Friday, July 17, 2015

Công an nhân dân có còn vì dân phục vụ?

Theo Dân luận -07-17- 2015

Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng Công an trong việc bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, phòng chống tội phạm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhưng trước những tiêu cực trong công việc hàng ngày của lực lượng Công an làm nhiều người đặt câu hỏi: Công an nhân dân là một lực lượng từ nhân dân mà ra, có còn vì nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân nữa không?

Công an nhân dân có còn vì dân phục vụ?
Tấm bảng treo trước trụ sở Bộ Công An, số 44 Yết Kiêu, Hà Nội năm 2010.

Tự xưng là Công an nhân dân vì dân phục vụ, lương họ nhận là từ tiền thuế của dân đóng, nhưng họ lại biến mình thành công cụ của Đảng, của chính quyền để đàn áp dân, với các hành động như; đàn áp cưỡng chế dất, chống biểu tình yêu nước, khủng bố người đấu tranh dân chủ, bức cung, nhục hình, tạo án oan sai, đánh chết dân, nhận hối lộ…

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là đánh đồng tất cả cho lực lượng Công an, không phải “bới lông tìm vết” mà là chỉ ra những hạn chế, những cái chưa tốt để họ khắc phục. Trong cuộc sống vẫn có nhiều người Công an sống gần dân, giúp dân, làm tròn chức trách của mình, được nhân dân tin yêu. Cũng có không ít chiến si Công an đã hi sinh cho sự biên yên của nhân dân, được dân vô cùng cảm kích.

Theo báo cáo của công tác phòng chống tham nhũng, ngành Công an Giao thông được xếp đứng đầu trong các ngành tham nhũng tại Việt Nam. Sự nhũng nhiễu của Công an đến nổi người dân phải than; Con ơi nhớ lấy câu này “Cướp đêm cơ động – Cướp ngày giao thông”.

Trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) một lực lượng Công an hùng hậu, trang bị tận răng, có cả quân đội yểm trợ để đối phó với mấy người nông dân mà được coi là “không có cuộc diễn tập nào thành công như cuộc diễn tập lần này”, “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay và có thể viết thành sách” như vậy là Công an coi việc đàn áp dân là diễn tập? Vụ việc trên đã làm nhân dân cả nước bất bình, gây tổn thất lớn về mặt chính trị vậy mà ông Đỗ Hữu Ca (Giám đốc Công an Hải Phòng), người đứng đầu cuộc đàn áp còn được lên lon, thăng chức, lại còn hênh hoang phát biểu này nọ.

Mong muốn của toàn dân là xã hội bình yên không có tội phạm, không có án xảy ra. Trách nhiệm của lực lượng Công an là phải đảm bảo được cuộc sống bình yên cho nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội. Khi có án thì việc phá án là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Công an chứ đâu phải đánh giặc mà gọi là chiến công. Ví như vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, nghi phạm tuy đã bị bắt, nhưng vụ án vẫn đang còn trong giai đoạn điều tra, chưa ai dám chắc điều gì, nhiều điểm nghi vấn của vụ án còn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Vậy mà nói chiến công này, chiến công nọ, khen này thưởng nọ tùm lum cả lên cứ làm như đây là cơ hội để lập thành tích. Rồi kể lể những khó khăn trong quá trình phá án như: Suốt 5 ngày điều tra án, Công an từ trung tướng, thiếu tướng đến chiến sĩ đều làm việc liên tục chỉ ngủ 1-2 tiếng và không thay quần áo mặc dù dính máu nạn nhân hôi tanh đến phải bịt mũi, có người không có thời gian thay quần áo để cả cảnh phục ngủ… Báo chí, dư luận cũng dùng những lời hay để ca ngợi như; Làm vệc hết mình, tận lo cho dân, hoan hô các chiến sĩ Công an, Công an Việt Nam số một, yêu mến, cảm phúc, kính phục, kính nể, Công an Việt Nam giỏi hơn Công an các nước…. Biết những đóng góp của ngành Công an là hết sức to lớn cho cuộc sống bình yên của nhân dân, nhưng cũng không nên nói quá như vậy, lố lắm. Làm việc tốt thì nhân đó tuyên truyền này nọ, còn những chuyện xấu thì dấu như bưng.

Trong khi đó có ai quan tâm chỉ trong vòng ba năm đã có tới 260 người chết trong quá trình trạm giam, tạm giữ.

Các hành vi bức cung, nhục hình của Công an đã vi phạm quyền con người, gây bức xúc trong nhân dân. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều án oan như vụ Lê Ba Mai (Bình Phước), vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng), vụ Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chấn (Bắc Giang)… riêng vụ Hồ Duy Hải (Long An) khi không đủ bằng chứng để kết tội, Công an ra chợ mua dao, thớt về để ngụy tạo hung khí.

Một ngày tại tù thiên thu tại ngoại, đẩy một người dân lương thiện vào con đường tù tội, không những hủy hoại cuộc đời một con người “, mà còn ảnh hưởng tới gia đình của họ, làm vậy lương tâm đạo đức của người Công an ở đâu?

Các vụ công an đánh chết dân cũng không phải là hiếm như vụ ông Trịnh Xuân Tùng (Hoàng Mai – Hà Nội), ông Nguyễn Mậu Thuận (Đông Anh – Hà Nội), vụ em Tu Ngọc Thạch ở Vạn Ninh (Khánh Hòa), vụ ở quán bia Quỳnh Béo (Hà Nội), vụ “Tử vong sau khi bị công an viên tát tai” ở Kỳ Anh (Hà Tỉnh), vụ anh Vũ Hữu Huấn (Ninh Bình) bị công an đánh đập không chịu được phải nhảy từ lầu 3 xuống đất.

Việc “bảo kê” của Công an không phải là chuyện hiếm như; bảo kê côn đồ đánh người ở sân bay Nội Bài, ở Hải Phòng, bảo kê mai dâm ở Nghệ An, bảo kê buôn ma túy ở Hà nội, bảo kê cho lâm tặc ở Bắc Cạn, bảo kê cho doanh nghiệp ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình… Rồi trộm cắp như ở Công an huyện Hòn Đất (Kiên Giang) lấy bình ắc quy trong xe máy bị tạm giữ của người vi phạm giao thông bán lấy tiền tiêu. Vụ Công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đánh bạc, vụ Công an hiếp dâm ở Kiên Giang… chuyện gì cũng có, đủ cả..

Ngay như vụ máy xúc đè lên người ở Cẩm Giàng, sự việc rành rành giữa thanh thiên bạch nhật, nhân chứng có, vật chứng có, mà Công an huyện Cẩm Giàng vẫn bao che cho Doanh nghiệp, nói không phải, ngụy tạo.

Mới đây nhất là vụ Công an xã đạp đổ xe hai mẹ con chở thuốc lá lậu, khiến người mẹ tử vong (Củ Chi, TPHCM). Khi đã gây ra hậu quả, không cứu người mà còn thản nhiên lấy thuốc lá bỏ đi. Đành rằng người dân chở hàng lậu là vi phạm pháp luật nhưng cũng vì nghèo, vì miếng cơm manh áo họ mới phải. Trong trường hợp đó Công an có cần thiết dùng hành động mất nhân tính để tước đoạt đi mạng sống của người dân không?

Khi tiêu cực bị dân tố cáo, báo chí phanh phui, thì lại nói do những cán bộ thoái hóa, biến chất làm xấu bộ mặt của ngành. Nhưng khi xử lý thì lại có dấu hiệu bao che, giảm nhẹ tội, như vụ Công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (Tuy Hòa – Phú Yên). Điều đó không thỏa đáng, làm người dân bất bình.

Tất cả những vụ việc nêu trên chỉ là một phần của tảng băng chìm của những tiêu cực trong ngành Công an. Chứng kiến thái độ, việc làm của lực lượng Công an hàng ngày như vậy liệu người dân có còn tin “Công an nhân dân vì dân phục vụ” hay họ sẽ nghĩ Công an “chỉ biết còn Đảng thì còn mình” như khẩu hiệu trên tấm pano treo tại Trụ Sở Bộ Công An số 44 Yết Kiêu.

No comments:

Post a Comment