Thursday, August 13, 2015

Con người đang giết nhau âm thầm

TTO - Tuổi Trẻ ngày 9-8-2015 có bài viết “Chất cấm trong thịt heo tăng báo động” cùng những trăn trở của người nội trợ giữa vòng vây thực phẩm không an toàn, bởi thực tế không chỉ thịt heo là có chất cấm, có thuốc tăng trọng.

Một trại heo có mẫu xét nghiệm dương tính với chất tạo nạc - Ảnh tư liệu
Một trại heo có mẫu xét nghiệm dương tính với chất tạo nạc - Ảnh tư liệu

Trong rau, củ, quả và các loại thịt khác chắc chắn cũng sẽ có dư thừa chất cấm nếu được kiểm tra và vì thế dù có tránh, có kỹ cỡ nào cũng sẽ “dính” phải chất cấm trong từng bữa ăn hằng ngày.

Bây giờ ăn gì cũng không an toàn, ai cũng lắc đầu ngao ngán về thực tế đó nhưng rồi vẫn phải ăn để sống. Chất lượng cuộc sống giảm sút từ chính sự tăng trưởng về lương thực, thực phẩm bởi sự tăng trưởng cao nhưng không an toàn.

Tức là một sự tăng trưởng không bền vững, bởi chính sự tăng trưởng của lương thực, thực phẩm dẫn tới tăng trưởng bệnh tật. Từ thịt tới rau, món nào người ta cũng sử dụng thuốc tăng trọng, tăng trưởng, cho dư liều lượng phân, thuốc theo quy định vì chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà không cần biết sản phẩm của mình gây hại như thế nào cho xã hội, cho những người khác.

Tôi có vài người quen ở quê, sản xuất rau, lúa... vẫn thường chia sẻ rằng đây là rau sạch, đậu sạch, gạo sạch nhà làm riêng để sử dụng - đó là những lần họ về quê, đem quà biếu và tự hào khoe.

Còn trên những khoảnh canh tác rộng lớn, đại trà khác (để bán ra thị trường) thì không tránh được việc phun thuốc, sử dụng phân hóa học nhiều hơn hẳn - nhằm nhanh thu, nhanh bán, kích thích tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi vì lợi nhuận. Đó là cách sản xuất chỉ biết lợi và tránh phần mình, tuy nhiên cách nghĩ đó được nhân ra theo xu hướng chung, ai cũng sẽ ứng dụng như vậy nên dù tránh được một vài thứ do mình “tự cung tự cấp” (sạch) thì cũng không thể nào tránh hết được những thực phẩm có hàm lượng phân, thuốc, chất tăng trưởng cao, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Vì thế, có câu chuyện bà bán trái cây thì tuyệt đối không dám ăn, không cho gia đình ăn trái cây vì biết rõ cách thức dùng thuốc để tiêm cho trái chín, bảo quản trái cây tươi lâu... có hại như thế nào. Bà bán rau cải, bán thịt ở chợ cũng thế, nhưng rồi cũng mua trái cây để ăn và ngược lại bà bán trái cây vẫn ăn rau cải, thịt, cá... (có lẽ vì khuất con mắt nên vô tư dùng?).

Như vậy có nghĩa là con người ai cũng muốn cái lợi trước mắt và chỉ nghĩ ngắn như thế nên cứ sản xuất những lương thực, thực phẩm không an toàn, để rồi tự giết nhau một cách âm thầm.

Ông bà mình nói “bệnh tùng khẩu nhập”, mọi bệnh tật sinh ra phần lớn do ăn uống, đem vào từ đường miệng. Điều đó dễ hiểu khi nhìn vào thực tế cuộc sống hiện tại có quá nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, huyết áp, béo phì...

Những bệnh tật tràn lan ấy chắc chắn có một phần nguyên nhân từ ăn uống các thực phẩm, lúa gạo không an toàn vì có quá nhiều dư chất hóa học độc hại.

Chỉ vì thấy cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại dài lâu, đó là vấn nạn bệnh tật đè lên xã hội, ngành y tế, an sinh của con người...

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc trong việc kiểm tra các sản phẩm lương thực, thực phẩm để đảm bảo an tâm trong đời sống người dân từ những bữa cơm hằng ngày, đó cũng chính là kiến tạo một xã hội hạnh phúc hơn, dù có thể trước mắt năng suất sẽ giảm, thu nhập của người trồng trọt, chăn nuôi sẽ xuống.

Nhưng như thế vẫn hơn là đầu độc nhau một cách bất lương vì hám lợi, lâu dần cũng là đầu độc bản thân, tạo ra bất an, bệnh tật cho cả xã hội...

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Tấn Khôi. Mời bạn chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của bạn qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. Bạn cũng có thể bày tỏ những câu chuyện, suy ngẫm của mình qua email tto@tuoitre.com.vn.
10/08/2015 12:55
TẤN KHÔI

No comments:

Post a Comment