Saturday, November 7, 2015

Mỹ – Trung Quốc – Việt Nam và Biển Đông

  Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)

Trong vòng một tháng vừa qua, Biển Đông đã là nơi thể hiện sự cạnh tranh đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc với mối quan hệ tế nhị vừa là đối tác vừa là đối thủ.

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter và bộ trưởng quốc phòng MalaysiaHishammuddin Hussein từ trực thăng V-22 Osprey bước xuống mẫu hạm USS Roosevelt trên Biển Đông hôm Thứ Năm. (Hình; Tara Copp/Stars and Stripes)

Một số người bảo thủ cho rằng quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc đang đến một giai đoạn căng thẳng có thể đi tới chiến tranh. Đồng thời họ cũng chỉ trích Việt Nam không tìm cách dùng cơ hội này thoát khỏi sự “lệ thuộc” Trung Quốc. Những nhận định ấy xuất phát từ những định kiến lỗi thời và suy đoán quá sớm. Hoàn cảnh thế giới toàn cầu hóa hiện nay và tính cách phức tạp trong mối quan hệ giữa ba quốc gia khiến cho mọi chuyện không diễn tiến đơn giản như thế.

Sự va chạm Hoa Kỳ – Trung Quốc ở Biển Đông khởi đầu từ vụ Trung Quốc bồi đắp những đảo nhân tạo trên những đá san hô hay bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa. Thật ra Đài Loan, Việt Nam, Philippines đều đã có những việc làm tương tự, tuy nhiên không có quy mô rộng lớn. Bằng phương tiện vật chất kỹ thuật đầy đủ, trong vòng hơn một năm Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo nhân tạo trên đó xây dựng những cơ sở quân sự bao gồm bến tàu và phi đạo đủ chiều dài sử dụng cho máy bay chiến đấu.

Trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ cuối tháng 9, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông, những đảo nhân tạo chỉ được dùng làm căn cứ tiếp liệu cho hoạt động của tàu dân sự và tàu đánh cá, hoặc các công tác cứu hộ. Nhưng có một vấn đề khác là Trung Quốc muốn xác định chủ quyền lãnh hải của các đảo nhận tạo và như vậy dần dần sẽ biến toàn thể Biển Đông thành vùng biển của Trung Quốc theo như tuyên bố về đường 9 đoạn (đường Lưỡi Bò) của họ.

Hoa Kỳ luôn luôn xác định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng phủ nhận giá trị về lãnh hải của các đảo nhân tạo, chiếu theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Nhưng Hoa Kỳ cho rằng việc Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng các đảo nhân tạo là vi phạm quyền tự do lưu thông hàng hải.
Trong hội nghị ASEAN năm 2010 ở Hà Nội, Ngoại Trưởng Hillary Clinton lần đầu tiên công khai tuyên bố “ Hoa Kỳ có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông”, và Trung Quốc không hài lòng về lời phát biểu này. Trên căn bản, Hoa Kỳ không có chủ quyền lãnh thổ gì trong khu vực Biển Đông, chỉ có những nước bạn và đồng minh ở đây. Xác định của bà Clinton chủ yếu nói về quyền tự do hàng hải trên thủy lộ quốc tế quan trọng qua Biển Đông.

Từ hơn một thế kỷ, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới do sức mạnh hải quân. Hải Quân Hoa Kỳ trên thực tế làm bá chủ tất cả các vùng biển quốc tế chưa một quốc gia nào khác – như Nhật Bản trong Thế Chiến II hay Liên Xô thời kỳ Chiến Tranh Lạnh – có khả năng cạnh tranh. Lực lượng hải quân Trung Quốc hiện nay đang được phát triển rất nhanh, dù hãy còn ở mức độ rất xa mới tới chỗ trở thành thách thức với Hoa Kỳ, tuy nhiên kế hoạch bành trướng thế lực ở Biển Đông của họ có thể là bước đầu trong tiến trình ấy.

Hoa Kỳ không thể chấp nhận thách thức ấy, vì vị trí cường quốc hải quân độc tôn của mình, vì chiến lược chuyển trục về châu Á và vì uy tín của mình đối với các quốc gia trong khu vực cũng như trên chính trường quốc tế. Do đó vụ Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, manh nha ngăn trở tự do lưu thông hàng hải và hàng không qua Biển Đông, đã tạo điều kiện cho Hoa Kỳ có lý do để can thiệp.

Sự can thiệp được tính toán rất khôn khéo về hình thức cũng như về thời điểm, với mục tiêu kiềm chế chứ không phải gây hấn với Trung Quốc. Sau khi đã đánh tiếng rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện chiến dịch gọi là “tự do lưu thông hàng hải” FNA (Freedom of Navigation Operation), ngày 27 tháng 10, khu trục hạm USS Lassen đi ngang đảo nhân tạo Subi trong quần đảo Trường Sa, ở khoảng cách dưới 12 hải lý nghĩa là trong hải phận do Trung Quốc tự xác định trái công pháp quốc tế. Trung tá hạm trưởng Robert Francis cho biết một khu trục hạm Trung Quốc đã đi theo tàu Lassen gần suốt hai tuần lễ trước đó, và phát tín hiệu cảnh báo khu trục hạm Mỹ xâm phạm hải phận. Nhưng theo lời trung tá Francis, chiến hạm của ông đã thi hành sứ mạng một cách “chuyên nghiệp và lịch sự”.

Sau khi hoàn thành công tác, khu trục hạm USS Lassen đã trở lại với nhiệm vụ trong hải đội hộ tống hàng không mẫu hạm USS Roosevelt trên Biển Đông. Hôm Thứ Năm, sau khi gặp bộ trưởng quốc phòng Ash Carter đang viếng thăm mẫu hạm, trung tá hạm trưởng Francis đã nói chuyện với các phóng viên. Theo Reuters, trung tá Francis cho biết thủy thủ đoàn USS Lassen đã trò chuyện thân mật qua liên lạc vô tuyến với thủy thủ đoàn trên chiến hạm Trung Quốc. Thủy thủ Trung Quốc chất vấn tàu Lassen định đến đây làm gì và thủy thủ Mỹ nói rằng họ hành động theo đúng luật pháp quốc tế và sẽ đi ngang gần Subi.

Trung tá Francis nói rằng câu hỏi và câu trả lời ấy được lập đi lập lại nhiều lần, nhưng cũng có những cuộc nói chuyện thân thiện. Thủy thủ Trung Quốc hỏi thủy thủ Mỹ ngày Thứ Bảy sắp tới (31 tháng 10) làm gì. Trả lời: “Chúng tôi ăn cánh gà và pizza, còn các anh?” “Chúng tôi cũng dự tính đón Halloween”. Theo trung tá, mục đích các cuộc nói chuyện ấy là nhằm chứng tỏ hai bên chúng tôi đều là thủy thủ bình thường như nhau. Ông cho biết sự thân thiện như thế tồn tại trong suốt chuyến đi ngang Trường Sa và khi tàu Trung Quốc không tiếp tục đi theo nữa, họ đã gởi lời chào “Chúc các anh chuyến hải hành vui vẻ, hẹn gặp lại!”.

Mặc dầu bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Trung Quốc sau đó đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ công kích Hoa Kỳ nhưng không có hành động cụ thể gì khác. Nếu xét theo khía cạnh tâm lý, chuyện này phần nào làm giảm phần nào hào quang của Tập Cận Bình ngay sau khi được chính quyền và hoàng gia Anh tiếp đón long trọng ở London. Tuy nhiên trong thực tế người ta thấy hành động của phía Hoa Kỳ chỉ mang tính cách tượng trưng và phản ứng của phía Trung Quốc cũng không vượt quá chừng mực phải có. Một số nhà phân tích và bình luận phái diều hâu cho rằng cả hai bên đều quá yếu và lẽ ra phải dùng các biện pháp cương quyết hơn. Ngược lại một số người khác tin là chưa tới lúc cần tới điều đó khi “cái nhứ” có thể là hiệu quả và hợp lý hơn “cú đấm”.
Về phía Việt Nam, không thể nhân cơ hội này để bày tỏ một thái độ gì khác với Trung Quốc. Trong mọi trường hợp Việt Nam không thể có hành động hay ngôn ngữ khiêu khích mà chỉ có thể phản ứng. Hơn nữa Việt Nam đang chờ đợi chuyến viếng thăm lần đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và quan điểm quần chúng không phải luôn luôn là căn bản hướng dẫn đường lối bang giao giữa hai quốc gia. Đề cập tới chuyện Biển Đông trong tình huống này là không đúng lúc đúng chỗ. Xét về nội dung, hành động của Hải Quân Hoa Kỳ không liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, dù rằng rõ ràng đó là biểu lộ sự ủng hộ các nước sau này. Do đó chỉ có phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam là người duy nhất trong chính quyền phải nói đến sự kiện tàu USS Lassen khi một phóng viên hỏi, và câu trả lời hoàn toàn mang tính cách nguyên tắc chung chung.

Nhưng cũng đúng thời điểm Tập Cận Bình đang ở Việt Nam, phía Hoa Kỳ đưa ra thêm một hành động mang tính thách thức nữa. Hôm Thứ Năm 5 tháng 11, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter cùng đi với bộ trưởng quốc phòng Hishammuddin Hussein của Malaysia, nước đương kim chủ tịch ASEAN, đáp xuống hàng không mẫu hạm USS Roosevelt đang ở vùng biển cách quần đảo Trường Sa khoảng 150 hải lý về phía Nam. Mẫu hạm trải thảm đỏ đón tiếp hai bộ trưởng, giống như Hà Nội trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình trong cuộc thăm viếng chính thức Việt Nam lần đầu tiên. Hành động này là sự chứng tỏ Hải Quân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hoạt động tự do trên Biển Đông bất chấp mọi ý đồ của Trung Quốc và dài hạn hơn là thể hiện quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển trục về Á Châu.

CVN-71 USS Roosevelt là một trong số 11 hàng không mẩu hạm nguyên tử chiến lược của Hải Quân Hoa Kỳ, mang tên Tổng Thống Theodore Roosevelt (không phải Franklin Roosevelt, Tổng Thống thời Thế Chiến II), là người đầu tiên từ hơn một thế kỷ trước đã xác định Thái Bình Dương là quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ. Ông cũng là người đã từng khuyến khích dân Mỹ “nói năng mềm mỏng nhưng hãy mang sẵn cây gậy”, và do đó tàu CVN-71 có biệt danh là 'The Big Stick'.

Hải đội đặc nhiệm của mẫu hạm USS Roosevelt hiện nay được đặc phái cho Hạm Đội 5 chứ không phải Hạm Đội 7, với trách hiệm chính là Trung Đông và đang trên đường trở về qua Thái Bình Dương. Tờ Finaciala Times cho biết, nói chuyện với thủy thủ đoàn 3,000 người trên tàu, bộ trưởng Carter không ngần ngại tuyên bố rằng hiện nay trong vùng Đông Nam Á “có những quan tâm về Trung Quốc” và “nhiều nước muốn Hoa Kỳ gia tăng hợp tác với họ để duy trì hòa bình trong khu vực”.

Trong khi đó tin tức báo chí từ Việt Nam cho biết, qua bản tuyên bố chung nhân chuyến thăm viếng của Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cam kết thống nhất kế thừa và phát huy, thực hiện tốt phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tiếp xúc với thanh niên Việt Nam và Trung Quốc, ông Tập đã dành phần lớn thời gian để nói về quan hệ giữa hai nước qua lịch sử. Ông cho rằng trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc “cần xuất phát từ đại cục để giải quyết bất đồng”. Theo lời Tập Cận Bình: "Nhân dân Trung Quốc quan niệm rằng cái gì mà mình không chấp nhận không thể ép cho người ta chấp nhận. Trung Quốc không chấp nhận cường quốc tất bá, sẽ tiếp tục kiên trì thân thiện, đi sâu hợp tác cùng có lợi và nối kết với các nước xung quanh”.

Tuy vậy trong tất cả những diễn biến của tình thế, sẽ là ngây thơ nếu tin tưởng và nhận xét bình luận căn cứ trên những lời lẽ hay cam kết mạnh mẽ hào nhoáng như thế. Các nhà lãnh đạo trên thế giới này đều biết rõ và hành động theo câu nói nổi tiếng của chính khách người Anh thế kỷ 18 Lord Palmerston: “Một quốc gia không có kẻ thù vỉnh cửu mà cũng không có bạn bè vĩnh cửu, chỉ có quyền lợi vĩnh cửu”. Và vấn đề Biển Đông sẽ chưa hết những diễn biến phức tạp trong tương 
11-06- 2015 7:56:20 PM 

No comments:

Post a Comment