Sunday, October 18, 2015

Bế tắc trong bang giao giữa Mỹ và Tàu cộng

 
Samsung (Danlambao) dịch - Chủ tịch Tàu cộng Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ hồi cuối tháng trước với những kỳ vọng lớn lao. Đề mục tối ưu trong chương trình nghị sự của họ Tập là quyết tâm tìm kiếm sự chấp thuận chính thức từ Hoa Kỳ về “một mô hình mới cho mối bang giao nước lớn” (A new model of major-country relations) và thiết chế mối quan hệ Hoa Kỳ-Tàu cộng theo đúng tinh thần của mô hình đó. Rủi thay, với thái độ lãnh hội mà Hoa Kỳ dành cho chương trình nghị sự trọng đại của họ Tập và với nỗi thất vọng về những vụ va chạm liên tục với Tàu cộng ở Tây Thái Bình Dương trong mấy năm gần đây (thậm chí trong mấy ngày trước khi diễn ra cuộc hội kiến thượng đỉnh), Tổng thống Barack Obama đã không đáp ứng lời kêu gọi của họ Tập và ông ta ra về với hầu như hai bàn tay trắng.

Yêu sách thỏa hiệp của Tàu cộng

Tàu cộng và Hoa Kỳ có một mối quan hệ đầy gập ghềnh, giằng xóc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân hồi năm 1949. Trong mấy thập niên gần đây, mối bang giao này ngày càng trở nên phức tạp hơn vì một sự chuyển tiếp quyền lực do tăng trưởng kinh tế châm ngòi.
Sự chuyển tiếp quyền lực là một cuộc tranh đấu giữa các nước lớn ngay trong hệ thống quốc tế. Nó xảy ra giữa một nước lớn phát triển dưới mức bình thường trước đây nhưng bây giờ tăng trưởng và một nước siêu cường trong hệ thống. Cuộc tranh đấu này là về tôn ti trật tự chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế mà qua đó phản ảnh giá trị và lợi ích của các quốc gia quyền lực nhất.
Thucydides, một sử gia Hy Lạp cổ đại, có lẽ là người đầu tiên lý luận rằng sự chuyển tiếp quyền lực thường chứa đựng các mầm móng chiến tranh. Theo quan sát của ông về Cuộc Chiến Peloponnesian giữa Sparta và Athens, Thuycydides quả quyết rằng sự tăng trưởng quyền lực của Athens và nỗi sợ hãi mà họ tạo ra với bên Sparta đẩy hai cường quốc này vào một cuộc chiến dài 27 năm.
Tấm thảm kịch của Hy Lạp cổ đại không phải là ví dụ duy nhất về loại chiến tranh này: Có rất nhiều cuộc chuyển tiếp quyền lực trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. Hầu hết đều kết thúc bằng chiến tranh. Vì vậy, cuộc chuyển tiếp quyền lực đang xảy ra giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng đặt ra một nghi vấn là liệu nó có giẫm vào vết xe đổ đó không.
Người Tàu lý luận ngay từ đầu rằng sự chuyển tiếp quyền lực chỉ là một kinh nghiệm của các nước Tây phương, và cái bẫy Thucydides sẽ không xảy ra với mối bang giao Trung quốc-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lãnh tụ người Tàu dần dần nhận ra rằng sự gia tăng quyền lực của Tàu cộng đang tạo ra các thế lực vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra các bất đồng trong mối bang giao Trung quốc-Hoa Kỳ. Thật vậy, trong một toan tính trấn an nỗi lo ngại của Hoa Kỳ, Tàu cộng đã đưa ra lời kêu gọi “Phát triển Hòa bình” trong năm 2003 và hứa hẹn sẽ không thách đố uy quyền tối cao của Hoa Kỳ và không lập lại lỗi lầm mà các siêu cường phạm phải trong quá khứ.
Trên bề mặt, hành động của người Tàu là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nó không bảo đảm một mối bang giao tích cực và lâu bền giữa Tàu cộng và Hoa Kỳ bởi vì nhiều vấn đề bất đồng vẫn đang gây rắc rối cho hai nước. Trong một cuộc hội kiến với Tổng thống Obama hồi năm 2013 tại khu nghỉ mát Sunnylands, Tiểu bang California, Hoa Kỳ họ Tập đã đẩy sự cam kết “Phát triển Hòa bình” tiến thêm một bước nữa bằng cách biến nó thành một nguyên tắc chỉ đạo cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Tàu cộng (cũng như là cho các cường quốc khác). Sáng kiến của họ Tập bao gồm 3 quy tắc hành động mà Tàu cộng và Hoa Kỳ nên nỗ lực đạt cho bằng được: 1) không đối đầu, 2) tôn trọng lẫn nhau về các lợi ích chính yếu, và 3) hợp tác để đôi bên cùng hưởng lợi (win-win co-operation).
Giải mã mô hình của Tập Cận Bình
Mô hình của họ Tập đặc biệt đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều yêu cầu nặng ký. Trước tiên, họ Tập lý luận rằng mặc dù Tàu cộng và Hoa Kỳ có nhiều xung đột nhưng cả hai đều không nên chọn giải pháp chiến tranh để giải quyết các dị biệt; và nếu Hoa Kỳ và Tàu cộng có thể đạt được một cam kết về điểm này, thì các căng thẳng giữa hai nước sẽ không tự động biến thành một cuộc trắc nghiệm thiện chí hoặc đặt guồng máy chiến tranh của hai quốc gia vào thế đối đầu nhau.
Thứ nhì, tín nhiệm chiến lược phải được căn cứ trên lòng kính trọng lẫn nhau. Về điểm này, họ Tập khẳng định rằng Trung quốc đã và đang bị một sự “thiếu kính trọng” của Hoa Kỳ. Nói cách khác, Hoa Kỳ thách đố: hình thức cầm quyền của Tàu cộng, yêu cầu của Tàu cộng đối với một sự toàn vẹn lãnh thổ và “địa vị xứng đáng của Tàu cộng trên bình diện thế giới”; tất cả những điều này đều là những lợi ích chính yếu của Tàu cộng. Họ Tập nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Tàu cộng bây giờ mạnh mẽ hơn và đáng nhận được lòng tôn trọng tương xứng.
Thứ ba và cũng là sau rốt, họ Tập lập lại sự cam kết “Phát triển Hòa bình” rằng nước Trung Hoa đang lớn mạnh của ông ta sẽ không có ý định lật đổ Hoa Kỳ hoặc là trật tự quyền lực quốc tế mà Hoa Kỳ lãnh đạo; Tàu cộng không tìm kiếm các lợi lộc đơn phương trong sự cạnh tranh với Hoa Kỳ; và sự cạnh tranh giữa Tàu cộng và Hoa Kỳ sẽ không hiện hữu mà thay vào đó sẽ là đôi bên cùng hưởng lợi.
Trong ba năm qua, họ Tập (và nhà cầm quyền Bắc Kinh) thực hiện nhiều nỗ lực phi thường để phát mãi sáng kiến này. Tuy nhiên, họ Tập cũng thấy rằng ông Obama rất miễn cưỡng, không chịu toàn tâm ủng hộ ông ta. Vì vậy, họ Tập đưa vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự nhân dịp công du Hoa Kỳ. Thật vậy, họ Tập đã tận dụng mọi cơ hội có được để nhắc nhở ông Obama về “thỏa thuận Sunnylands”, về ba quy tắc hành động, về mối nguy hiểm của việc rơi vào cái bẫy Thucydides, và về tính cấp thiết của sự hợp tác và lòng kính trọng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng.
Mâu thuẫn tư tưởng của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ rất dè dặt với những lời kêu gọi ủng hộ sáng kiến của Tàu cộng. Một trong những lo ngại chính yếu của Hoa Kỳ là cái gọi là sáng kiến của người Tàu trong thực chất chỉ là sự yêu cầu Hoa Kỳ ban cấp cho Tàu cộng một địa vị quyền lực chưa xứng đáng và một giấy phép để làm bất cứ chuyện gì Tàu cộng muốn. Yêu cầu này đặc biệt gây rắc rối nếu đề cập tới quy tắc hành động thứ hai trong mô hình của họ Tập, vì Hoa Kỳ bất đồng quan điểm với Tàu cộng về những lợi ích chính yếu. Ví dụ, một trong những lợi ích chính yếu hàng đầu của Tàu cộng là duy trì hệ thống chính trị độc tôn do đảng Cộng sản cầm quyền. Hoa Kỳ có thể làm việc với chính phủ Tàu nhưng họ không thể mắt nhắm tai ngơ trước những sai trái của một chế độ hà khắc. Với sự khác biệt cơ bản về vấn đề này, thì mâu thuẫn thay vì lòng kính trọng là chuyện thường tình.
Một ích lợi chính yếu khác của người Tàu là về sự toàn vẹn lãnh thổ. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi và bất an, và Tàu cộng hiện can dự trong những cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông của Việt Nam). Mặc dù Hoa Kỳ hiện không đứng về một bên nào, nhưng họ không đồng ý rằng các hải đảo tranh chấp lại tạo thành một sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung quốc. Yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng ích lợi chính yếu này của người Tàu, thì chẳng khác nào chuyện đặt con ngựa trước một cỗ xe, và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không tán thành.
Nhìn từ góc độ văn hóa, các tương tác Mỹ-Tàu cộng là khó khăn vì hai nước này không hát cùng một tông. Họ Tập thích nói về những nguyên tắc trọng đại và bày tỏ viễn kiến về một quy mô lớn. Ông ta biết mối bang giao Hoa Kỳ-Tàu cộng phức tạp nhưng nếu nguyên thủ hai quốc gia nắm bắt được sự liên kết chủ chốt, thì họ có thể đưa các vấn đề phức tạp vào một trật tự nhất định; và theo quan điểm của họ Tập thì sự liên kết chủ chốt đó chính là lòng tín nhiệm chiến lược và kính trọng lẫn nhau.
Với người Mỹ, thì khó chấp nhận được mô hình mà họ Tập đề nghị. Hoa Kỳ là một chuyên gia giải quyết rắc rối và thiên về hành động. Thay vì tham dự các cuộc đàm phán mơ hồ, người Mỹ thích khắc phục các vấn đề cụ thể. Thật vậy, ông Obama đã chuẩn bị một danh sách đầy đủ chi tiết các rắc rối cho họ Tập; chẳng hạn như nạn đột nhập trộm cắp dữ liệu điện toán và gián điệp mạng của Tàu cộng, các cách thức mậu dịch bất công, nạn thao túng thị trường chứng khoán và tiền tệ, các vi phạm nhân quyền, hành vi lấn lướt bá đạo trong các vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Hoa Nam, các vụ chạm trán liều lĩnh ở Tây Thái Bình Dương v.v… Ông Obama nói về những rắc rối này ngay ở buổi lễ đón tiếp họ Tập tại Tòa Bạch Ốc. Đối với Hoa Kỳ, giải quyết các vấn đề thực tế này là cách tốt nhất để cải thiện mối bang giao Hoa Kỳ-Tàu cộng.
Cuộc hội nghị thượng đỉnh siêu cường bị trật đường rầy
Họ Tập đến “Hoa Thịnh Đốn của Tây phương” vào cùng một ngày mà Đức Giáo Hoàng Francis thực hiện chuyến thánh du đến “Hoa Thịnh Đốn của Đông phương”. Hoa Kỳ tập trung toàn bộ sự quan tâm vào Đức Giáo Hoàng khả ái. Tin tức về sự quan lâm của vị Chủ tịch người Tàu thậm chí không được một đài truyền thông lớn nào ở Hoa Kỳ loan tải.
Phái đoàn họ Tập có cả 15 công dân người Tàu giàu có nhất. Họ tiêu biểu cho một sự giàu có tổng hợp hơn 1,3 ức Mỹ kim, bằng với Tổng Sản lượng Nội địa của Đại Hàn (theo dữ liệu của năm 2013), nền kinh tế lớn hạng thứ 13 trên thế giới, và sẵn sàng tiêu xài. Thật vậy, để khởi sự mua sắm, họ mua 300 chiếc phi cơ vận chuyển hành khách, một đơn đặt hàng chiếc lớn nhất trong kỷ lục xưa nay. Rủi thay, hành động này không đủ để lôi cuốn bất kỳ sự quan tâm nào của người Mỹ. Phái đoàn công du người Tàu, giống như nhiều nhóm du khách người Tàu mà bây giờ chúng ta hay gặp, bị bỏ lại xài tiền ở “Thương xá Bán lẻ Seattle” (Seattle Outlet Mall).
Khi Tập Cận Bình cuối cùng đặt chân tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thì lại bị phớt lờ lần nữa vì công luận Hoa Kỳ tập trung vào nơi khác. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, ông John Boehner bất thần loan báo từ chức. Hành động sớm hơn dự trù của ông Boehner lập tức trở thành đề tài gây bàn tán ở Hoa Thịnh Đốn. Khi ông Obama và ông Tập Cận Bình ra gặp gỡ giới truyền thông, các phóng viên, ký giả Hoa Kỳ không còn cách nào khác hơn là phải chuyển sự quan tâm từ một cuộc họp báo của Tổng thống và Chủ tịch sang diễn đàn chính trị nội địa Hoa Kỳ. Họ Tập đứng lúng túng kế bên bục nói chuyện nhìn ông Obama phát biểu về các sinh hoạt chính trị quốc nội.
Mô hình mới cho bang giao nước lớn
Không có một bản thông cáo chung nào sau cuộc họp báo của ông Obama và ông Tập Cận Bình. Đây hiển nhiên là nỗi thất vọng đối với họ Tập. Tồi tệ hơn, cả hai buộc phải cung cấp các tường trình riêng về những gì xảy ra tại các cuộc hội kiến cấp nguyên thủ. Có những thông tin mâu thuẫn to lớn. Bên Tàu cộng thì liệt kê 49 “thỏa thuận” như là những thành quả đạt được từ chuyến công du Hoa Kỳ của họ Tập. Trong khi đó, Hoa Kỳ liệt kê ít đề mục hơn và đặt tầm mức quan trọng của chúng theo một trật tự khác hẳn.
Dị biệt lớn nhất là về mô hình mới dành cho bang giao nước lớn. Ngoại trưởng người Tàu xác nhận rằng họ Tập và ông Obama đã có một cuộc thảo luận kéo dài về mô hình mới này. Đề mục số 1 trên bản liệt kê của người Tàu xác định rằng: “Đôi bên đều khen ngợi nhau về những thành quả khả quan đạt được từ cuộc hội kiến tại Sunnyland trong năm 2013, cuộc hội kiến ở Bắc Kinh trong năm 2014 và cuộc hội kiến ở Hoa Thịnh Đốn trong năm 2015 giữa hai nguyên thủ, và đồng ý tiếp tục các nỗ lực thiết chế một mô hình mới cho bang giao cường quốc giữa Trung quốc và Hoa Kỳ dựa trên lòng kính trọng lẫn nhau và sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ của Tòa Bạch Ốc không có vi bằng về việc ông Obama thảo luận về mô hình mới với họ Tập và không có sự nhắc nhở đến sáng kiến của người Tàu trong bất kỳ một thông cáo báo chí nào cả.
Chúng ta chưa rõ là bên nào cho biết sự thật. Nhưng có lẽ ai cũng nhìn thấy rằng các sự tường trình khác biệt rõ ràng là các cú xóc trong sự chuyển tiếp quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung cộng. Khi cuộc hành trình này tiếp tục, bên người Tàu sẽ tạo áp lực để đạt lòng tín nhiệm và kính trọng lẫn nhau; và khẳng định rằng các vấn đề thực tế sẽ được giải quyết triệt để nếu như họ đạt được một sự cam kết chiến lược từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn theo đuổi cách giải quyết các rắc rối trong mối quan hệ giữa hai nước một cách cụ thể; và tin tưởng rằng lòng tín nhiệm và kính trọng lẫn nhau chỉ có thể đến từ sự hợp tác khả dĩ đo lường được. Cuộc hành trình này sẽ tiếp tục gập ghềnh, khúc khuỷu nếu cả hai nước cứ bàn thảo cho có và không bên nào chịu phá vỡ tình trạng bế tắc. 
* Tiến sĩ David Lai là Giáo sư Nghiên cứu về An ninh Sự vụ Á châu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ. Các quan điểm trong bài viết này không nhất thiết phản ảnh đường lối hoặc lập trường của Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, Quân đội Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng hoặc Chính phủ Hoa Kỳ.
18/10/2015

No comments:

Post a Comment