Cát Linh, phóng viên RFA
2015-09-06
2015-09-06
Viviane Huỳnh tại Việt Nam Town - San Jose, California -Screenshot
Người Việt chúng ta có một câu nói rất hay, đó là “tre già măng mọc” để nói về sự tiếp nối thành tựu của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Sự gìn giữ đó càng đáng trân trọng hơn khi xảy ra với một thế hệ sinh ra và lớn lên ở một nơi không phải là quê hương cội nguồn của mình. Cát Linh xin mời các bạn đến với đêm nhạc hội Nghệ Sĩ Trẻ, một chương trình dành cho những tài năng âm nhạc gốc Việt, là thế hệ thứ ba ở Mỹ.
Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy… (Vivian Huỳnh với ca khúc Một chút quà cho quê hương)
Tiếng hát của Vivian Huỳnh với Ca khúc Một chút quà cho quê hương, sáng tác của cố nhạc sĩ Việt Dzung. Đây là một trong những cô bé, cậu bé được sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Quê hương Việt Nam trong suy nghĩ của những mái đầu trẻ thơ này chỉ là một dãy đất hình chữ S với bao đời lịch sử thăng trầm qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Khi lớn lên, tiếng mẹ đẻ đánh vần không tròn chữ, tròn âm, nhưng các em đã được nuôi dưỡng trong một gia đình, một cộng đồng mà văn hoá của người Việt Nam chưa bao giờ bị quên lãng.
Từ khi bắt đầu bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, các em vẫn được nghe và nói tiếng mẹ, tiếng cha bằng ngôn ngữ của người Việt Nam. Rồi lớn lên, hoà nhập vào một thế giới tự do với nền giáo dục và ngôn ngữ không phải tiếng Việt Nam, thế nhưng, tâm hồn và trái tim của các em luôn cháy bỏng một tình yêu thiêng liêng dành về cho riêng một miền quê hương xa nửa vòng trái đất.
Nơi đó, các em biết là quê hương của mình.
Nơi đó, các em biết có những người anh hùng mà các em chỉ được nghe lời kể của người đi trước.
Nơi đó, các em biết đang có những con người phải chịu nhiều áp bức, mà với một tâm hồn “ăn chưa no, lo chưa tới” của mình, các em đã hiểu được rằng:
Việt Nam Ơi
Thời gian quá nữa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời, ngày sau tàn lữa khói
Mẹ Việt Nam đau
Từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian…(Việt nam tôi đâu)
“ Em cảm thấy rất là xúc động vì bài này là từ nhạc sĩ Việt Khang, là một người đấu tranh mà bây giờ còn ở trong ngục tù cộng sản, mà chỉ vì viết những lời nói lên sự yêu đất nước của mình, yêu quê hương của mình mà đã bị bắt và nhốt vô tù, nên em cảm thấy không có fair. Cho nên khi em hát bài này, em cảm thấy giống như là em giúp chú Việt Khang để nói lên sự yêu đất nước của em đến cả thế giới, và em hát bài này em feel giống như em ủng hộ những nhà đấu tranh ở Việt Nam.”
Vivian Huỳnh không phải là một gương mặt xa lạ với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Năm 7 tuổi, cô bé đã hát ca khúc ‘Tôi nhớ tên anh’ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với giọng ca trong vắt.
Tôi viết tên anh trên lá trên hoa.
Tôi viết tên anh trong trái tim tôi.
Tôi viết tên anh trên đá, trên vôi.
Tôi viết tên anh ngập nẻo đường đi ngàn lối… (Tôi nhớ tên anh)
Trong đêm nhạc hội Nghệ Sĩ Trẻ sắp diễn ra ở San Jose, cô bé sắp tròn 12 tuổi này sẽ trình diễn 3 bài hát: Việt Nam tôi đâu, I dream a dream và một bài hát cho chính em sáng tác có tựa đề là Ước mơ.
Nói về đêm nhạc hội Nghệ Sĩ Trẻ, nhạc sĩ Trần Quảng Nam, là một trong 14 thành viên của Câu lạc bộ Âm nhạc, một tổ chức phi lợi nhuận và cũng là ban tổ chức của nhạc hội này cho biết Câu lạc bộ được ra đời với ý nghĩa không chỉ là một sân chơi nghệ thuật, mà với mục đích khuyến khích những sáng tác và những hoạt động văn nghệ có tính chất sáng tạo.
“Câu lạc bộ Âm nhạc không phải là một sân chơi thôi, mà là một chỗ để cho mình có thể ươm mầm, giúp phát triển những hoạt động âm nhạc khác. Không riêng gì mầm non mà những người có tài năng khác nữa, trong lứa tuổi lớn hơn cũng có, nhưng họ ít có cơ hội đưa ra sân khấu.”
Đêm nhạc hội Nghệ Sĩ Trẻ sắp đến có thể xem là đêm diễn dành riêng cho những cô bé cậu bé gốc Việt tài năng nhất. Nhạc sĩ Trần Quảng Nam cho biết ông và Câu lạc bộ Âm nhạc mong muốn giới thiệu những nhân tài trẻ tuổi ấy trên một sân khấu chính thức, để khán giả có dịp biết đến họ như những người nghệ sĩ chứ không phải là những đứa bé bình thường.
“Chúng tôi đi mời những người họ đã có những phẩm chất và được cộng đồng ái mộ nhiều. Đó là 1 trong những tiêu chuẩn. Thứ hai là những đứa bé có những khả năng đặc biệt mà chưa ai biết đến. Lần này chúng tôi chọn ra được 8,9 người. Trong đó có những người trẻ chơi piano, đàn tranh, đàn guitar, số còn lại là những giọng hát. Có 2 giọng hát còn nhỏ, ở tuổi 12, 2 cô bé đã đi thi V-Kids và được số điểm cao nhất, sẽ đi vào vòng chung kết vào tháng 10. Có 1 cô bé khác đoạt được 2 giải của US Open về piano.”
Những tài năng mầm non mà nhạc sĩ Trần Quảng Nam nhắc đến có những nụ mầm chỉ mới 7 tuổi như Huỳnh Lê Vỹ Q-Tăng, “Gold Star” National Audition, huy chương vàng U.S. International Piano Competition-Piano Britney Nguyễn 12 tuổi, hai lần đoạt giải US Open Music Competion piano; cô bé Victoria Thuý Vy 11 tuổi nhưng đã tự ‘sáng tác’ cho mình bài hát Take a bath khi em... 4 tuổi. Không những hát hay, mà cô bé còn có khả năng chơi đàn piano và violon. Tiếng Việt ngọng ngịu đáng yêu, có nghe Victoria Thuý Vy tâm sự, mới thấy được nét đẹp văn hoá từ một gia đình gốc Việt, khi mà chữ Dạ của cô bé luôn có mặt ở đầu câu chuyện.
“ Dạ năm nay con được 11 tuổi. Con bắt đầu hát khi con 4 tuổi. Và con bắt đầu hát chương trình có khán giả khi con 6 tuổi. Khi con bắt đầu hát 4 tuổi con chưa biết tiếng Việt. Và khi con 4 tuổi con có viết 1 bài tên là ‘Take a bath’.
Khi được hỏi mình sẽ trình diễn bài hát nào trong đêm nhạc hội Nghệ Sĩ Trẻ, cô bé cho biết:
“Dạ trong ngày đó con sẽ hát bài Ngẫu hứng lý ngựa ô và Tôi Mơ.”
Tôi mơ
Cho tôi một làn mây trắng,
Lang thang về trên mái tranh già.
Cho tôi một cụm rau đắng,
Ðể nhai những lúc tôi còn xa nhà.
Cho tôi một khoanh bánh tráng,
Nhăn nhăn tựa như trán mẹ già.
Cho tôi một hàng cau đón gió
Lắc lư một buổi chiều cuối thụ… (Tôi mơ – Võ Thiện Thanh)
Victoria Thuý Vy, hay Vivian Huỳnh hay những cô cậu bé, những mầm non nghệ thuật gốc Việt trẻ tuổi này là một thế hệ nghệ sĩ mà nhạc sĩ Trần Quảng Nam nói rằng:
“Cho đến gần đây mình mới khám phá và biết được những người nghệ sĩ trẻ tuổi khoảng từ 6 đến 18 tuổi. Gần đây mới phát hiện ra, chứ mười mấy năm trước thì tìm không ra.”
Như một vòng tròn, như những cây tre già thì măng sẽ mọc, những cô bé cậu bé này sẽ trưởng thành, rồi sẽ có những cô bé cậu bé gốc Việt thế hệ thứ 4, thứ 5 kế thừa. Họ sẽ mãi là những tài năng, là tự hào của người Việt Nam trên đất Mỹ.
No comments:
Post a Comment