17/07/2015 22:29
Chỉ với chức vụ nhỏ, trong thời gian ngắn và với vài dự án mà Giang Kim Đạt đã có thể kiếm chác hơn 18,6 triệu USD của nhà nước thì thuộc vào loại “kỷ lục” tham nhũng
Trước thông tin Giang Kim Đạt bị bắt vì đã tham nhũng hơn 18,6 triệu USD khi còn làm việc tại Vinashin chỉ với chức vụ quyền trưởng phòng kinh doanh, nhiều chuyên gia luật cho rằng điều này không quá bất ngờ. Với rất nhiều kẽ hở trong hệ thống pháp luật hiện tại, việc xảy ra tham nhũng đã trở nên “bình thường”.
Chống tham nhũng không hiệu quả
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, tham nhũng đã quá phổ biến. Ở những nơi có nhiều dự án lớn, đặc thù, lại có nhiều lãnh đạo tham nhũng đã bị khởi tố, xử lý thì thêm một nhân vật nữa cũng chỉ là “chuyện nhỏ”.
“Tuy nhiên, với quy mô tham nhũng như Giang Kim Đạt thì không thể không giật mình. Chỉ với chức vụ nhỏ, thời gian ngắn, qua vài dự án mà đã có thể kiếm chác được từng ấy của cải thì tham nhũng này thuộc hạng kỷ lục” - luật sư Đức bày tỏ.
Chúng ta có cả hệ thống phòng chống tham nhũng. Mỗi năm, cơ quan thanh tra, kiểm toán đều làm việc tại Vinashin, Vinalines nhưng không phát hiện sai phạm. Mặt khác, hằng năm, công chức nhà nước đều kê khai tài sản và thực tế, những tài sản của Giang Kim Đạt chỉ được mua sau khi làm việc tại Vinashin.
Theo luật sư Đức, chúng ta có đầy đủ cơ chế chống tham nhũng, thậm chí là thừa so với nhiều nước trên thế giới nhưng rồi mọi thứ tồi tệ vẫn xảy ra. Vấn đề là công cụ chống tham nhũng ngày càng hình thức, kém hiệu quả. Rõ ràng, đơn giản nhất là tài sản, nhà đất hiển hiện rành rành như thế mà không xác định nổi của ai thì tiền, vàng, hạt xoàn… tha hồ tự do luồn lách.
Hàng loạt cán bộ tham nhũng trong vụ mua tàu Hoa Sen của VinashinẢnh: Nguyễn Quyết
Ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, cho rằng với cả một hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn để những vụ tham nhũng lớn xảy ra thì tình trạng này thật đáng báo động.
“Từ đây, người dân có quyền nghi ngờ còn nhiều vụ việc tương tự mà chưa được phát hiện. Các cơ quan chức năng phải nghiêm túc nhìn nhận, chỉ rõ hệ thống đang khiếm khuyết ở đâu, cần làm gì để khắc phục. Bởi lẽ, tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan thì tất yếu xâm hại và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, đồng thời làm giảm sức mạnh của đất nước. Suy cho cùng, thiệt hại về vật chất ấy là từ tiền thuế của người dân” - luật sư Công phân tích.
Không khó điều tra tài sản tham nhũng
Trong vụ Giang Kim Đạt, khối tài sản tham nhũng khổng lồ được đứng tên cha mẹ, anh em, họ hàng nhưng cơ quan điều tra không phát hiện được. Chỉ khi có nguồn tin của quần chúng, việc điều tra mới đạt kết quả.
“Hệ thống quản lý, theo dõi của chúng ta dày đặc, tầng tầng lớp lớp mà tại sao không biết? Buôn lậu, làm hàng giả, đánh bạc, mại dâm, ma túy, nghiện hút, tham nhũng…, việc gì dân ta cũng biết nhưng chưa được tạo cơ chế, điều kiện để tham gia phòng chống tham nhũng, thậm chí có khi còn bị vô hiệu hóa. Tiền mặt, kim cương, vàng bạc thì có thể giấu giếm, lén lút, chứ nhà đất và tài khoản thì quá dễ phát hiện. Nhiều vụ như thế rồi thì phải xem xét và sửa lại lỗi hệ thống, cốt lõi, gốc rễ, chứ đừng loay hoay với cái lá, cái ngọn” - luật sư Đức đề xuất.
Theo luật sư Đức, dưới góc độ kiểm soát về tài chính, ngân hàng, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng. Oái ăm là những giải pháp này chẳng có mấy kết quả. Nếu đã hết giải pháp hoặc có nhiều mà không tác dụng thì điều đơn giản nhất là phải hủy bỏ, thay bằng giải pháp triệt để hơn.
“Việc dễ có thể làm ngay mà hiệu quả trông thấy là mọi bản kê khai tài sản phải được công khai. Mọi giao dịch từ vài chục triệu trở lên phải thông qua tài khoản. Không thể chấp nhận việc mua bán ô tô, nhà đất… hàng tỉ, thậm chí chục tỉ, trăm tỉ đồng nhưng vẫn thoái mái sử dụng tiền mặt một cách hợp pháp” - luật sư Đức thẳng thắn.
Truy trách nhiệm những người liên quan
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, nếu xét riêng từng cá nhân thì việc sai biệt trong quy trình hay bất cứ sự khác thường nào trong quá trình mua tài sản lớn đều dễ bị phát hiện. Ở đây, cả guồng máy đã vận động theo sự sắp đặt của những kẻ hám lợi và cố tình thực hiện hành vi phạm tội để rút tiền nhà nước. Những người liên quan đã được nhà nước trao quyền song hành cùng nghĩa vụ thực hiện từ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, thanh tra nội bộ cho đến các bộ phận thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp... Do vậy, trách nhiệm của những người liên quan trong guồng máy tham nhũng cần phải đặt ra.
Thái Phương - Thành Công
No comments:
Post a Comment