Kính Hòa, phóng viên RFA2015-08-03
Những cái loa trên các nẻo đường không thể thiếu trên các nước cộng sản- AFP
Lòng tin và truyền thông
Blogger Song Chi viết rằng người dân đã mất lòng tin vào nhà cầm quyền và hệ thống truyền thông của họ, sau bao nhiều lần sự thật bị bưng bít và bóp méo.
Ý đó được trích ra từ bài viết mới của bà ngay sau khi nghi ngờ của dư luận xung quanh câu chuyện của đại tướng Phùng Quang Thanh dường như đã được giải tỏa. Nhưng dù hình ảnh, phim ảnh truyền hình về vị đại tướng đã được loan báo rộng rãi, nhiều người vẫn không tin.
Người ta vẫn tiếp tục đặt những nghi vấn, nêu lên những giả thuyết về các âm mưu,… thậm chí trên trang blog Đinh Tấn Lực, tác giả đặt ra tới 62 dấu hỏi khác nhau xoay quanh sự việc nóng nhất trên các trang truyền thông điện tử một tháng qua. Sự việc ấy không chỉ được bàn tán trên các trang ở hải ngoại hay những trang không do nhà nước kiểm soát, mà cả giới truyền thông chính thống cũng đã được huy động rất rầm rộ trong cuộc chiến truyền thông này. Cuộc chiến mà nhiều người cho rằng truyền thông của đảng cộng sản vẫn chưa chiếm lại được trận địa quan trọng, trận địa lòng tin.
Một trong những nguyên nhân của sự thất bại ấy, theo Song Chi chính là chuyện báo chí của nhà nước chỉ được phép đưa tin những gì mình được phép. Mà những điều được phép ấy không phải bao giờ cũng là sự thật. Blogger Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết rằng chỉ có một vũ khí duy nhất mà truyền thông chính thống của VN có thể dùng để chiến thắng, đó là sự thật.
Cũng liên quan đến truyền thông của nhà nước, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn kể lại trên trang của mình câu chuyện không biết là vui hay buồn của chiếc loa phường, một công cụ cơ sở của hệ thống truyền thông của đảng ở địa phương. Giáo sư Tuấn kể lại rằng một người bạn ông đã rất ngạc nhiên trong lần đầu đến Việt nam và bị quấy rầy bởi tiếng loa phường vào một buổi sớm. Người bạn nói rằng ông tưởng đâu Việt nam đã ra khỏi thế giới cộng sản gắn liền với chiếc loa phường từ lâu rồi.
Cái loa phường nó hiện diện như là một di sản của một thời mông muội. Nó trịch thượng vì nó lúc nào cũng lên giọng dạy đời thiên hạ. Nó thách thức công chúng, vì nó biết công chúng ghét nó nhưng không làm gì được. Nhưng hơn hết, nó là một chứng từ của một sự cai trị bằng tuyên truyềnGiáo sư Tuấn
Giáo sư Tuấn kết luận:
Cái loa phường nó hiện diện như là một di sản của một thời mông muội. Nó trịch thượng vì nó lúc nào cũng lên giọng dạy đời thiên hạ. Nó thách thức công chúng, vì nó biết công chúng ghét nó nhưng không làm gì được. Nhưng hơn hết, nó là một chứng từ của một sự cai trị bằng tuyên truyền. Việt Nam đã đổi mới khá nhiều, nhưng có cái không/chưa đổi mới theo kịp đà văn minh của nhân loại: đó là cái loa phường.
Vinh dự
Cái thời mà Giáo sư Tuấn đề cập dường như chưa kết thúc, mặc dù cảnh xếp hàng chờ đổi tem phiếu, hay những bộ đồng phục sẩm màu duy nhất trên đường phố Hà nội đã biến mất từ lâu. Thay vào đó là những chiếc xe đắt tiền mà ông gọi là những chiếc xe phản xã hội của giới quan chức nhà nước. Một trong những chiếc đó được giới blogger phát hiện là đã xuất hiện như điểm nhấn quan trọng trong bức ảnh sân bay Nội bài đón tướng Thanh trở về. Nhưng điều quan trọng hơn trong xã hội hiện nay lại là vinh dự của người Việt dường như đang mất đi sau hàng loạt vụ ăn cắp của người Việt khi đi nước ngoài.
Có thể là những người cộng sản không đồng tình với Giáo sư Tuấn khi gọi thời kỳ của họ là thời kỳ mông muội, nhưng họ dường như cũng không đồng tình với ông khi ông gọi họ là những người cộng sản. Trong bài viết Một nghịch lý rất thú vị về chữ cộng sản, ông kể rằng khi những người cộng sản nói về nhau thì họ hay dùng từ cộng sản để ca ngợi nhau, nhưng khi những người khác dùng từ đó để nói về họ thì họ lại không đồng ý và cho đó là miệt thị hay hay kém thân thiện. Ông kết luận bằng một thông điệp gửi đến những người cộng sản:
Hai chữ “cộng sản” chẳng có gì đáng sợ hay nhạy cảm cả. Những người cộng sản nên tự hào về chí hướng của họ, và không nên khó chịu khi người khác đề cập đến mình là “người cộng sản” hay “theo cộng sản”
Trong khi những người cộng sản từ chối danh hiệu mà họ tự đặt cho mình thì dường như họ lại đang tiến hành một cuộc tranh giành quyền lực rất sôi động. Giới blogger phân tích nhiều tin tức về những vụ bổ nhiệm mới trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng như số lượng cán bộ xin về hưu hay bị cho về hưu cao vụt lên trong mấy tháng qua.
Blogger Người Buôn Gió viết trong bài Bổ nhiệm và không tái bổ nhiệm:
Người dân Việt Nam như những khán giả dễ tính ngồi xem vở kịch. Một vở kịch đặc biệt có một không hai trên thế giới, đó là việc thay diễn viên bất thình lình có thể do đạo diễn hoặc ông viết kịch bản hay ông chủ nhiêm sản xuất, nhà đầu tư. Thậm chí là ông giám đốc nhà hát luôn.
Một vở kịch như thế chỉ mang đến thông điệp rối ren, hỗn loạn, bất ổn, chả đi đến đâu, không có hồi kết.
Người dân Việt Nam như những khán giả dễ tính ngồi xem vở kịch. Một vở kịch đặc biệt có một không hai trên thế giới, đó là việc thay diễn viên bất thình lình có thể do đạo diễn hoặc ông viết kịch bản hay ông chủ nhiêm sản xuất, nhà đầu tư. Thậm chí là ông giám đốc nhà hát luônNgười Buôn Gió
Blogger Cánh Cò thì bình luận về tướng Phùng Quang Thanh, nhân vật được cho là trung tâm trong vở kịch của cuộc đấu tranh quyền lực đó. Cánh Cò viết rằng ông Thanh nên vui lòng chấp nhận vì đảng của ông đã vượt trên cả thượng đế để định đoạt số phận của ông. Cựu nhân viên ngoại giao Việt nam, ông Đặng Xương Hùng đang tị nạn chính trị tại châu Âu thì cho rằng cái tựa đề Khát vọng đoàn tụ của buổi tối ông Thanh xuất hiện tại Bộ quốc phòng, mang nhiều nghĩa mỉa mai.
Tiền đề của dân chủ
Những người Việt vô danh đang làm gì?
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhiều người Việt nam đang làm những công việc âm thầm. Đó là những người thợ làm bánh mì khôi phục lại chiếc bánh đủ cân đủ lượng, những người ngư dân âm thầm đương đầu với giặc biển Trung quốc, hay những người nông dân đòi lại đất đai cha ông. Tuấn khanh gọi những hành động đó là Cứu chuộc phẩm giá, phẩm giá của người Việt mất mát mấy chục năm qua, mất vì hàng đoàn phụ nữ đứng chờ ở khu mại dâm ở đảo quốc Singapore, hay những du khách sang trọng người Việt lấy cắp tại Thụy sĩ.
Lại có những người Việt tuyệt thực để đòi trả tự do cho tù chính trị, dù họ phải đương đầu với những biện pháp cứng rắn của nhà cầm quyền. Nhà văn Phạm Đình Trọng viết:
Tổng tuyệt thực là bài học vỡ lòng về đấu tranh chính trị của những người trẻ, giúp họ vượt qua tuyên truyền lừa dối của hệ thống giáo dục và truyền thông nhà nước cộng sản để nhận ra hiện trạng đau buồn của đất nước, thân phận ai oán của dân tộc và giúp họ nhận ra trách nhiệm lịch sử của thế hệ trẻ hôm nay.
Những người Việt đó cũng đang nổ lực vận động cho một xã hội dân sự (XHDS) Việt nam. Nhà báo Đoan Trang ghi lại lời Tham tán sứ quán Thụy Điển trước khi bà rời Việt nam:
XHDS là một thành tố rất quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải bình thường hóa mọi chuyện. Không có gì là bất thường cả khi chúng ta công khai đến với nhau và cùng hoạt động vì một mục đích chung. Chúng ta đôi khi có thể đồng ý với chính quyền, đôi khi có thể bất đồng với chính quyền, đó cũng là một điều rất bình thường
Một trong những thành phần quan trọng của xã hội dân sự là những tổ chức công đoàn độc lập vẫn chưa được công nhận tại Việt nam. Nhiều người hy vọng rằng những quan hệ mới với Hoa kỳ và phương Tây sẽ làm cho nhà cầm quyền Việt nam bớt lo ngại về công đoàn độc lập. Nhưng cũng có những người cho đó là những tham vọng không trùng với thực tế cuộc sống hiện nay. Một trong những người đó là Giáo sư Alan Phan khi ông trình bày ý kiến ấy trong bài Những ảo tưởng về TPP, thaeo đó sự hà khắc của chế độ cộng sản không mất đi khi có nhiều quan hệ hữu hảo với phương Tây.
Còn blogger Hiệu Minh thì dường như muốn nhắn gửi đến các nhà cai trị Việt nam hiện nay một thông điệp khi kể lại câu chuyện về hoạt động nghiệp đoàn độc lập trong Ngân hàng thế giới, nơi ông làm việc trong nhiều năm qua. Ông viết rằng Công đoàn mạnh giúp cho bộ máy trong sạch, công đoàn yếu không làm gì nổi trước bọn trộm cắp, làm liều.
Sự không đồng ý với nhà cầm quyền như lời bà Tham tán Thụy điển, hay vai trò của nghiệp đoàn trong bài viết của Hiệu Minh là những điều sẽ làm xã hội cân bằng, tạo nên sự bình đẳng, mà theo lời blogger nhà báo Lê Vũ Bình thì đó là Tiền đề của nền dân chủ.
No comments:
Post a Comment