4 năm trở lại đây, bãi chứa rác quá tải khiến cho người dân không có chỗ đổ. Nguy hại hơn, bãi rác nằm sát vách 5 hộ dân dẫn tới nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, đe dọa sức khỏe của người dân và gây ra tình trạng cá trong ao của các hộ dân chết hàng loạt.
14 năm ròng rã “sống” chung với rác.
Theo phản ánh của những hộ dân sống tại cầu Hang Vò, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn (Mỹ Đức-Hà Nội), bãi rác tại cầu Hang Vò không được xây kè để che chắn mà đổ trực tiếp mọi thứ rác xuống đất và 4 năm nay, bãi rác này đã quá tải, không còn chỗ để đổ.
14 năm qua,"núi" rác "bức "tử" khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Du Nghĩa. |
Cũng ngần ấy năm, 5 hộ dân nằm sát nách với bãi rác hằng ngày phải gánh chịu mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác, ngày nắng mùi bốc lên nồng nặc, còn ngày mưa thì nước từ bãi rác chảy xuống ngấm vào nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước trong ao, hồ.
Ông Trịnh Văn Quang (48 tuổi) bức xúc: “Từ khi có bãi rác ở đây, cuộc sống của những gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mùi thôi bốc lên khiến những hộ dân không thể chịu đựng nổi. Cứ mỗi lần có trận mưa to, nước trong bãi rác chảy ra ngấm vào ao cá nhà tôi khiến cá chết dai dẳng 1 tuần liền, một ngày vớt được khoảng 10-20kg, gia đình phải dùng vôi để khử nguồn nước nhưng vẫn không ăn thua. Do ô nhiễm nặng từ bãi rác, đàn lợn hơn 100 con cũng liên tục bị bệnh dịch, hiệu quả kinh tế chỉ còn khoảng 70%”.
Ông Quang phải cho cá chết vào thùng lớn để xử lý, tránh việc ô nhiễm. Ảnh: Du Nghĩa. |
“Cũng từ khi có bãi rác, vợ tôi bị mắc căn bệnh ung thư vú và đang phải xạ trị tại bệnh viện K (Hà Nội). Nếu tình trạng này kéo dài, hậu quả từ việc ô nhiễm nguồn nước ngầm sẽ khôn lường”, ông Tình cho biết thêm.
Anh Trịnh Thanh Sơn (44 tuổi, thôn Đục Khê), cho biết: “Từ ngày bãi rác quá tải, nước ngấm xuống nguồn nước ngầm khiến cho cá trong ao chết hàng loạt. Tình trạng cá chết diễn ra trong 1 tháng liền, mỗi ngày vớt được 20-30 kg, hôm nào nhiều thì 50-70 kg, thấy cảnh cá chết trắng ao mà gia đình tôi cảm thấy xót xa. Giờ chỉ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để di dời bãi rác ra xa nhà chúng tôi”.
Theo tìm hiểu của PV Phapluatplus, bãi rác tại cầu Hang Vò được đưa vào sử dụng từ năm 2001 và không được xây kè. Mỗi ngày tiếp nhận không dưới 2 tấn rác của cả thôn Đục Khê. Bắt đầu từ năm 2011, bãi rác này đã quá tải nhưng người dân vẫn bất chấp và thi nhau đổ. Không chịu nổi cảnh phải sống chung với rác, những hộ dân sống tại khu bãi rác đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng rồi cũng không được giải quyết.
“Chúng tôi chưa nắm được thông tin”.
Cũng theo những hộ dân nơi đây cho hay, nhiều lần chính quyền sở tại hứa sẽ chuyển bãi rác tại cầu Hang Vò đi vào tận sâu chân núi, nhưng khi gặp trưởng thôn thắc mắc thì vị này lại kêu “không có nguồn kinh phí”.
Mang theo những bức xúc của người dân lên gặp chính quyền sở tại, PV Phapluatplus được ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch xã Hương Sơn cho biết: “Bãi rác tại cầu Hang Vò hiện đã quá tải và không cho đổ nữa, chính quyền cũng đã có phương án, hướng dẫn người dân đổ tại 1 bãi rác khác”.
Khi PV Phapluatplus nhắc đến việc cá trong ao của người dân chết trắng hàng loạt, thì ông Tuấn Anh trả lời một cách thiếu trách nhiệm: “Hiện tại tôi chưa biết sự việc này và cũng chưa có một ai báo cáo cả”.
Sự việc cá chết trắng hàng loạt diễn ra đã 3-4 năm nay, nhưng vị chủ tịch xã Hương Sơn vẫn tỏ ra "bằng chân như vại".
Phapluatplus xin gửi những mong mỏi của người dân sống tại bãi rác cầu Hang Vò lên cơ quan có thẩm quyền, nhanh chóng vào cuộc để có phương án di dời, trả lại cuộc sống bình an cho người dân.
Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vấn đề này!
Du Nghĩa- 10:09 - 26/11/2015
No comments:
Post a Comment