Tuesday, August 4, 2015

'Tình cảm không thể cân đong đo đếm'

Theo BBC-4 tháng 8 2015
Tỉnh ủy Sơn La đã tới học hỏi kinh nghiệp xây dựng tượng đài Hồ Chủ tịch ở Tuyên Quang (ảnh của báo Tuyên Quang)
Giới chức tỉnh Sơn La nói Đề án tượng đài Hồ Chủ tịch 1.400 tỷ đồng là "nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào".
Dư luận hiện đang bàn tán về dự án tượng đài mà tỉnh Sơn La chuẩn bị khởi công tháng 10 tới.
Đề án xây dựng tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" có tổng đầu tư 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương và vốn xã hội hóa đã được các cấp chính quyền thông qua.
Báo Dân Việt dẫn lời ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Sơn La nói "mục đích chính của Đề án là nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu".
“Với tình cảm biết ơn sâu sắc với lãnh tụ, chúng tôi đề xuất với tỉnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và được Trung ương nhất trí cho phép xây dựng tượng đài tại Sơn La.”
Ông Quyến cho rằng khi xây xong tượng đài, "Sơn La sẽ có cơ hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng".
"Hiện, Sở cũng đang nâng cấp nhà tù Sơn La và một số địa danh văn hóa khác."
Nói với BBC, bà Trần Mai Dung, một người buôn bán, nhà ở TP Sơn La cho rằng: "Hồ Chủ tịch là vĩ nhân của Việt Nam và quốc tế, nên việc xây tượng người dân ai cũng ủng hộ."
"Thế nhưng con số khổng lồ quá, tiền ấy người nghèo ao ước mà không có. Tôi nghĩ xây là cần thiết, nhưng ngân sách chỉ vừa phải thôi thì mới phù hợp."
"Thêm nữa, tôi nghe nói là xây ở dưới phố, cái này phải xem lại. Cần phải có một vị trí cao, đẹp, như trên ngọn núi hay quả đồi gì đó để tượng đài nhìn xuống Sơn La mới xứng đáng."

'Không đo đếm được"

Sơn La là tỉnh nghèo miền núi cao ở Tây Bắc đất nước, dân số khoảng 1,1 triệu người, tổng số hộ nghèo là gần 71.000 hộ.
Kinh phí 1.400 tỷ theo một số ước tính tương đương thu nhập một tháng của 1 triệu người dân Sơn La, tức ngót nghét toàn tỉnh.
Số tiền này có thể xây hàng trăm trường học và trạm xá cho địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Trần Bảo Quyến: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc thì không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Công trình tượng đài Hồ Chủ tịch theo dự kiến được xây trong bốn năm 2015-2019, đặt tại quảng trường Tây Bắc trung tâm thành phố Sơn La với diện tích khoảng 10-15 ha.
Các hạng mục chính của công trình gồm đền thờ Hồ Chủ tịch với tượng ông Hồ cao từ 5-8 m; đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ; bảo tàng ; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người...
Chưa rõ chi tiết thiết kế, song diện tích thi công công trình ở Sơn La không lớn hơn công trình tượng đài Hồ chủ tịch với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nhiều.
Công trình ở Tuyên Quang diện tích 8,5 ha vừa khánh thành ngày 19/5/2015 với tổng chi phí giai đoạn 1 là gần 200 tỷ đồng.
Báo Tuyên Quang cho hay Tỉnh ủy Sơn La đã tới Tuyên Quang học tập kinh nghiệm dựng tượng đài hôm 22/7, tức sau khi Sơn La thông qua nghị quyết xây dựng công trình đồ sộ và tốn kém này.

Nhu cầu rất lớn

Hiện nay trong cả nước có 134 tượng đài Hồ Chí Minh các loại và sẽ thêm hàng chục công trình trong 15 năm tới.
Đó là thống kê chính thức của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. 31 trong số đó được xây dựng tại các quảng trường và trung tâm hành chính-chính trị.
Bộ này từng tổ chức hội thảo về "Tiêu chí, nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030" hồi tháng Tư. Theo đề xuất đưa ra tại hội thảo, đến hết năm 2030, các địa phương sẽ xây mới thêm khoảng 58 tượng đài Hồ Chủ tịch.
Không chỉ Sơn La, nhiều tỉnh thành khác cũng muốn xây dựng tượng đài Hồ Chủ tịch.
Ngoài nguồn vốn, các chuyên gia của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn quan ngại về thiết kế và chất lượng tượng.
Hàng chục bức tượng đã được dựng là nhân bản từ chung một mẫu.

No comments:

Post a Comment