Tuesday, August 4, 2015

Chế tạo lịch sử



Phùng Nguyễn
Theo VOA-05.08.2015
Lịch sử thường được viết ra bởi kẻ thắng, và rất hiếm có kẻ thắng nào lại khờ dại đến mức bỏ qua cơ hội nhào nặn lịch sử theo ý mình. Cho nên, sẽ là chuyện lạ nếu chính quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã không tận dụng cái vị thế kẻ chiến thắng của mình để “sáng chế” một phiên bản lịch sử phù hợp với ý nguyện của họ. Trong phiên bản lịch sử này, đảng CSVN và cái chính quyền mọc ra từ nó là một hình tượng đẹp đẽ, không tì vết. Bất cứ những gì có thể làm hoen ố hình ảnh này, kể cả và nhất là những sự kiện có thật nhưng bất lợi cho họ, cần phải được sàng lọc, ngăn chặn, và loại bỏ.

Vào giữa tháng 5 năm 2005, tại đảo Galang, Indonesia, một tấm biển bề ngang 3 mét và chiều cao 1 mét với nội dung tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mình trong hành trình tìm tự do đã bị đục bỏ theo yêu cầu của chính quyền CSVN. Tấm biển bằng đá cẩm thạch, mặt trước tạc những dòng chữ sau đây:

“Để tưởng niệm hằng trăm ngàn người dân Việt Nam đã chết trên đường đi tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hay vì bất cứ nguyên do nào khác, chúng tôi cũng cầu nguyện cho họ được yên bình vĩnh cửu. Những hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.”

Một nội dung ôn hòa, không oán trách, không kêu gọi hận thù như thế vẫn không làm chính quyền Hà Nội yên tâm chỉ vì cụm từ “tìm tự do” đã được nhắc đến. Khi những thuyền nhân tị nạn Cộng sản biết được những gì đang xảy ra thì đã quá muộn, đài tưởng niệm chỉ còn trơ lại cái lỗ hổng xấu xa của lịch sử.

Cũng trong khoảng thời gian này, chính quyền Malaysia phải đối phó với những đòi hỏi tương tự của Hà Nội về một tấm bia tưởng niệm khác ở đảo Bidong thuộc bang Terengganu. Đối với chính quyền CSVN, bất kể những rêu rao của họ về hòa hợp hòa giải, về “khúc ruột ngàn dặm,” không hề có chuyện người dân Việt Nam nào liều chết vượt biển Đông tìm tự do mà chỉ có bọn phản quốc lìa bỏ tổ quốc để chạy theo đế quốc tư bản!

Chưa hết, trong một câu chuyện do một Việt kiều về tham quan xứ Huế kể lại, phần đối thoại giữa ông và cô hướng dẫn du lịch trẻ tuổi có thể khiến người ta phải ớn lạnh về khả năng đánh lộn sòng lịch sử của phe thắng cuộc:

Tôi hỏi: “Cô có biết chỗ những mồ chôn tập thể hồi Tết Mậu Thân năm 1968 không? Tôi muốn đi đến đó xem.”

Cô trả lời: “Dạ cháu có nghe nói. Nhưng ở cách đây xa lắm.”

Rồi cô nói đến một địa danh hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi muốn biết chắc là cô hiểu tôi đang nói về điều gì nên hỏi thêm: “Cô biết gì về những mồ chôn tập thể nầy?”

Cô giải thích: “Cháu biết chứ. Đó là nơi mà hồi Tết năm 1968 nhiều người đã bị Mỹ Ngụy giết chết và chôn ở đấy.”

Tôi sựng lại, quay qua nhìn cô ấy. Câu trả lời trên của cô hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi. Tôi hỏi lại: “Ai bị ai giết?”

Cô ấy nhướng mắt trả lời một cách thông thạo: “Thì chú biết mà, hồi Tết năm ấy lính Mỹ và lính Ngụy vào đây giết chết rất nhiều thường dân và cán bộ rồi đem chôn họ ở mấy chỗ đó.” Nét mặt cô thản nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy cô đang không trả lời tôi một cách thành thật nhất.

Có lẽ không cần phải chờ đợi lâu hơn, những trá ngụy kinh thiên động địa như thế này, sau khi được đưa vào sách giáo khoa, được hấp thụ bởi các thế hệ học sinh non trẻ trong mấy mươi năm qua, cuối cùng đã biến thành sự kiện lịch sử không thể đảo ngược. Phiên bản chính thức của lịch sử, kể từ lúc đó, không còn là một văn kiện trung thực ghi lại hành trình của một dân tộc, một đất nước mà chỉ còn là một tập hợp những nọc độc văn hóa được bơm vào mạch máu dân tộc nhằm phục vụ những mưu đồ ích kỷ của tập đoàn thống trị.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, thực tế cho thấy người CSVN không dừng lại ở bất cứ giới hạn nào trong việc đánh lộn sòng lịch sử. Trong và sau chiến tranh, và đôi khi cho đến tận bây giờ, phe thắng cuộc đã không ngừng bôi nhọ người miền Nam bằng những thêm thắt, vu khống, bịa đặt. Trong quá trình thực hiện chính sách bôi nhọ này, họ đã tận dụng các tài nguyên có trong tay, kể cả và nhất là giới làm văn học nghệ thuật miền Bắc. Cả một nền văn học, văn học Cách mạng, được xem là “công cụ” phục vụ nhân dân (ở đây cần được hiểu là quyền lợi của Đảng), được giao nhiệm vụ gắn cái đầu ác thú lên thân thể kẻ thù, và đã thành công rực rỡ trong nhiệm vụ này. Một trong những chiến công oanh liệt nhất của công cụ này là đã tung ra và nuôi dưỡng cái huyền thoại “Lính Ngụy ăn thịt người.” Có thể nói, khả năng tuyên truyền của chế độ hoàn thiện đến mức hầu như tất cả mọi người ở miền Bắc trong chiến tranh, và ngay cả sau đó rất lâu, tin rằng lính Ngụy ăn thịt người là chuyện tự nhiên, cũng tự nhiên như mặt trời lặn về hướng Tây mỗi cuối ngày.

Nếu con người là sản phẩm của môi trường, và ở vị trí của người dân miền Bắc trong thời chiến, của tuyên truyền nhồi sọ, thử so sánh những câu thơ dưới đây để xem ai sẽ là người có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn.

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong

(Xuân Diệu – thi sĩ Cách mạng)

…Sẽ ra tro tất cả trại đồn tan

Thây chúng nó tung lên từng miếng đỏ

Ðầu chúng nó óc phụt ra ngoài sọ

(Tố Hữu – đại thi sĩ Cách mạng)

Mai ta đụng trận ta còn sống

Về ghé Sông Mao phá phách chơi

Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm

Đốt tiền mua vội một ngày vui

(Nguyễn Bắc Sơn – lính Ngụy miền Nam)

Không có gì khó khăn để nhận ra cái khoảng cách thăm thẳm giữa tiếng reo hò giục giã cho những chém giết man rợ và nỗi chán chường của kẻ buộc phải dự cuộc binh đao. Ngay cả trong bài thơ nổi tiếng “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của nhà thơ bộ đội Phạm Tiến Duật, câu “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm” nghe chừng như lãng mạn, thật ra cũng ẩn chứa sự cổ vũ cho chiến tranh. Ở cuối con đường “đẹp lắm” này là máu xương, là huynh đệ tương tàn!

Vậy là nền văn học Cách mạng đã trong cùng một lúc làm được hai việc hoàn toàn đối nghịch nhau: ra sức xiển dương bạo lực chiến tranh và gán ghép những tội ác dựa vào các thủ đoạn thêm thắt, bịa đặt lên người kẻ thù. Và kết quả là một chiến thắng vĩ đại về mặt tuyên truyền của người CS. Trong khi không phủ nhận sự gian manh, vô đạo đức của những thủ đoạn nói trên, các “bào chữa viên” cho rằng chúng đôi khi cần thiết trong bối cảnh chiến tranh để đánh bại kẻ thù. Lập luận này nghe rất quen! Nhưng sau khi chiến tranh đã chấm dứt, không chỉ vài năm mà vài mươi năm thì nên bào chữa như thế nào?

Vào năm 2002, hơn một phần tư thế kỷ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có ít nhất hai nhà văn vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và truyền bá cái huyền thoại láo khoét “Lính Ngụy ăn thịt người” trong tác phẩm của mình. Tôi có đề cập đến hiện tượng này và phân tích một cách khá chi tiết trên diễn đàn talawas cách đây khá lâu, bạn đọc có thể tham khảo ở đây. Nếu không phải là sự tiếp tục chính sách bôi nhọ người miền Nam của nhà nước sau gần 30 năm (1975 – 2002) thì điều gì đã khiến họ viết như thế nếu không phải là niềm tin không lay chuyển vào cái huyền thoại này? Và chúng ta đang nói về những nhà văn có thế giá của Việt Nam, không phải là một người dân thường với kiến thức hạn hẹp. Điều này cho thấy tác hại sâu rộng và dai dẳng của những nọc độc văn hóa mà phe thắng cuộc đã tiêm vào mạch máu dân tộc trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy không hề nhận được phản hồi từ các nhà văn đề cập trong bài viết, tôi tin chắc là họ đã đọc, và còn tin chắc hơn nữa là họ sẽ không bao giờ léo hánh đến vùng đất có bọn “lính Ngụy ăn thịt người" trong tất cả các tác phẩm tương lai của mình. Không lập lại sai lầm là một phản ứng thích hợp, nhưng tôi nghĩ chúng ta có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở những ngòi bút có lương tri và tự trọng. Những sai lầm cần được sửa chữa, dù trễ muộn vẫn hơn “không bao giờ.” Họ cần phải lên tiếng để những thế hệ tương lai không phải oằn lưng mang mễnh một phiên bản lịch sử đan dệt bởi những dối trá.

Trong bài tham luận “Viết về Chiến tranh Việt Nam” của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác tại Hội luận Bể Dâu (San Francisco State University - 13 tháng 10 năm 1995) có một đoạn văn mà sau gần 20 năm vẫn không mất đi tính thời sự:

“Trong chiến tranh, biến kẻ thù thành những quái thai là thủ thuật tuyên truyền thông thường trên thế giới. Nhưng trong thời bình, những kẻ thù cũ, nhất là những kẻ thù chiến bại, phải được quyền trở lại làm người. Cho đến nay, trên văn chương quốc nội, người miền Nam vẫn chưa được cái quyền đó. Nhà văn Lê Minh Khuê mới cho một nữ nhân vật là thanh niên xung phong miền Bắc ngẩn ngơ vì nụ cười của một tù binh sĩ quan miền Nam, đã bị công kích là chao đảo lập trường. Chẳng lẽ những sĩ quan quân đội miền Nam không có ai đủ đẹp trai để làm mềm lòng một cô chiến sĩ miền Bắc hay sao!”

Kết luận, lính Ngụy không được quyền đẹp trai! Đây chính là câu trả lời ngắn gọn nhưng không kém phần chính xác cho câu hỏi “văn học Cách mạng là gì?”

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment