Sunday, September 6, 2015

Báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang biến Campuchia thành “sân sau”

 Trung Quoc dang bien Campuchia thanh "san sau"

Công trình thủy điện Hạ Sesan 2 ở Campuchia

Báo Washington Post có bài viết cảnh báo về việc Trung Quốc đang biến Campuchia thành "sân sau" với hàng loạt dự án đang được đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng Campuchia, như một phần thực hiện mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Điển hình của việc đầu tư ồ ạt là công trình xây dựng đập thủy điện Hạ Sesan 2 trị giá 800 triệu USD ở đông bắc Campuchia.
Nó là biểu tượng tầm với ngày càng lớn của TQ, khi Bắc Kinh có kế hoạch tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng khắp châu Á, bằng cách xây dựng những cơ sở hạ tầng mà các nước trong khu vực đang rất cần.
Dự án này là một phần trong tham vọng lớn hơn của TQ: Chủ tịch Tập Cận Bình đang có chủ trương “làm tươi mới TQ”, phục hồi điều ông nhìn nhận là vai trò lịch sử của TQ là trung tâm của châu Á.
Đó là cách TQ đối phó với chủ trương đối ngoại “Xoay trục về châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Mỹ đã chi hàng trăm tỉ USD vào các dự án đầu tư mới của Mỹ ở các nước láng giềng của TQ.
Khi ông Tập sẽ thăm Nhà Trắng vào cuối tháng 9 này, nhằm để ngang bằng với ông Obama trên vũ đài chính trị quốc tế, ông cũng tung nỗ lực để qua mặt Mỹ, nhằm để TQ trở thành trung tâm quyền lực của châu Á.
Ông Tập nói muốn phục hồi các tuyến đường thương mại cũ, để lập “Con đường tơ lụa trên biển” ở Nam Á, và “Con đường tơ lụa vành đai kinh tế” băng ngang các vùng sa mạc, núi non Trung Á.
Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới lập và đặt trụ sở ở Bắc Kinh, cùng Quỹ Con đường tơ lụa với 40 tỉ USD sẽ cung cấp tiền cho các dự án này.
Nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng, Trung Quốc đang biến Campuchia thành "sân sau", Campuchia tự quay vào quỹ đạo TQ, được hứa viện trợ hàng tỉ USD để xây dựng cầu đường, đập thủy điện.  
Bộ trưởng Thương mại Campuchia, ông Sun Chanthol trả lời phỏng vấn của Washington Post, nói: “Không có cơ sở hạ tầng, bạn không thể hồi sinh. Chúng tôi bị trách luôn ngả theo TQ, nhưng vì chúng tôi cần có nhanh cơ sở hạ tầng. TQ có ra điều kiện nào với Campuchia đâu ? Chẳng có điều kiện nào hết”.
Kinh tế Campuchia hiện tăng trưởng nhanh, nhưng họ cần cơ sở hạ tầng vận chuyển và điện. TQ cung cấp tiền mà không ra điều kiện nào như Ngân hàng Thế giới đòi hỏi, theo các quan chức Campuchia.
Nhưng ở các làng quanh công trình đập thủy điện Hạ Sesan 2 do TQ tài trợ, sẽ sớm lòi ra những điều nghiệt ngã ẩn dưới sự hào phóng của TQ. Giới lãnh đạo hai nước thỏa thuận dự án này, mà gần như không quan quan tâm sự tác động đến cộng đồng địa phương.  
Theo Washington Post, nhà đầu tư lớn ở dự án này là HydroLancang (công ty nhà nước TQ) kết hợp với Royal Group (Campuchia) của đại gia Kith Meng. Cáp ngoại giao mật của Sứ quán Mỹ ở Campuchia bị rò rỉ, từng mô tả Kith là “một tay găng-tơ nhẫn tâm” và có biệt danh “Ông Ác Rắn”.
Một khi hồ chứa của đập thủy điện Hạ Sesan 2 do TQ tài trợ đầy nước, gần 5.000 người bị giải tỏa khỏi làng của họ, gần 40.000 người sống dọc bờ hai con sông Sesan và Srepok sẽ bị mất nguồn cá giàu protein để ăn, khi con đập chặn mất dòng di trú của loài cá, tại một nước nghèo có nhiều người dân lệ thuộc vào hoạt động đánh cá.
Uta Khami, một ông bố 7 con ở làng Phluk phía hạ lưu đập, nói không thể câu được cá lớn nữa, nên ông không thể kiếm được nhiều tiền từ việc bán cá. Một số người khác nói họ sẵn sàng chết vì nước dâng trong đập, chứ họ không chịu rời làng, vì chính quyền thu xếp một vùng cằn cỗi cho họ di dời đến ở.
Bên cạnh đó, khoản tiền đền bù quá thấp, không thể bù lấp nguồn thu từ đánh cá và trồng hoa lan. Một số người đã đi xem nhà xây đền bù cho người tái định cư, bàng hoàng vì nhà xây quá kém chất lượng.
Theo các chuyên gia, hàng trăm ngàn người Campuchia sẽ cảm thấy tác động lớn của việc mất nguồn cá trong khắp vùng chậu Sông Mekong.  
 Trung Quoc dang bien Campuchia thanh
Người dân ven sông Sesan sống nhờ đánh cá.
Theo nghiên cứu của Ian Baird ở đại học Wisconsin (Mỹ) con đập sẽ dẫn đến hậu quả: “tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng và nghèo đói ở một vùng rộng lớn tại Campuchia.
Một nghiên cứu khác nêu: con đập này gây tổn thất nặng nhất, trong số các dự án đập dự tính xây từ nay đến năm 2030, trên các sông nhánh của dòng Mekong ở Campuchia, Lào và Việt Nam.
Báo cáo lập dự án Hạ Sesan 2 không nêu những tổn thất này, không có sự bồi thường việc mất nguồn cá.
Giáo sư địa chất Baird nói: “Đập này không ở vị trí tốt, là một dự án tương đối tốn kém, sẽ có tác động lớn đến môi trường và xã hội”.
Nhưng đấy không là dự án TQ duy nhất ở Campuchia gây thiệt hại lớn. Các nhà hoạt động xã hội Campuchia nói có vụ nhượng lô đất lớn cho Tập đoàn Union Development Group (UDG) của TQ xây trung tâm du lịch sinh thái - thương mại quốc tế ở vùng biển tây nam Campuchia.
Dự án này khiến hàng ngàn người bị cưỡng chế giải tỏa, không được đền bù thỏa đáng, tái định cư trên vùng đất xấu, nhà ở tồi tàn, thiếu điện, nước sạch, nhà vệ sinh.
Hồi tháng 2, một dự án đập khác của TQ ở vùng rừng nguyên thủy Thung lũng Areng (tây nam Campuchia) bị hoãn, do người địa phương cùng giới trẻ thành thị phản đối.
16:34 06-09-2015
Vĩnh Thụy 
(theo Washington Post)

No comments:

Post a Comment