Ngân hàng Đông Á đang rơi vào khủng hoảng
Hai lãnh đạo Ngân hàng Đông Á (DAB) bị đình chỉ chức vụ, vài ngày sau khi ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước nói trong một thông cáo đã "đình chỉ ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc DAB".
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cũng bị đình chỉ chức danh phó tổng giám đốc DAB.
Quyết định trên được đưa ra sau khi kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước "phát hiện nhiều vi phạm pháp luật tại DAB", thông cáo cho biết.
BBC đã liên lạc với ông Bình nhưng ông từ chối trả lời.
Thông cáo cũng cho biết ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sẽ thay thế vị trí của ông Bình.
Trong khi đó, ông Phạm Thế Nguyên, phó giám đốc chi nhánh Sở giao dịch hai của BIDV, sẽ thay thế bà Vân.
Hôm 21/8, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, nói "trước mắt BIDV có đủ nguồn lực để hỗ trợ Đông Á hoạt động bình thường, còn việc liệu Đông Á có hợp nhất vào BIDV, quyền quyết định thuộc về Ngân hàng Nhà nước”.
Báo chí trong nước trấn an rằng 'lợi ích người gửi tiền ở Đông Á được đảm bảo'
‘Thành ủy TP Hồ Chí Minh có cổ phần’
Hôm 20/8, trang cafeF cho biết ông Bình chỉ sở hữu 3% cổ phần Đông Á nhưng nếu tính cả sở hữu của bà Cao Ngọc Dung, vợ ông Bình, và các con thì tỷ lệ sở hữu là 9,62% cổ phần.
Trong bài "Những ai đang sở hữu Ngân hàng Đông Á?", trang này cho biết Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng là cổ đông lớn sở hữu gần 6,9% vốn nhưng hiện không có đại diện trong Hội đồng quản trị ngân hàng.
Trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định:
“Việc cơ quan nhà nước là cổ đông ngân hàng là điều không hợp lý nhưng là chuyện đã rồi”.
Theo ông Thành, việc nhà nước không cho ngân hàng phá sản mà lại quốc hữu hóa cũng là điều không hợp lý.
No comments:
Post a Comment