Saturday, November 7, 2015

Từ bỏ một phần Trường Sa là 'sai lầm'

Dương Danh Huy, Phan Văn Song và Lê Trung Tĩnh Quỹ Nghiên cứu Biển Đông 

Theo BBC-6 tháng 11 2015

Tàu chiến Mỹ trên Biển ĐôngImage copyrightUS Navy
Image captionHoa Kỳ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông, nhưng tuyên bố cần bảo đảm quyền tự do hàng hải quốc tế ở khu vực.
Trong bài “Việt Nam cần xét lại chiến lược Biển Đông”, Tiến sỹ Vũ Quang Việt và Phó Giáo sư Jonathan London hoàn toàn đúng khi cho rằng tương lai Việt Nam đang nằm trên bàn cân và Viêt Nam cần xét lại chiến lược của mình.
Trong bản tiếng Anh trên CogitASIA, hai tác giả cho rằng Việt Nam nên xem xét từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo đá (rock) bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác, (không rõ vì sao bản tiếng Việt trên BBC lại thiếu quan điểm này).
Đáng tiếc là khuyến nghị từ bỏ tuyên bố chủ quyền trong bản tiếng Anh không có cơ sở pháp lý cũng như có nhiều thiếu sót trong phân tích chiến lược, do đó có khả năng làm cho tương lai biển đảo của Việt Nam rớt từ bàn cân xuống vực thẳm.
Thiếu cơ sở pháp lý là vì theo luật quốc tế, một nước, ở đây là Việt Nam, có thể có chủ quyền đối với đảo đá trong EEZ của nước khác, thí dụ như EEZ của Philippines và Malaysia.
Thật ra, việc đòi chủ quyền với các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa với lý do chúng nằm trong EEZ của mình, như Malaysia làm, mới chính là sai trái với luật quốc tế.
Khuyến nghị trong bài viết có nghĩa Việt Nam từ bỏ yêu sách có cơ sở pháp lý của mình và chấp nhận yêu sách không có cơ sở pháp lý của nước khác.

Thiếu sót chiến lược?

Hơn nữa, trong UNCLOS đảo đá được định nghĩa là những thực thể tự nhiên cao hơn mức thủy triều cao nhưng không duy trì được sự cư ngụ của con người hay đời sống kinh tế riêng.
Biểu tình về Biển đảo ở PhilippinesImage copyrightAP
Image captionNgười biểu tình Philippines với các biểu ngữ khẳng định chủ quyền và phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trước Tòa Lãnh sự TQ ở Philippines.
Giả sử Tòa Trọng Tài phân xử vụ kiện Trung-Philippines kết luận rằng Thị Tứ, Bến Lạc, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn, Song Tử và các thực thể khác đều là đảo đá, hoặc giả sử Việt Nam cho chúng là đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế thì,theo bài viết, Việt Nam cũng nên xét về từ bỏ tuyên bố chủ quyền với các thực thể này.
Không nước nào có thể từ bỏ tuyên bố chủ quyền hàng loạt và không căn cứ trên cơ sở pháp lý như thế.
Xét trên phương diện chiến lược, khuyến nghị đó cũng có nhiều thiếu sót.
Thứ nhất, giả sử như việc làm giảm bớt các tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia là thật sự cần thiết cho sự hợp tác, đáng lẽ cả ba bên đều phải giảm bớt yêu sách chủ quyền, thay vì Việt Nam phải trả giá cho cả ba bằng việc đơn phương từ bỏ tuyên bố của mình trên hàng loạt thực thể địa lý.
Thứ nhì, giả sử như Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền theo khuyến nghị đó, nhưng 10 năm sau Philippines hay Malaysia có chính sách thân Trung Quốc, không đoàn kết chống yêu sách quá lố của Trung Quốc nữa thì sao? Lúc đó khiếu nại với ai?
Rõ ràng “từ bỏ tuyên bố chủ quyền để tăng cường hợp tác” là một canh bạc có nhiều rủi ro trong đó Việt Nam có thể mất cả “lời” (nếu có) lẫn vốn.
Thứ ba, dù Việt Nam có trả giá bằng việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên hàng loạt thực thể địa lý, sẽ vẫn còn tranh chấp giữa Philippines và Malaysia. Nếu tranh chấp chủ quyền là điều cản trở sự đoàn kết thì sự cản trở đó sẽ vẫn tồn tại, Việt Nam có trả giá cho cả ba cũng không giải quyết được vấn đề.
Thứ tư, bài viết đã bỏ qua một điều then chốt trên thực tế, đó là mặc dù có tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Philippines, cũng như giữa Việt Nam và Malaysia, Brunei, tranh chấp đó không dẫn đến sự căng thẳng giữa Việt Nam và các nước này, mà cũng không không cản trở sự hợp tác giữa Việt Nam và họ.
Ngược lại, Việt Nam và các nước này đã và đang hợp tác trong việc đoàn kết chống Trung Quốc.

Ba ví dụ

Như một thí dụ, năm 2009 Việt Nam và Malaysia nộp một báo cáo chung về ranh giới ngoài của thềm lục địa cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Đó là một sự hợp tác quan trọng trong việc áp dụng UNCLOS cho Biển Đông.
Image copyrightAFP
Image captionPhilippines cắm cờ trên bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã không cản trở sự hợp tác này.
Thí dụ thứ nhì là khi Việt Nam ban hành Luật Biển 2012, trong đó có ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì Philippines và Malaysia không phản đối. Khi Trung Quốc trả đũa Việt Nam bằng cách thiết lập Tam Sa thì Philippines phản đối Trung Quốc, bao gồm tuyên bố rằng Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.
Tuyên bố của Philippines về Hoàng Sa là một sự ủng hộ cho Việt Nam.
Thí dụ thứ ba là Việt Nam là nước ủng hộ Philippines nhiều nhất trong vụ kiện Trung Quốc, qua việc gửi công hàm tới Tòa khẳng định không có ngờ vực gì là Tòa có thẩm quyền để phân xử, và khẳng định rằng trong 7 thực thể Philippines nêu ra trong hồ sơ kiện, không thực thể nào được hưởng quy chế EEZ.
Từ khi Philippines bắt đầu hiểu về hiểm họa từ Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã không cản trở sự hợp tác Việt-Phi - những sự đụng độ duy nhất giữa lực lượng vũ trang hai nước là trên sân thể thao, sự căng thẳng duy nhất là của dây thừng kéo co.
Vì tuyên bố chủ quyền của Việt Nam không gây ra căng thẳng với Philippines và Malaysia, cũng như không cản trở hợp tác giữa Việt Nam và hai nước này, việc Việt Việt Nam từ bỏ một phần chủ quyền sẽ không đem lại lợi ích gì đáng kể mà lại là một cái giá rất đắt cho Việt Nam.

Nếu tự loại mình?

Thứ năm, nếu Việt Nam tự loại mình ra khỏi tranh chấp chủ quyền trên các thực thể địa lý này thì sẽ chỉ còn lại Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei trong tranh chấp đó.
Trong số các nước còn lại, dù bỏ qua các bằng chứng thêu dệt của Trung Quốc, nước này vẫn là nước tuyên bố chủ quyền với Trường Sa trước nhất, từ sau Thế Chiến II, do đó sẽ đánh bại các nước kia một cách dễ dàng trong tranh biện pháp lý.
Đánh bại được các nước kia trong tranh biện pháp lý, tất nhiên Trung Quốc sẽ hung hăng thêm, và tình hình ở Biển Đông sẽ đen tối thêm.
Trên thực tế, nếu Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền như trong khuyến nghị thì đó sẽ là một món quà cho Trung Quốc và sẽ tai hại không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực. Đó là một phản tác dụng nguy hiểm.
Khi đưa ra khuyến nghị Việt Nam từ bỏ một phần tuyên bố chủ quyền, các tác giả cũng có thiếu sót về phương pháp.
Biển ĐôngImage copyrightReuters
Image captionCác hoạt động của Trung Quốc tại một khu vực ở Trường Sa qua quan sát của Hải quân Mỹ.
Theo phương pháp khoa học, điều trước tiên họ phải làm là phân tích để xác định có gì đang gây ra căng thẳng giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia hay không, và nếu có thì điều đó có phải là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam hay không.
Kế đến họ phải phân tích xem những yếu tố nào đang cản trở sự hợp tác giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia, và trong các yếu tố đó thì yếu tố nào góp phần bao nhiêu, cụ thể là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam góp phần bao nhiêu.

Thiếu khoa học?

Trong khi chưa tiến hành phân tích nhằm chứng minh tuyên bố chủ quyền của Việt Nam góp phần đáng kể gây ra căng thẳng và là cản trở đáng kể cho sự hợp tác, mà lại khuyến nghị Việt Nam bỏ bớt tuyên bố chủ quyền, thì đó là cách tiếp cận thiếu khoa học.
Nếu khuyến nghị Việt Nam bỏ bớt tuyên bố chủ quyền, đáng lẽ các tác giả phải phân tích xem các tác dụng và phản tác dụng của việc đó là gì.
Việc họ hoàn toàn không có phân tích này cũng là cách tiếp cận thiếu khoa học.
Dĩ nhiên là Việt Nam, Philippines và Malaysia cần tăng cường hợp tác để chống yêu sách quá lố của Trung Quốc, nhưng thực tế các hoạt động hợp tác Việt Nam-Malaysia và Việt Nam-Philippines cho thấy các nước này có thể hợp tác mà không bên nào phải từ bỏ phần nào yêu sách chủ quyền của mình.
Thêm vào đó, cũng không có chứng cớ để cho rằng Việt Nam cần từ bỏ bớt tuyên bố chủ quyền để có những sự hợp tác khác mà các tác giả đề nghị.
Bài viết thể hiện của quan điểm riêng của nhóm tác giả, thành viên của nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - chuyên theo dõi các vấn đề pháp lý, lịch sử, chủ quyền và tranh tụng biển, đảo ở khu vực này.

No comments:

Post a Comment