Tuankhanh—08/12/2015 - 04:02
Như một cuốn phim dài hấp dẫn chưa có hồi kết, chàng thanh niên Hoàng Chí Phong lại lên tiếng cho biết anh vẫn tiếp tục hành trình của mình, vì một Hồng Kông trong ước mơ của những người rất trẻ.
Những tuyên bố mới nhất của Hoàng Chí Phong trên tạp chí Le Monde vào tháng trước, cho thấy cuốn phim Cách Mạng Dù Vàng năm 2014 có thể là một cuộc trình diễn đầy ngẫu hứng, không định trước cái kết cho mình, nhưng những gì sắp tới đây, sẽ là một bộ phim được sản xuất hết sức chặt chẽ, với phần kịch bản và diễn viên chính cũng sẽ do Hoàng Chí Phong đảm trách.
Nhân vật 18 tuổi này, được tờ Fortune bình chọn là 1 trong 10 có ảnh hưởng quan trọng nhất trên hành tinh năm 2015, giải thích lý do cuộc Cách Mạng Dù Vàng lại kết thúc đáng tiếc như vậy, là vì họ đã không giới thiệu sâu rộng kế hoạch của phong trào đến từng người dân Hồng Kông, để có được một sự hưởng ứng mạnh mẽ và thống nhất hơn. Hoàng Chí Phong nói mọi thứ trong tương lai phải khác. Tương lai cho một cuộc Cách Mạng Dù Vàng quay trở lại sẽ nhắm đến một cuộc đấu tranh cho việc thay đổi về thể chế chính trị, mà thời hạn đạt được là năm 2030, trước khi thời hạn cho phép "một quốc gia, hai chế độ" sẽ kết thúc vào năm 2047. Đây được coi là cơ hội cuối cùng cho thế hệ mới ở Hồng Kông trong việc bứt ra khỏi gọng kềm của Bắc Kinh, chọn cho vùng đất của mình một con đường tự do, dân chủ mà họ đã quyết chọn.
Không khác gì những khán giả xem phim, những ai quan tâm đến cuộc Cách Mạng Dù Vàng ở Hồng Kông vẫn hồi hộp chờ xem kẻ ác sẽ đến từ đâu, nhân vật chính sẽ thoát hiểm và có thành công hay không.
Có lẽ vào lúc này, giới chính trị phụng sự quyền lực cho Bắc Kinh đang căng thẳng để vận dụng mọi bùa phép nhằm ngăn trở cuộc cách mạng. Đổng Kiến Hoa, nhân vật được Bắc Kinh giao trọng trách nhận lại Hồng Kông từ người Anh vào năm 1997, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bị mất chế độ ở vùng đất này, đã kêu gọi bổ sung luật pháp từ đại lục, phủ lên luật pháp hiện hành của Hồng Kông. Thậm chí, Stanley Ng., đại diện cho thành phần hãnh tiến thân Bắc Kinh cũng kêu gọi soạn thảo một đạo luật chống lật đổ.
"Chúng tôi cần 3-4 năm", Hoàng Chí Phong nói về một khoảng lặng dự kiến, trước khi có một trận cuồng phong mới của những người cầm dù vàng. Trong cuộc xuống đường năm 2014, người Hồng Kông nói rằng đã có đến 1,2 triệu người tham gia, bằng 1/6 tổng số của cư dân của vùng đất này.
Trước khi có một sự thay đổi nào đó xuất hiện, tâm trạng buồn chán về thể chế cộng sản-khác biệt đang lấn dần trong đời sống, đã khiến giới trẻ Hồng Kông lên tiếng về nhiều mặt văn hoá, xã hội, đạo đức... của đại lục đang tràn vào, khiến họ cảm thấy không còn là chính mình, không còn là vùng đất của mình. Sự chuyển động này âm ỉ và lớn dần, không khác gì đêm trước của một cuộc cách mạng.
Một trong những cuốn sách gần đây khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận, là tác phẩm Lost in transition (tạm dịch: lạc lõng trong chuyển giao) của tác giả Yui-Wai Chu, xuất bản năm 2014. Tựa cuốn sách này nhại lại bộ phim Lost in translation (2003) của nữ đạo diễn Sofia Coppola. Trong sách, vị giáo sư của trường đại học Hồng Kông đã đáp đúng tâm trạng của hàng triệu người vô cùng tiếc nhớ khi nói về một vùng đất tươi đẹp, trước khi trao trả cho Trung Quốc. Ông mô tả một Hồng Kông đang mất dần sự độc đáo của mình, bởi sự xoá bỏ rất chủ tâm của Bắc Kinh. Giới trẻ Hồng Kông đọc và gối đầu giường về một quá khứ kiêu hãnh, đặc biệt không quên nhận định sắc bén của giáo sư Chu: "thống nhất địa lý hoàn toàn không thể thống nhất được văn hoá, và sự thống nhất đó giúp chúng ta nhìn rõ hơn tình trạng 'một quốc gia, hai nền văn hoá' (one country, two cultures) hiện nay".
Dĩ nhiên, người Hồng Kông không phản bội lại tổ tiên mình, nhưng họ không chịu nổi những người từ đại lục có chút tiền, ăn to nói lớn, mua vét, ăn cạn mọi thứ đang có trên đảo quốc này. Họ cũng không chịu nổi chuyện những người mẹ đi từ Bắc Kinh đến, tự nhiên cho con ăn hoặc tiêu tiểu ngay trên tàu. Sự khác biệt đó đang là hố ngăn cách sự thống nhất trong lòng người, ngày càng lớn dần.
Mốt nhại lại câu nói "một quốc gia, hai chế độ" do Bắc Kinh tuyên truyền cứ nở rộ. Giới làm điện ảnh Hồng Kông cứ hay đùa bằng khẩu ngữ "một bộ phim, hai phiên bản" (one movie, two version) để nói về chuyện làm phim cứ phải phập phồng chờ lưỡi kéo kiểm duyệt. Hồng Kông từng là kinh đô điện ảnh của Châu Á trong nhiều thập niên, nhưng giờ đây, mọi thứ đã nhạt nhẽo, và là sự tiếc nuối của người dân Hồng Kông, cũng như của cả một thế kỷ những người hâm mộ điện ảnh Hương Cảng.
Trong danh sách 100 bộ phim hay nhất một thời đại mà các trang mạng của Hồng Kông bình chọn, hầu hết những cuốn phim được nhớ mãi mãi, đều được sản xuất trước năm 1997. Edmmund Lee, nhà bình luận điện ảnh nổi tiếng của tạp chí Time Out, đã nói trong chương trình kỷ niệm 100 năm điện ảnh Hồng Kông (2012) rằng "chúng ta sẽ khó mà tìm lại được, dù nhiều tiền hơn hay nhiều diễn viên giỏi hơn".
Trong những kỳ vọng lẻ loi mà người Hồng Kông còn nghĩ đến, có lẽ đó là Hoàng Chí Phong và hành trình đến tương lai đẹp như điện ảnh của anh. Vượt lên sự nhàm chán và áp đặt của ý nghĩa thống nhất địa lý và chính trị từ chính quyền trung ương, người sinh viên trẻ này đang cùng thế hệ của mình, dần hình thành một siêu phẩm, với tuyên ngôn "hãy để chúng tôi sống với tự do mà chúng tôi đã chọn".
tuankhanh's blog
No comments:
Post a Comment