó. Trong đó có không ít những người từng bị mất chó và bị kẻ cướp chó hành hung, họ sẵn sàng dùng hết sức bình sinh để đập kẻ trộm chó, cướp chó, dẫn đến chết người. Và không dừng ở đó, sự căm phẫn tập thể có thể dẫn đến những hành vi man rợ như đốt xác kẻ trộm chó, đốt xe, bắt kẻ trộm chó đeo chó trên người và đánh tập thể cho đến chết…
Theo ông Hiển, mọi hành vi man rợ chỉ diễn ra khi con người không còn tôn trọng pháp luật và pháp luật cũng không có gì để người dân tôn trọng. Hay nói cách khác là với một hệ thống pháp luật phi lý và lỏng lẻo cộng với hệ thống hành pháp lủng củng, đồi bại sẽ dẫn đến hậu quả là người dân sẵn sàng dùng bạo lực để chống lại bạo lực và cái xấu. Điều này sẽ dẫn đến một xã hội đầy bạo lực.
Ông Hiển chua chát đưa ra kết luận là những con chó có thể cắn nhau đến rách da rách thịt vì giành nhau cục xương nhưng con người còn ghê gớm hơn nhiều khi họ sẵn sàng giết nhau vì con chó. Hay nói cách khác, luật xử thế của con người với nhau còn tệ hơn luật của chó đối với nhau. Điều này chỉ có những những nước quá lạc hậu và tăm tối!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/outbursting-dog-catch-in-nghean-11252015094017.html/11252015-outbursting-dog-catch-in-nghean.mp3

No comments:

Post a Comment