Dân trí Bắc Kinh luôn tự đề cao về sức mạnh quân sự nhưng không thể tự cho mình quyền áp đặt điều kiện đối với nước láng giềng khác.
Hình ảnh vệ tinh chụp lại các hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma của Việt Nam.
Theo nhận định của báo Le Monde, về quân sự, hiện nay Bắc Kinh không chỉ tăng tốc hiện đại hóa quân đội, mà còn ngang ngược lấn chiếm các khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác trên Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn luôn tìm mọi cách quảng bá rùm beng cho cái gọi là “những sáng kiến” nhằm mục tiêu thay đổi “luật chơi” tại châu Á (?).
Về kinh tế, xem ra thế mạnh từ "bàn đạp" lèn đầy ngoại tệ đã cho phép Trung Quốc vung tay vào những khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài, thu lợi về cho các doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn như các "con đường tơ lụa" mới một mặt được kỳ vọng sẽ cho phép các tập đoàn lớn của Trung Quốc có thêm nhiều đơn đặt hàng mới, mặt khác có thể giúp Bắc Kinh giành được danh hiệu "đem lại sự phát triển" cho các khu vực Đông Nam Á và Trung Á.
Mùa xuân vừa qua, Bắc Kinh được cho là đã thành công trong việc lôi kéo cả các đồng minh của Mỹ tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, trong đó đặc biệt là có cả một số cường quốc như Anh và Pháp.
Về vấn đề an ninh, Trung Quốc đang muốn làm sao để có thể tái cấu trúc an ninh khu vực. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gợi lên một khái niệm mới về an ninh châu Á đó là do người châu Á đảm đương để phục vụ người châu Á (nghĩa là không cần đến vai trò của Mỹ).
Theo nhận định của chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan làm việc tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương về Ngoại giao của Trung Quốc hồi tháng 10/2014 đã “đánh dấu sự cáo chung của chính sách ngoại giao “nhẫn nhịn” (của thời ông Đặng Tiểu Bình), mở ra thời kỳ “trỗi dậy” của Trung Quốc thể hiện rõ qua phương cách dùng sức mạnh quân sự để “thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế".
Báo Le Monde nêu nhận xét tiếp rằng, số vốn đầu tư khổng lồ ở nước ngoài và khối lượng áp đảo trong giao dịch thương mại quốc tế bước đầu đã giúp Trung Quốc có các phương tiện để gây áp lực hoặc trả đũa đối với các quốc gia không muốn chấp nhận trật tự mới do Bắc Kinh áp đặt, mà giới chuyên môn gọi theo thuật ngữ chính trị là: "hòa bình kiểu Trung Quốc".
Tự đề cao về sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng tự cho mình quyền áp đặt điều kiện đối với các nước láng giềng khác? Nhưng cũng chính con dao hai lưỡi này cũng đã đẩy Trung Quốc đến chỗ luôn chạm trán với đối thủ khu vực Nhật Bản và dĩ nhiên là cả ngoài khu vực - Mỹ.
Trong lúc Mỹ tỏ rõ không thể chấp nhận việc bị ngăn cản quyền tự do đi vào các vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, thì Bắc Kinh xem ra vẫn tưởng tượng mình đang trong cảnh bị Mỹ bao vây và ngăn chặn với lý do Mỹ thiết lập mạng lưới liên minh và căn cứ quân sự ở một số quốc gia nằm cạnh các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Chính sự trái ngược về quan điểm đó đã khiến quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc bất chấp phản ứng của dư luận khu vực và thế giới vẫn liên tục xây dựng và bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của các nước láng giềng quanh khu vực Biển Đông.
Và cũng vẫn theo cái cách dường như chỉ muốn tự cho mình quyền “sáng tạo” trật tự thế giới mới theo ý riêng, Bắc Kinh tỏ ra rất kiên trì chiến lược giành giật lãnh thổ tại các vùng biển chính họ đang gây ra tranh chấp, dẫu chắc chắn họ phải biết rõ hơn ai hết rằng không ai cần hoặc có thể chấp nhận được cái gọi là sự “sáng tạo” chỉ có lợi riêng với Trung Quốc như thế!
Chủ Nhật, 06/09/2015 - 09:51
Quý Cao
No comments:
Post a Comment