Sunday, September 6, 2015

Xây chợ để... nhốt trâu bò, giữ xe

Theo NLĐO-06/09/2015 22:15

Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn hiện nay, ngoài hàng chục chợ hoạt động kém hiệu quả còn có 4 chợ xây mới nhưng bỏ hoang, gồm: chợ Già mới (huyện Hoằng Hóa), chợ xã Nga Thanh (huyện Nga Sơn), chợ Cao (huyện Ngọc Lặc), chợ Quảng Thái (huyện Quảng Xương). Trong đó, chợ Già được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, những chợ còn lại là từ ngân sách.

Xã Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) là một xã bãi ngang nên được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ để xây dựng chợ. Được hỗ trợ 1,8 tỉ đồng, Quảng Thạch xây dựng một khu chợ mới khang trang trên diện tích 4.000 m2 cạnh đường trải nhựa phẳng lì dẫn vào UBND xã. Thế nhưng, từ khi hoàn thành (năm 2010) đến nay, người dân họp chợ được vài tháng rồi chẳng ai tới.
 Chợ Già mới xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang đã 3 năm qua
Chợ Già mới xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang đã 3 năm qua
 Người dân cho biết chợ xã Quảng Thạch xây dựng bất hợp lý, xa khu dân cư, trong khi chợ ở các xã Quảng Hải, Quảng Lợi... gần nhà hơn. UBND xã Quảng Thạch đã nhiều lần vận động, thậm chí ép nhưng cũng chẳng ai tới khiến chợ bỏ hoang đến giờ, thành nơi chăn thả, nuôi nhốt trâu bò.
Điển hình cho việc xây dựng chợ rồi bỏ hoang là chợ Già mới, được Công ty CP Đầu tư Xây dựng Việt Hung bỏ ra gần 14 tỉ đồng đầu tư. Khi đưa vào hoạt động, chợ Già mới được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa và thay thế chợ Già cũ đã xuống cấp. Tuy nhiên, tháng 10-2012, khi chợ được khánh thành thì chẳng ai tới buôn bán do thu phí cao và chợ do tư nhân quản lý. Chợ Già mới “chết yểu” từ đó đến nay, chỉ một số người thuê làm chỗ giữ xe.
Theo ông Đỗ Thanh Công, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Hung, chợ Già mới được xây dựng đúng tiêu chuẩn chợ nông thôn mới, mức thu phí cũng phù hợp với quy định của UBND tỉnh. “Chúng tôi còn miễn thu phí 1 năm đầu và giảm phí trong 3 năm đầu tiên nhưng người dân vẫn không tới buôn bán. Việc này cũng do chính quyền không quyết liệt vận động, giải thích” - ông bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Hoằng Kim, giải thích: “Lúc đầu, người dân cho rằng phí cao nhưng sau đó lại nói chợ Già cũ là chợ truyền thống nên kiên quyết không chuyển. Ngoài ra, hiện có vài người kích động, kêu gọi tiểu thương không chuyển chợ nên mới xảy ra thực trạng này”.
Tại phiên chất vấn trong cuộc họp HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương, lý giải nguyên nguyên nhân dẫn đến nhiều chợ xây xong bỏ hoang là do việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương chưa thống nhất; việc đầu tư không phù hợp với tập quán của người dân. Đặc biệt, có tình trạng đầu tư xây chợ theo phong trào, nóng vội trong việc đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên nhiều địa phương chưa đặt hiệu quả xây dựng lên hàng đầu.

Bài và ảnh: Tuấn Minh

No comments:

Post a Comment