Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, TP.HCM - nơi mổ sạn thận khiến bệnh nhân bị tàn phế
Bệnh nhân bị sạn thận đang trong tình trạng đau dữ dội, sốc, huyết áp tụt… nhưng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, TP.HCM vẫn tiến hành mổ khiến bệnh nhân này bị tím tái và hoại tử tay chân, phải cắt cụt để bảo toàn tính mạng.
Bệnh nhân đề nghị giám định thương tật để bồi thường
Theo bà Trần Thị Hu (sinh năm 1961, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM), sau khi bị tật nguyền bà đã làm đơn khiếu nại đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi (BVĐKKV), TP.HCM yêu cầu bệnh viện này chịu trách nhiệm với những thương tật đã gây cho bà. Tuy nhiên, bệnh viện nhiều lần hứa hẹn giải quyết và cuối cùng đã chối bỏ trách nhiệm của mình. Quá bức xúc, vào đầu tháng 6.2015 vừa qua, bà Hu đã làm đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng.
Bà Hu cho biết, vào khoảng đầu tháng 9.2009, bà bị sạn thận lên cơn đau dữ dội, gia đình đưa bà đến BVĐKKV Củ Chi để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã đưa bà đi phẫu thuật để lấy sạn thận. Sau khi phẫu thuật, tỉnh dậy bà thấy tay chân tím tái, người mệt khó thở.
Sau đó, BVĐKKV Củ Chi đã chuyển bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng tay, chân của bà đang dần hoại tử, để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải đoạn chỉ cả 2 chân và 2 tay.
“Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong quá trình phẫu thuật đã làm tắc nghẽn mạch máu, máu không lưu thông để nuôi tứ chi dẫn đến bị hoại tử và phải cắt bỏ cả tay lẫn chân. Tôi vốn là một người lành lặn đi làm để lo cho cuộc sống gia đình, nay tàn phế, không làm gì được để lo cho cuộc sống nhưng bệnh viện lại chối bỏ trách nhiệm”, bà Hu tỏ vẻ bức xúc.
Bà Hu đã viết đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng về sự việc ở BVĐKKV Củ Chi, TP.HCM. |
Cũng theo bà Hu, trước đó bà đã nhiều lần tìm đến gặp lãnh đạo BVĐKKV Củ Chi, TP.HCM thì bị nhân viên bệnh viện này tránh né không tiếp.
“Lần này tui đã gửi đơn đến Hội đồng nhân dân TP.HCM, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, UBMT TQ TP, Sở Y tế TP.HCM đề nghị làm sáng tỏ những sai sót của bệnh viện này đã gây ra, khiến tui bị tàn phế. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu BVĐKKV Củ Chi đưa tui đi giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở pháp lý bồi thường theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hu cho biết.
Bệnh viện không lường trước hậu quả
Ngày 7.9 trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc BVĐKKV Củ Chi cho biết, sau khi bà Hu gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế TP và một số cơ quan chức năng khác, ngày 26.8, BVĐKKV Củ Chi đã có văn bản giải trình vụ việc trên với Thanh tra sở Y tế TP.HCM.
Ông Hy cho biết, bà Hu nhập viện vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 9.1.2009 trong tình trạng mủ quanh thận do sỏi thận. Bệnh nhân bị sốt, đau hông lưng trái, mệt mỏi. Đặc biệt, bệnh nhân vật vã, tiếp xúc chậm, da nổi bông tím, mạch chỉ còn 88 lần/phút, huyết áp rất thấp (chỉ có 60/40mmHg), nhịp thở 16 lần/phút… Bệnh viện đã điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh, bệnh nhân tạm ổn được chuyển vào khu điều trị hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn. Các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường niệu quản bên trái, thận ứ nước độ 2.
Đến 10 giờ ngày 10.1 ca phẫu thuật thành công. Các bác sĩ đã lấy được sỏi niệu quản, đặt ống thông niệu quản dẫn lưu ra nhiều mủ đục. Tuy nhiên, đến 5 giờ 20 ngày 11.1, bệnh nhân bị đau nhức ở các đầu chi, tay chân lạnh, nhiều ban tím rải rác ở cẳng tay và cẳng chân.
Bệnh viện tiến hành hội chẩn và kết luận, bệnh nhân bị biến chứng tắc mạch chi, tiên lượng rất nặng. Sau đó, BVĐKKV Củ Chi đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, biến chứng tắc mạch chi và được chỉ định cắt cụt tứ chi.
Bệnh viện BVĐKKV mổ sạn thận nhưng làm bà Hu phải cắt cụt cả tay và chân. Riêng chân bị cắt cụt tới khớp gối. |
“Hội đồng chuyên môn của bệnh viện nhận định, việc biến chứng tắc mạch chi là do hậu quả của quá trình sốc nhiễm trùng – một trong những biến chứng nặng nề có nhiều khi xảy ra nhiễm trùng huyết do sỏi niệu quản và thận trái ứ nước độ 2. Trước khi mổ chúng tôi có tư vấn cho người nhà rất rõ ràng. Đây là một ca nặng, bệnh nhân bị sốc là do mủ quanh thận”, bác sĩ Hy cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng nói trong trong tình tiết mà bác sĩ Hy đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Hu là trong lúc bệnh nhân Hu còn lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt nhưng ê kíp bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện này đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Chính ông Hy cũng thừa nhận, khi bệnh nhân bị sốc, huyết áp thấp và khi đó những mạch máu ra ngoài chi bị thiếu máu nuôi khiến các chi bị tệ liệt và hoại tử.
Vấn đề đặt ra, vậy tại sao khi bệnh nhân dang bị sốc, huyết áp bị tụt, bệnh viện không điều trị nội khoa để huyết áp ổn định mới có thực hiện ca phẫu thuật?
Đây là một sai sót hay nói chính xác hơn là một sự thiếu hiểu biết trong quá trình trình thực hiện ca phẫu thuật này. "Chúng tôi cũng không lường trước hết những tình huống có thể xảy ra, chỉ muốn phẫu thuật gấp để cứu sống bệnh nhân. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã giải thích cho gia đình bệnh nhân hiểu và chia sẻ”, ông Hy nói.
09:04 09-09-2015
Hồ Quang
No comments:
Post a Comment