Wednesday, September 9, 2015

Lạm thu trong trường học: vấn đề nhức nhối

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-09-09
Trong giờ học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long)
Trong giờ học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long)  Quangninh.gov
Vào những dịp khai giảng năm học mới, các vị phụ huynh phải oằn mình với các khoản chi phí quá lớn phải nộp.
Thực tế tình trạng lạm thu như vậy ra sao và cần nên có giải pháp thế nào cho phù hợp?
Tình trạng lạm thu ở các trường học
Ở VN đến nay chưa có chế độ giáo dục miễn phí, song ngoài các khoản học phí theo quy định của nhà nước, thì các bậc phụ huynh phải đóng thêm các khoản theo yêu cầu của nhà trường và Hội phụ huynh học sinh với số tiền không nhỏ.
Đó là các khoản như: tiền quỹ Ban phụ huynh, tiền xây dựng sửa chữa trường lớp, bổ sung đèn chiếu sáng, mua sắm điều hòa, bảng chống lóa v.v...
Theo báo Lao động cho biết, lạm thu đầu năm học là vấn đề khiến không ít phụ huynh, học sinh đều cảm thấy ngao ngán, lo sợ và bức xúc. Ðể hợp thức hóa, không ít cơ sở giáo dục đã có "quy định ngầm" thông qua hình thức thu "tự nguyện". Tại nhiều địa phương cho thấy, việc lạm thu đầu năm học diễn ra hết sức "công khai" với nhiều hình thức khác nhau.
Các khoản thu này là gánh nặng cho nhiều gia đình người lao động, mặc dù biết nhiều khoản thu là không hợp lý nhưng vì sợ ảnh hưởng đến con cái, nhiều phụ huynh vẫn phải nhắm mắt làm ngơ và đi vay mượn để đóng góp.
Chị Bé Ba, một phụ huynh học sinh có 1 con đang học cấp tiểu học ở Đồng nai chia sẻ với chúng tôi:
Sau một vài năm, bản thân các trường thấy việc thu tiền của học sinh là khó coi nên Ban phụ huynh đã được thành lập để thu tiền hộ nhà trường. Từ khi có cái Ban phụ huynh này thì việc thu tiền càng “thoải mái” vì Hiệu trưởng hoàn toàn chẳng có trách nhiệm gì
một chuyên gia thuộc VKHGD
“Số lương của 2 vợ chồng tôi mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, tiền chi phí đóng đầu năm là triệu mấy chưa kể tiền này tiền kia, tiền xe, tiền học phí. Do vậy mình phải biết hà tiện và nhín nhút trước, không có thì phải vay mượn trước rồi trả lại họ.”
Không chỉ vậy, năm nay phí bảo hiểm y tế cho học sinh bỗng dưng tăng vọt gấp 1,5 lần cao hơn học phí. Ông Bảy, một phụ huynh học sinh ở Long Khánh tiếp lời:
“Bây giờ công việc cũng không đều mấy, nên hàng tháng gia đình tôi thu nhập cũng khoảng 2 triệu mấy, ba triệu. Riêng tiền cho con bé đi học tháng cũng mất hơn một triệu, gồm tiền xe đò, tiền ăn, tiền nọ tiền kia. Vừa đi họp phụ huynh về họ yêu cầu nộp 1, 4 -1,5 triệu, trong lúc nhà có mỗi mình là lao động chính. Giờ chẳng lẽ cho nó nghỉ, thôi vì con nó thích đi học nên có lẽ mình phải ráng thôi.”
Đánh giá về tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay, một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục đã nghỉ hưu, không muốn nêu danh tính nhận định:
“ Trong mấy năm gần đây việc lạm thu đã tới mức không thể kiểm soát nổi. Việc thu tiền tràn lan vào đầu năm học bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sau một vài năm, bản thân các trường thấy việc thu tiền của học sinh là khó coi nên Ban phụ huynh đã được thành lập để thu tiền hộ nhà trường. Từ khi có cái Ban phụ huynh này thì việc thu tiền càng “thoải mái” vì Hiệu trưởng hoàn toàn chẳng có trách nhiệm gì, cho dù ai cũng biết Ban phụ huynh muốn thu bao nhiêu và thu các khoản gì đều phải thông qua và được Hiệu trưởng đồng ý.”
Điều đáng nói là việc quản lý thu chi các khoản thu vừa nêu không minh bạch và công khai. Các hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc. Ông Thạnh, một phụ huynh học sinh ở Quảng ngãi bày tỏ:
“Nhiều lần tôi đã phản ảnh với nhà trường, Hội cha mẹ học sinh và thầy cô giáo chủ nhiệm thu chi không công khai và minh bạch. Khi người ta không có để đóng quỹ hội thì nhà trường bắt viết giấy nhận nợ, điều này theo tôi là trái với đạo đức của nhà trường.”
Khi được hỏi, việc lạm thu trong các trường học nhằm mục đích gì và ai là người được hưởng lợi?
Vị chuyên gia giáo dục đánh giá:
“Mỗi khoản thu đều có lý do riêng. Giáo viên chỉ được hưởng chút ít trong quỹ Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất, giáo viên được nào có đáng là bao. Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể, như đồng phục, trang bị bảng chống lóa, hệ thống chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, …ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ.”
Lãnh đạo các trường luôn lý giải rằng việc thu thêm các khoản là cần thiết, với mục đích nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy vậy đa số các giáo viên thì cho rằng, đó là việc không nên làm vì sẽ làm xấu đi hình ảnh của nhà trường. Thấy Tuấn, một giáo viên ở Hà nội cho biết:
“Nghe thì rất là nhân văn, nhưng thực sự những khoản đóng góp đó các cháu có tiền đâu, tiền đó là tiền bố mẹ của các cháu đóng góp mà. Các cháu đã làm ra tiền đâu để mà đóng góp các quỹ ấy?”
Nguyên nhân chính của việc lạm thu này là do phương pháp vận động của Hiệu trưởng và nhà trường làm chưa tốt, còn yếu kém nên nhân dân chưa hiểu và chưa đồng tình. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tiến hành các bước để kiểm điểm Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường có việc lạm thu. Nếu có sẽ kỷ luật
Ông Nguyễn Cường
Bộ GD&ĐT đã làm gì
Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh việc thu thêm trong các trường học. Ông Nguyễn Cường, cán bộ Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT khẳng định:
“Nguyên nhân chính của việc lạm thu này là do phương pháp vận động của Hiệu trưởng và nhà trường làm chưa tốt, còn yếu kém nên nhân dân chưa hiểu và chưa đồng tình. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tiến hành các bước để kiểm điểm Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường có việc lạm thu. Nếu có sẽ kỷ luật.”
Trả lời câu hỏi cần có biện pháp nào để hạn chế và dần tiến tới chấm dứt tình trạng lạm thu trong các trường học?
Vị chuyên gia giáo dục khẳng định:
“Vô cùng đơn giản. Chỉ cần cách chức ngay lập tức Hiệu trưởng khi xác minh có tình trạng này trong nhà trường do ông ta phụ trách. Chỉ cần cách chức một ông thì trật tự được lập lại ngay. Nhưng khổ nỗi cấp trên không dám cách chức, vì sao thì ai cũng rõ.”
Tuy nhiên cũng cần quan tâm tới những nhu cầu chi tiêu chính đáng của nhà trường, vì có một số khoản chi là thực sự cần thiết, nhưng nhà trường không có nguồn. Vị chuyên gia giáo dục đề xuất giải pháp:
“Cũng cần quan tâm tới những nhu cầu chi tiêu chính đáng. Muốn cho minh bạch thì Nhà nước cần quy định mức học phí cao hơn hiện nay. Với số tiền học phí này, các nhà trường có thể chi dùng cho những việc cần thiết kể cả việc mua sắm các trang thiết bị. Với học sinh nghèo học giỏi, sẽ trích từ đó để có học bổng và tất cả số tiền này được quản lý theo những nguyên tắc chi tiêu ngân sách.”
Trong thực tế những khoản thu được nói là tự nguyện đóng góp nhưng nếu học sinh không đóng thì sẽ bị nhà trường kỷ luật. Trong khi đó những khoản thu được chi thế nào cũng là chuyện khuất tất, khiến nhiều người hoài nghi đặt ra câu hỏi: liệu môi trường giáo dục Việt Nam hẳn đã biến thành một môi trường kinh doanh, nhằm trục lợi cho một số cá nhân trong ngành giáo dục, mà cha mẹ học sinh là những miếng mồi ngon của họ!

No comments:

Post a Comment