Nhà văn Võ Thị Hảo
Theo RFA-2015-08-13
Blogger "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh-File photo
Ba Sàm vì ai mà lao khổ?
Trên thực tế, ai dám dấn thân vào hiểm nguy, cứu mạng được một người thì đã xứng đáng được tôn làm anh hùng. Người VN cũng biết ơn và tôn vinh những người ấy.
Nhưng có những loại anh hùng khác, thậm chí là siêu anh hùng. Do thiển cận hoặc do sợ hãi, người VN lại thường thờ ơ ghẻ lạnh, tệ bạc, thậm chí a dua với nhà cầm quyền mà ném đá, tước quyền sống với những siêu anh hùng.
Lẽ nào chúng ta không biết những siêu anh hùng đó có thể cứu mạng cả hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người, và quan trọng là cả những thế hệ tương lai?
Hiệu quả việc làm của các siêu anh hùng được nhân lên rộng lớn bởi trí tuệ, bởi nhận thức hợp thời đại và nắm được khoa học vì con người, biến thành một đòn bẩy khai sáng và bảo vệ cho cộng đồng. Họ dám chịu hy sinh thân mình mà đấu tranh với nhà cầm quyền lạc hậu, bất lương nhằm cải cách thể chế chính trị để thực hiện bằng được quyền con người, đa nguyên, công bằng, bình đẳng, bác ái, ấm no giàu mạnh cho toàn dân.
Một trong những kiểu siêu anh hùng đó là những nhà bất đồng chính kiến, dám phản đối lại nhà cầm quyền bạo ngược. Họ thường bị nhà cầm quyền đàn áp, giam giữ, triệt hạ. Khi họ bị cầm tù trong nhà giam độc tài, họ được thế giới gọi là „tù nhân lương tâm“. Ông Nelson Mandela của Nam Phi và bà Aung San Suu Kyi của Myanma là một trong những siêu anh hùng đó. Họ bị chính quyền gọi là giặc của thời loạn nhưng là siêu anh hùng của nhân loại.
Ở VN, những người bất đồng chính kiến, dám hy sinh quyền lợi bản thân, dùng ngòi bút và các hình thức đấu tranh khác để bảo vệ quyền lợi đất nước và người dân, cũng đang dấn bước theo con đường đó.
Thật thảm hại là do thiếu hiểu biết hoặc do sợ hãi, đa phần người VN, thay vì biết ơn, ủng hộ, làm theo họ thì lại thường né tránh tất cả những vấn đề mà họ cho rằng „liên quan đến chính trị“. Nhiều người lại còn a dua theo chính quyền để tẩy chay, nhục mạ, hành hạ, tước quyền sống của những người dùng ngòi bút và lời nói của mình bảo vệ cả gần trăm triệu người bị cướp bóc những thứ còn to lớn và nguy hại gấp triệu lần: đó là quyền tự do ngôn luận và quyền con người.
Trong bầu không khí nhà cầm quyền VN ngày càng lệ thuộc vào Trung quốc trên mọi mặt, nguy cơ mất nước ăn mòn VN từng giờ từng phút cùng với nạn côn đồ cướp bóc của công từ phía những quan chức công quyền, trong khi cả ngàn tờ báo và tạp chí truyền thông lề phải bị buộc phải câm lặng, những người biểu tình ôn hòa bị đàn áp chỉ vì biểu lộ lòng yêu nước và phản đối TQ lấn chiếm biển đảo, trang blog anhbasam đã là một điểm sáng thể hiện lương tri, lòng tự trọng của công dân VN bằng việc đưa thông tin về sự thật. Từ chỗ hợp lòng người, trang blog này đã mau chóng được cảm thông và chia sẻ của những bạn đọc „đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu“ trong và ngoài nước.
Lẽ ra Ba Sàm và những cộng sự của anh phải được tạo điều kiện làm báo và tôn vinh bởi anh đã đưa lại lợi ích cho cộng đồng. Nhưng ngược lại, anh bị giam vào ngục.
Ai đã nổi giận vì những sự thật bị che giấu đã được đưa ra ánh sáng dưới sự chia sẻ thông tin của Ba Sàm? Bạo quyền nào đã thâm thù hành động yêu nước của anh và những cây bút phản biện xã hội? Ai đã e sợ sức mạnh ngăn trở con đường bán nước của những cây bút trên mạng xã hội? Ai đạt được quyền lợi trong việc triệt hạ Ba Sàm?
Ngày 5/5/2014, blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và một đồng nghiệp bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt khẩn cấp, bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự. Vụ bắt giữ này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam và trang Ba Sàm đã có nhiều bài phản đối trong khi cả ngàn tờ báo truyền thông lề phải bị bịt miệng, phải im lặng.
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự là Nguyễn Thị Minh Thúy đã gia nhập đội ngũ „tù nhân lương tâm“ trong tình trạng như vậy.
Việc bắt giữ họ đã gây phẫn nộ trong và ngoài nước. Hơn một năm nay, họ và những tù nhân lương tâm của VN không bị cộng đồng lãng quên. Những đợt đấu tranh mạnh mẽ đòi trả tự do cho họ đã được dấy lên ở nhiều nơi.
* „Khai quốc công thần“ cũng bị phụ bạc
Hương hồn những „khai quốc công thần“ cộng sản chắc cũng không thể nằm yên dưới mồ khi nhiều người trong số họ và thân nhân họ cũng đã bị đội ngũ những hậu thế hái quả ngọt do chính tay các bậc tiền bối lao khổ trồng nên giày xéo chỉ vì dám tiếp cận và công bố sự thận hoặc không hợp phe cánh.
Việc con trai mình bị bắt giam và kết tội oan ức đã góp phần làm héo mòn, giết chết bà Ái Việt mẹ của Ba Sàm. Bà là vợ của ông Nguyễn Hữu Khiếu –nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động. Gia đình này cũng là ruột thịt với nguyên Bộ trưởng công an Lê Minh Hương. Nhưng theo nhiều nhân chứng đã tố cáo thì tại đám tang bà Ái Việt, không những con trai bà không được tạm tại ngoại để chịu tang mẹ, mà một số công an và an ninh còn làm những việc vô đạo như bao vây, giật và xé một số băng tang trên vòng hoa viếng bà. Gây náo loạn tại đám tang là việc vô lương tối kỵ.
Từ ngày Ba Sàm bị tù, cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn và bị đe dọa nghiêm trọng. Vợ anh, chị Lê Thị Minh Hà mặc dù bản thân thường xuyên ốm đau nhưng đã phải xếp lại việc nhà, lận đận đi vận động trong và ngoài nước kêu oan và đòi trả tự do cho chồng. Nghị lực và lòng quyết tâm của chị thật đáng vị nể, vì chị xác định không chỉ là nỗi oan khuất của riêng gia đình chị, mà thông qua oan án của anh Vinh và đồng nghiệp mà đấu tranh cho nhân quyền của người VN và các tù nhân lương tâm. Thật không khỏi xót xa cho người đàn bà bé nhỏ ốm đau ấy thân gái dặm trường, lo một ngày nào đó, vừa bị tra tấn về tinh thần, vừa quá vất vả về công việc, chị sẽ gục ngã trên đường trường kêu oan cho chồng…
Trong nhà giam, chồng chị cũng từng bị đối xử tàn tệ. Theo luật sư Hà Huy Sơn, căn cứ vào tố cáo của thân chủ, Ba Sàm từng bị giam giữ cùng một tội phạm sự đã bị khởi tố về tội giết người và có những đặc điểm tâm lý bất thường. Đó là một đòn độc địa, có thể mượn bàn tay tù hành hạ tù hoặc giết tù mà chính quyền vô can. Nếu gia đình và luật sư cùng công luận không viết đơn phản đối tới Viện Kiểm sát và giám thị trại giam B14 Bộ công an đề nghị đổi người cùng giam để cứu lấy tính mạng Ba Sàm thì giờ nay không biết anh sẽ ra sao..
Những hành vi trên đây của nhà chức trách đã khiến cho người dân thấy rõ, những ai góp phần dựng lên, thậm chí hy sinh cả xương máu cho một chính thể độc tài thì cũng rất khó tránh khỏi hậu quả là chính thể ấy cũng sẽ giáng lên các tiền bối hoặc hoặc hậu duệ của họ những oan khuất chí mạng.
Ba Sàm vô tội, nhà chức trách phạm pháp
Căn cứ cáo trạng và pháp luật VN hiện hành, các luật sư, công luận, nhiều tổ chức quốc tế đã chứng minh ông Vinh và bà Thúy hoàn toàn vô tội. Việc bắt giam họ không những trái với đạo đức, đi ngược lại quyền lợi của đất nước VN mà còn là phạm pháp.
Hành vi của ông Vinh và bà Thúy (nếu có) cũng không thể cấu thành tội phạm. Hai bản Kiến nghị đình chỉ vụ án do Luật sư Trần Quốc Thuận và nhóm luật sư gửi lên các cơ quan hữu trách đã phân tích rõ về việc vụ án đã được tiến hành một cách trái pháp luật, không có hành vi phạm tội nào có thể được chứng minh. Lệnh bắt khẩn cấp dựa trên các chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp, không thỏa mãn điều kiện bắt khẩn cấp của Bộ luật tố tụng hình sự, chứng cứ không hợp pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp. Đây là bản Kiến nghị thứ 2 của các luật sư yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án do trái pháp luật nhưng đến nay các nhà chức trách này vẫn cố tình không đình chỉ vụ án.
* Phải trả tự do ngay và vô điều kiện
Dư luận trong nước và nhiều tổ chức quốc tế đã rất công phẫn về việc làm này của nhà cầm quyền VN.
Ngày 10/12/2014, ông Ed Royce, chủ tịch đối ngoại Hạ viện Mỹ đã trao cho đại sứ VN tại Washington D.C yêu cầu trả tự do vô điều kiện và ngay tức khắc cho blogger Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Đồng thời, ông yêu cầu rằng nhà cầm quyền VN phải tôn trọng quyền căn bản của công dân, trong đó có quyền tự do diễn đạt suy nghĩ của mình, nếu muốn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Trước đó, nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2014, Tổ chức Theo dõi Nhân quyến thế giới cũng đã kêu gọi VN ngừng sử dụng những quy định phi lý để bỏ tù những người bất đồng chính kiến với cáo buộc là „lạm dụng quyền tự do dân chủ“. Họ đã lên án VN mưu toan bịt miệng các blogger và hành động này đã „biến lời cam kết của nhà cầm quyền VN tại Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc thành những lời giễu cợt“. Giám đốc châu Á của Tổ chức Nhân quyền Thế giới cho biết vào ngày 11/12/2014 rằng họ đã mất kiên nhẫn với chính quyền cộng sản VN: „họ hứa rằng cải thiện nhân quyền, nhưng đã không giữ lời“.
Ngày 31/10/2014, ông Tom Koenigs – Trưởng nhóm nhân quyền thuộc Đảng Xanh – quốc hội Đức đã lên án rằng việc bắt giam ông Vinh và cộng sự là trái với công ước về các quyền dân sự và chính trị mà VN đã tham gia ký kết và vi phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí và tự do thông tin, là những quyền con người phổ quát. Ông cam kết yêu cầu trả tự do cho ông Vinh và bà Thúy đến cùng.
Cũng trong ngày 4/11/2014, nghị sĩ QH Liên bang Đức, ông Martin Patzel đã thông báo về việc ông nhận đỡ đầu cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, sau khi tiếp xúc với bà Lê Thị Minh Hà tại QH nước này. Được biết, ông cũng là người có nhiều sáng kiến trong việc vận động đòi trả tự do cho nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh trước đây.
Ngày 19/11/2014, có tới bốn dân biểu Mỹ cùng gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trả tự do cho ông Vinh và bà Thúy.Với những lời lẽ đanh thép, họ yêu cầu chính quyền VN hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.
Tổ chức Ký giả Không biên giới lên án gay gắt vụ vi phạm nhân quyền này. Đại diện tổ chức khẳng định rằng họ và cộng đồng quốc tế phải làm tất cả những gì có thể làm được đề hối thúc trả tự do cho những người bị cầm tù chỉ vì họ đã phổ biến thông tin và thực thi quyền tự do của mình dựa trên điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền.
Người VN chúng ta ai cũng mong muốn có một cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc, công bằng. Nếu muốn thế, trước hết phải có tự do ngôn luận. Trong điều kiện ấy các nhà báo, các cây bút… từ nhiều nguồn, nhiều phía khác nhau sẽ đem hành vi của những cá nhân, tổ chức ra soi xét dưới ánh ngày. Khi đó, những hành vi chính đáng sẽ được ủng hộ, hành vi hại cộng đồng phải bị loại bỏ, nguwoif gây ra phải chịu hậu quả, sự công bằng được lập lại, mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ được bảo vệ khỏi sự xâm hại của những kẻ khác.
Nếu ta sống trên đời mà không quan tâm đến quyền làm người của chính mình và hành động để bảo vệ nó, thì đương nhiên chỉ là đạt mức động vật bậc cao!
Lẽ nào ở thế kỷ XI này mà chúng ta vẫn cam tâm làm giống động vật bậc cao, chỉ chăm chú chải chuốt bộ da và cái máng ăn của mình? Lẽ nào chúng ta thấy kẻ đồ tể đến bắt người vô tội hoặc ngay cả ân nhân cứu mình mà vẫn thờ ơ?! Như thế sao tránh khỏi một ngày không xa, chính chúng ta cũng sẽ bị mang đi „xẻ thịt“?!
Chúng ta mang ơn những người tự nguyện nhận lấy thương tổn và lao khổ trên con đường dấn thân đòi công lý và tự do chung cho toàn dân VN. Ta mang ơn Ba Sàm, cộng sự của anh cùng bao nhân sĩ trí thức, bao tù nhân lương tâm trước đây và bây giờ cùng ngày sau đang bị đầy đọa trong ngục tối.
Chúng ta mang ơn những dân oan đã không im lặng nhẫn nhục, dám nếm mật nằm gai đưa oan khuất của họ ra trước công luận dù họ thường bị xua đuổi đánh đập khi đến kêu oan trước công đường. Nỗi oan của họ cũng phải được coi chính là nỗi oan của mỗi người trong chúng ta.
Người VN trước đến nay từng coi trọng ân nghĩa, cũng có lương tri. Ta cần phải làm tất cả, không mệt mỏi để trả lại tự do cho anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cùng các tù nhân lương tâm khác. Bởi vì họ là những người nhiệt thành yêu nước, kiên quyết bảo vệ chủ quyền tổ quốc, tin tưởng ở xu thế dân chủ hóa không thể đảo ngược được, đem lại lợi ích cho toàn thể dân tộc VN.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment