Saturday, August 22, 2015

Vinalines lụn bại vì các ‘cảng trung chuyển quốc tế’

HÀ NỘI (NV) - Do thua lỗ nặng nề, Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đang muốn rũ bỏ hai trong số bốn cảng biển mà họ từng góp vốn đầu tư.

Do CICT liên tục thua lỗ, Vinalines muốn gán cảng này cho ngân hàng VP Bank.(Hình: TBKTSG)

Vinalines từng tham gia thành lập các liên doanh để xây dựng ba cảng biển lớn là SP-PSA, CMIT và SSIT ở khu vực Cái Mép-Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và CICT ở khu vực Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh.

Vào thời điểm vận động thành lập bốn liên doanh để đầu tư - khai thác bốn cảng biển vừa kể, cả Vinalines, Bộ Giao Thông-Vận Tải lẫn chính quyền Việt Nam cùng tuyên bố, bốn cảng biển SP-PSA, CMIT, SSIT và CICT có lợi thế lớn về mặt địa lý, mớn nước sâu cho tàu trọng tải lớn, trang thiết bị hiện đại... và sẽ trở thành “các cảng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á.”

Tuy nhiên theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì mỗi năm SP-PSA lỗ khoảng 14 triệu Mỹ kim/năm. Đến cuối năm 2014, không những vốn của các cổ đông đã hết sạch mà SP-PSA còn nợ 539 tỷ đồng và không có khả năng hoàn trả.

Tương tự, CMIT cũng đã mất sạch vốn và tính đến cuối năm 2014 đang nợ 2,100 tỷ đồng. Nếu muốn duy trì hoạt động của CMIT, các cổ đông phải bơm thêm tiền.

SSIT cũng không khá hơn. Tổng vốn đầu tư cho SSIT là 85 triệu Mỹ kim nhưng đến cuối năm ngoái, khoản vốn đầu tư vừa kể chỉ còn 356 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm nay, SSIT lỗ thêm 194 tỷ đồng nữa.

CICT thì mới hoạt động khoảng hai năm nhưng đã lỗ 512 tỷ. Bởi không còn tiền để duy trì hoạt động của CICT, Vinalines đang tìm nơi để bán.

Dẫu Vinalines viện dẫn nhiều lý do để biện bạch cho việc thua lỗ như: Chính sách không phù hợp, thiếu dịch vụ hậu cần hỗ trợ hoạt động cảng, hạ tầng trong khu vực hạn chế... nhưng chuyện vung tiền đầu tư để thực hiện tham vọng có “các cảng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á” của Vinalines, Bộ Giao Thông-Vận Tải và chế độ Hà Nội lại khiến người ta nghĩ đến dự án xây dựng phi trường Long Thành.

Dự án phi trường Long Thành được soạn thảo cách nay khoảng 10 năm với lý do phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020. Theo dự án thì phi trường Long Thành có thể thay thế hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất và trở thành “phi trường trung chuyến cho các chuyến bay quốc tế qua khu vực Đông Nam Á” và giúp tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mong muốn vừa kể khó khả thi, bởi lâu nay, những phi trường ở Thái Lan và Singapore đã được các hãng hàng không quốc tế chọn làm điểm trung chuyển. Chưa kể những phi trường hiện có tại Việt Nam như Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh vốn đã là phi trường quốc tế, các hãng hàng không có thể sắp xếp để phi cơ của họ bay thẳng tới đó và không cần phi trường Long Thành như một điểm trung chuyển.

Ngoài ra, nếu thu hồi 5,000 héc ta đất cho dự án phi trường Long Thành, nhà cầm quyền sẽ phải thu hồi đất của 5,400 gia đình, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sinh kế của 17,000 người. Bên cạnh đó, vì chi phí quá lớn (tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án ngốn hơn 18.7 tỷ Mỹ kim), việc xây dựng phi trường Long Thành sẽ khiến nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.

Sau đó, do các phân tích - khuyến cáo của giới chuyên gia kinh tế và hàng không, chi phí thực hiện dự án đã giảm từ 18.7 tỷ Mỹ kim xuống còn 15.8 tỷ. Diện tích đã được “điều chỉnh” từ 5,000 héc ta xuống còn 2,750 héc ta.

Đáng lưu ý là mục tiêu cũng được điều chỉnh, trong giai đoạn 1, phi trường trường Long Thành không phải là phi trường trung chuyển cho các chuyến bay quốc tế! Dự tính biến phi trường Long Thành thành điểm “trung chuyển quốc tế” được dời lại cho giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 (trước hoặc sau năm... 2030).

Giống như các cảng biển vừa kể, giới lãnh đạo Việt Nam cũng xác định dự án phi trường Long Thành là “chủ trương lớn của Đảng.” (G.Đ)
08-21-2015 1:22:35 PM

No comments:

Post a Comment