Hà Nội và Washington đã có nhiều động thái thắt chặt quan hệ trong những năm gần đây
Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 21/8 đã có phát biểu trước báo giới nhân 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.
Trong bài phát biểu được báo điện tử VnExpress dẫn lại, ông Minh đã đề cao quy tắc 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trong chính sách ngoại giao của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.
Ngoại trưởng Việt Nam cũng thừa nhận những khó khăn trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông và nói Việt Nam cần "đi đầu trong việc xây dựng các cơ chế khu vực" để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Ông cũng cho biết đã học được từ cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch 'sự kiên định, trên cơ sở đường lối chủ trương vận dụng linh hoạt, tạo ra được nhiều bạn bè nhất để thực hiện đường lối đối ngoại'.
Ngày 22/8, BBC đã có buổi phỏng vấn với nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt về những phát biểu này.
BBC: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong phát biểu hôm 21/8 nhận định 'vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khu vực chưa bao giờ cao đến thế', ông có đồng ý với ý kiến này?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Ở đây cá nhân tôi cho rằng một mặt thì Việt Nam đã có một vị thế tương đối mới, thể hiện trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc trên thế giới mà đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ cho thấy mối quan hệ song phương đã có nhiều phát triển vượt bậc.
Đối với các cường quốc khác thì Việt Nam cũng đang phát huy đẩy mạnh thế mạnh của mình.
Nhưng tôi cho rằng thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa được phát huy đúng tiềm năng.
Nói cho cùng thì sức mạnh ngoại giao vẫn phụ thuộc vào sức mạnh nội lực.
Dù ngoại giao Việt Nam đã làm hết sức, trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia lớn, nhưng nội lực của Việt Nam rất hạn hẹp và điều này đang làm ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Nội đang duy trì các cuộc trao đổi cấp cao với Bắc Kinh trong nỗ lực kiềm chế căng thẳng trên Biển Đông
BBC: Ông nghĩ như thế nào về ý kiến nói Việt Nam bị 'lạm phát đối tác chiến lược', thưa ông?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Tôi có đọc bài nghiên cứu về vấn đề này của tác giả Lê Hồng Hiệp. Tôi đồng ý với tác giả ở chỗ là Việt Nam nên chọn những đối tượng đặc biệt để làm đối tác chiến lược.
Hiện nay Việt Nam đang trải mối quan hệ đều khắp ra, không có điểm ưu tiên. Cho thấy nguồn lực của Việt Nam bị dàn trải và không có điểm nhấn.
BBC: Ông Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam cần phải đi đầu trong việc xây dựng các cơ chế khu vực để đảm bảo lợi ích quốc gia và góp phần đảm bảo ổn định khu vực, ông nghĩ gì về định hướng này?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Trong quá trình toàn cầu hóa như bây giờ, nếu Việt Nam tự đứng một mình mà không tham gia vào thì như phương Tây nói là 'chậm chân thì lỡ tàu'. Không tham gia được thì không biết luật chơi người ta đặt ra như thế nào và không được tham gia vào ngay quá trình định hình luật chơi.
Việt Nam đã phải trả giá rất nhiều trong các định chế thương mại quốc tế và rất vất vả khi hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh thương mại quốc tế thì đến bây giờ Việt Nam cũng đã có vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quốc tế khác như ASEAN.
Vai trò của Việt Nam trong ASEAN cũng giúp tạo dựng những hành lang để hướng tới khu vực mà cụ thể là việc Việt Nam cùng ASEAN tìm kiếm hướng đi cho tranh chấp Biển Đông với Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)
BBC: Nhân nói đến COC, ngoại trưởng Việt Nam thừa nhận vấn đề khó khăn hiện nay là các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, phải 'cùng có mong muốn và hành động' để đạt được điều đó. Những động thái gần đây của Bắc Kinh có thể hiện sự mong muốn đó hay không, và liệu Việt Nam có nên ủng hộ ASEAN đơn phương tiến tới COC không, thưa ông?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Thứ nhất là cho đến bây giờ thì trong nội bộ ASEAN đã thống nhất được nội dung bản nháp số 0 do Indonesia đề xuất về COC. Đến bây giờ thì 10 quốc gia ASEAN đã gần như đồng ý với nội dung đó.
Tuy nhiên vấn đề là bên tham gia với ASEAN là Trung Quốc thì họ chưa muốn và đó là vấn đề khó khăn nhất của COC lúc này.
Trung Quốc thì khi nào chưa giành được lợi thế rõ ràng trên Biển Đông thì đương nhiên họ chưa dừng lại.
Sau khi giành được lợi thế rõ ràng rồi thì họ sẽ ký một luật chơi và buộc các quốc gia ASEAN khác tham gia tranh chấp trên Biển Đông không được lặp lại như của họ.
Ngay cả trong nội dung của COC thì phía Trung Quốc đã không bằng lòng với ASEAN.
Trong bản nháp số 0 thì nói rằng khu vực tranh chấp bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng Trung Quốc thì nói rằng COC là dành cho Trường Sa mà thôi, không nói đến Hoàng Sa.
Một loạt các điều khoản mà Trung Quốc vẫn đang tìm cách câu giờ để đợi có một lợi thế thực sự. Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần mà cụ thể trong năm nay, thì COC chưa thể ra đời được.
Trung Quốc hiện không thừa nhận có tranh chấp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa
BBC: Ông Phạm Bình Minh đề cao tầm quan trọng của việc "tăng cường điểm đồng, giảm bớt bất đồng" đối với những quốc gia có chung lợi ích với Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Hà Nội nhằm 'tăng điểm đồng, giảm bất đồng' với Hoa Kỳ, một nước cũng có nhiều lợi ích trong ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông vì nó đem lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó Việt Nam là quốc gia trực tiếp tham gia tranh chấp trên biển và Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc biển.
Khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà phía Việt nam hay nhắc là ý thức hệ, thể chế và các cách nhìn khác nhau về nhân quyền, dân chủ, tự do.
Nhưng những sự bất đồng này đã được thu hẹp vì những lợi ích lớn lao hơn. Điều đó có thể thấy được trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng.
Lần đầu tiên một tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam được Tổng thống Hoa Kỳ đón tiếp trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, điều đó cho thấy một nỗ lực rất lớn.
Phía báo chí Việt Nam khi tường thuật về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng thì cũng đề cập đến việc phía Hoa Kỳ lúng túng trong việc chọn thủ tục và nghi lễ ngoại giao nào cho nhân vật này.
Chuyến thăm cũng gặp nhiều sự phản đối từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Trong bối cảnh nhiều sự khác biệt, khó khăn như vậy nhưng trong chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ, hai bên ký kết và có những tuyên bố chung như vậy thì tôi cho rằng đã có những bước tiến lớn và đó là bằng chứng cho thấy có thể thu hẹp những bất đồng và hướng tới những lợi ích lớn hơn.
Campuchia gần đây đã bắt giữ Thượng Nghị sỹ đối lập Hong Sok Hour, người bị cáo buộc đã đăng các tài liệu giả mạo về một hiệp ước biên giới giữa Campuchia với Việt Nam
BBC: Ngoại trưởng Việt Nam đề cao quy tắc 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trong chính sách ngoại giao của Hà Nội. Theo ông thì quy tắc này có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay và có còn phù hợp với bối cảnh hiện nay không.
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Tôi nghĩ rằng câu nói này vẫn còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Cái bất biến ở đây được hiểu là chủ quyền lãnh thổ quốc gia và độc lập tự do dân tộc.
Còn bằng phương cách nào, trong giai đoạn nào thì là vạn biến, có thể thay đổi, có thể bước đi thế này hay thế kia nhưng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc phải bảo vệ.
BBC: Ông Phạm Bình Minh đã khẳng định sẽ "không thể có xung đột trên biên giới" giữa Campuchia và Việt Nam, theo ông liệu đây có phải là một nhận xét chủ quan?
Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Đối với chính khách như ông Phạm Bình Minh thì không thể phát biểu chủ quan mà không dựa trên những điều xác thực.
Vừa rồi thì Đảng Cứu Quốc của ông Sam Rainsy đã đưa lại vấn đề biên giới giữa Việt Nam, Campuchia và cho rằng phía Việt Nam đã có những điều gian dối, như cướp đất của Campuchia.
Thủ tướng Hunsen đã có phản ứng bằng việc mượn bản đồ Liên Hiệp Quốc để so sánh với bản đồ mà Việt Nam và Campuchia tham chiếu khi phân định, cắm mốc biên giới giữa hai nước.
Cho đến bây giờ thì bản đồ mà ông Hunsen mượn và bản đồ hai bên sử dụng khi cắm mốc đã được xác định là một.
Campuchia cũng mới cho bắt một thượng nghị sỹ thuộc Đảng cứu quốc bị cáo buộc tung ra những tài liệu giả mạo.
Điều đó cho thấy là phía Việt nam cũng hiểu và có tinh thần thiện chí để ký kết với các bên láng giềng trong việc phân giới cắm mốc để tạo dựng những ổn định giữa các bên.
Phía Việt Nam đã làm tốt việc phân giới cắm mốc với Trung Quốc và đang xúc tiến với các quốc gia láng giềng khác, trong đó có Campuchia.
Theo tôi được biết thì biên giới Việt Nam Campuchia đã gần hoàn tất, ngoại trừ 8 điểm.
Tôi nghĩ ông Phạm Bình Minh tin rằng Việt Nam đã làm đúng luật quốc tế, không có những sai phạm, gian dối ở đây.
Chúng ta đều phải dựa trên luật pháp quốc tế làm cơ bản và nếu anh làm đúng thì lẽ phải sẽ thuộc về anh.
No comments:
Post a Comment