Cát Linh, phóng viên RFA2015-08-04
Ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, 2015-Photo Ngọc Lan, RFA
Trong buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Little Sài Gòn, thủ phủ của người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận được câu hỏi rằng liệu nước Mỹ sẽ có chính sách gì để thay đổi hệ thống chính trị, chính quyền tại Việt Nam? Câu trả lời của ông là: “Điều này không phải là chính sách của nước Mỹ.”
Ý thức hệ
Trong cuộc họp với báo giới Hà Nội về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhắc lại rằng nước Mỹ không có chính sách muốn can thiệp và thay đổi hệ thống chính trị của bất cứ quốc gia nào.
Lời phát biểu của ông Đại sứ diễn ra sau chuyến đi được cho là lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản nhà nước Việt Nam và lời hứa đến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama.
Tiếp theo ngay sau đó là chuyến viếng thăm của phu nhân phó tổng thống Hoa kỳ Joe Biden và sắp đến, là chuyến đi của ngoại trưởng ngoại giao John Kerry và bà Thẩm phán Toà tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg trong tháng Tám.
Tất cả những chuyến đi hữu nghị này diễn ra trong thời điểm đánh dấu 20 năm bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao quốc tế, đã có rất nhiều chuyến công du giữa một quốc gia lấy chủ nghĩa cộng sản làm thể chế chính trị và đường hướng phát triển, với một đất nước tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng, với Việt Nam, một quốc gia từng là cựu thù với Hoa Kỳ, đã và đang chọn con đường chủ nghĩa Marx làm nền tảng xây dựng đất nước từ 40 năm qua thì không những là “lịch sử” theo tính chất của sự việc, mà điều này còn được cho là một “sự thay đổi.”
Đặc biệt là sự thay đổi này trong bối cảnh hiện tại về tình hình biển Đông và những hành động gây hấn khác của người láng giềng Trung Quốc. Giáo sư Tạ Văn Tài, giảng dạy môn Luật quốc tế tại Đại học Havard xác nhận về ‘sự thay đổi’ này:
Tôi thấy rõ ràng là nước Việt Nam, chính phủ Việt Nam và Đảng Việt Nam muốn xích lại gần Mỹ. Cái đó không thể phủ nhận là không có. Vì sao vụ giàn khoan, cả nước Việt Nam rất bực tức, không có ai dám công khai thân Trung Quốc. Vì thế trong chính trị bộ, đã có 4,5,6 người sang Mỹ trước ông TrọngGiáo sư Tạ Văn Tài
“Tôi thấy rõ ràng là nước Việt Nam, chính phủ Việt Nam và Đảng Việt Nam muốn xích lại gần Mỹ. Cái đó không thể phủ nhận là không có. Vì sao vụ giàn khoan, cả nước Việt Nam rất bực tức, không có ai dám công khai thân Trung Quốc. Vì thế trong chính trị bộ, đã có 4,5,6 người sang Mỹ trước ông Trọng.”
Quyền lợi quốc gia
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có khẳng định hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam Hoa Kỳ, phù hợp với lợi ích của nhân dân của hai nước, của khu vực và trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh trong lời phát biểu rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có sự khác biệt, tuy nhiên không nói rõ đó là khác biệt gì.
“ Điểm khác biệt giữa hai đất nước là thực tế khách quan, là tất yếu cho 1thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm lựa chọn con đường phát triển của riêng mình.”
Trong bài phóng sự “Phong trào dân chủ đứng giữa Đảng Cộng sản và nước Mỹ” của Kính Hoà, Đài Á Châu Tự Do có nêu lên ý kiến của học giả về quan hệ quốc tế Vũ Hồng Lâm rằng: “Hiện nay Hoa Kỳ cần Việt Nam trong bước đi chiến lược của họ cho nên họ có thể làm ngơ trước những vi phạm tự do và nhân quyền tại Việt Nam.” Thế nhưng vị học giả này cũng hy vọng ở một tầm mức nào đó, sẽ có những cải cách chính sách, và quan hệ Việt Mỹ ấm hơn sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington.
Cũng nói về thái độ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, giáo sư Tạ Văn Tài nhận định ở góc độ chuyên môn:
“Khi nước Mỹ công nhận ngoại giao một nước thì không có chủ trương lật đổ chế độ đó nữa đâu.”
Lời của giáo sư Tạ Văn Tài dựa theo điều khoản của luật pháp Mỹ nêu rõ trong Neutrality Acts, đạo luật thông qua bởi Quốc hội Mỹ năm 1930s, đó là không lật đổ chế độ nào mà họ đã có sự bang giao.
Có nghĩa rằng, từ khi Mỹ tuyên bố ban giao với Việt Nam năm 1995 thì đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, lật đổ hoặc thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.
Khi nước Mỹ công nhận ngoại giao một nước thì không có chủ trương lật đổ chế độ đó nữa đâuGiáo sư Tạ Văn Tài
Nói về những ý kiến của cộng đồng người Việt hải ngoại nhiều năm qua về việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, giáo sư Tài khẳng định:
“Đấy là vấn đề nội bộ giữa cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và ở trong nước. Nước Mỹ không có nhiệm vụ, không muốn công khai chủ trương thay đổi. Hiện nay vẫn là Đảng cầm quyền theo nghĩa dân chủ mà họ hiểu.”
Cũng có quan điểm như thế, học giả Vũ Hồng Lâm nói theo một góc độ khác:
“Cái chuyện tự do dân chủ nhân quyền là chuyện muôn thuở đối với ngoại giao của nước Mỹ. Vì chính quyền Mỹ còn phải nói đến tiếng nói của nhân dân. Thứ hai nữa là bản ngã của nước Mỹ, hay Việt Nam dùng từ là bản sắc của nước Mỹ là người đấu tranh cho tự do, nhân quyền thì cái đó không thể nào mất đi được. Cho nên luôn luôn vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nằm trong nghị sự làm việc giữa Mỹ và Việt Nam.”
Thế nhưng, bên cạnh đó, thực hiện theo điều luật của Neutrality Acts không có nghĩa rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến tình trạng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Một chứng minh cụ thể rằng đã có những cuộc gặp gỡ giữa Quốc hội Hoa Kỳ và các nhà đấu tranh dân chủ trong nước.
Trong đó, sự kiện nổi bật nhất là Tổng thống Barrack Obama đã đón tiếp tù nhân chính trị Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại phòng Bầu dục, trước chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Vì thế vẫn có tiếp tục những áp lực hay đối thoại, ít nhất là đối thoại về cải tổ nhân quyền. Điều đó vẫn xảy ra và tiếp tục xảy ra.”
Xin mượn nhận định của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do để nói lên tầm quan trọng của một ý thức hệ và quyền lợi quốc gia, ông nói rằng mặc dù Hoa Kỳ luôn thể hiện đường lối cân bằng trong việc chống Trung Quốc, và xem biển Đông là ưu tiên số 1, dân chủ nhân quyền là quan tâm thứ 2, nhưng về lâu dài, mối quan hệ với Hoa Kỳ vẫn chắc chắn sẽ tốt hơn cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment