Theo Nguoiduatin-07.11.2015 | 08:30 AM
Công dân có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Điều này được ghi nhận trong Hiếp pháp và pháp luật.
Mới đây, trao đổi với báo điện tử Dân Trí, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết một trong những điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận cả ngày 6/11 là việc cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, trong đó có nghe lén điện thoại để “tóm” tội phạm tham nhũng.
Theo đó, “biện pháp điều tra đặc biệt (gồm theo dõi bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử và sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật) được sử dụng khi cần điều tra về những hành vi tham nhũng, tội phạm có tổ chức, khủng bố, rửa tiền, tội phạm ma túy cần phải áp dụng biện pháp công nghệ cao.
Còn nhiều điều phải cân nhắc khi áp dụng giải pháp nghe lén để chống tiêu cực (Ảnh minh họa).
Tội phạm trong những lĩnh vực này thường có thủ đoạn gây án, che giấu hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi. Trước khi gây án chúng đã tìm mọi cách che giấu, xóa dấu vết phạm tội rồi. Cho nên nếu chúng ta chỉ sử dụng phương pháp điều tra thủ công như hiện nay thì chưa hiệu quả”, ông Đỗ Văn Đương nói (Trích Dân Trí).
Tuy nhiên, liệu biện pháp này có xâm phạm đến quyền bí mật thông tin, thư tín của công dân được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật Viễn thông và được bảo vệ bằng chế tài hành chính hoặc luật hình sự không? Hay nói cách khác, ở một góc độ nào đó việc “nghe lén” điện thoại, ghi hình bí mật là việc làm trái pháp luật.
Ngay tại, khoản 2, Điều 21, Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ: "Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Mọi công dân đều có quyền được bảo hộ và bình đẳng trước pháp luật thì không có lý do gì lại bị một người nào đó, cơ quan nào đó theo dõi cho dù mục đích của việc làm này là chống tiêu cực.
Không thể phủ nhận biện pháp điều tra đặc biệt này có nhiều ưu điểm và nhiều nước đã thực hiện nhưng các nhà Lập pháp cũng cần cân nhắc thật kỹ những điểm hạn chế, bất hợp lý trong áp dụng.
Việc phòng chống tham nhũng đòi hỏi sự nỗi lực của toàn xã hội, một giải pháp mang tính chất “nghiệp vụ điều tra” có thể ngăn chặn và làm suy giảm tình trạng tham nhũng hay vẫn chỉ là một công cụ góp phần hỗ trợ?
Mặt khác, bên cạnh đó việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt này cũng cần cân nhắc đến yếu tố “lạm dụng” quyền nghe lén để xâm phạm vào đời tư của người khác. Thật dễ thông cảm, nếu công dân tỏ ra lo ngại về tình trạng mất kiểm soát trong việc quản lý và sử dụng thông tin đã nghe lén nhằm trả thù, bôi nhọ, vu khống thậm chí là những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể thấy việc áp dụng biện pháp "nghe lén" sẽ kéo theo nhiều "vướng mắc", mâu thuẫn đối với các quy phạm pháp luật đã được quy định ở trong Bộ luật, Luật và văn bản pháp luật khác. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi phải có những quy định mới kèm theo. Nhất là vấn đề quyền, trách nhiệm khi sử dụng thông tin đã "nghe lén" được.
Rõ ràng, việc giải quyết các nội dung nói trên là cần thiết và chính đáng nếu quy định này được đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.
Điều 125: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
(Trích Bộ luật hình sự 1999)
Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP Hà Nội
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
No comments:
Post a Comment