Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-06-30
Hàng quán như thế này đầy rẫy hai bên đường Hồ-Chí-Minh- RFA
Rừng Trường Sơn cách đây chưa đầy ba năm còn rậm rạp, dày ken những gốc cổ thụ bây giờ hiện ra trước mắt chúng tôi là những đồi trọc và cây con chưa tới nửa tuổi. Chúng tôi tiếp tục đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, một cảnh tưỡng tiêu điều hiện ra trước mắt, không còn những cánh rừng cổ thụ như cách đây ba năm mà thay vào đó là những nông trường và những đồi cây mới mọc liu phiu, chưa chắc đã trụ qua được mùa nắng hạn và gió Lào này.
Còn đâu chuyện “hạt muối bỏ biển”
Có thể nói rằng với tốc độ khai thác kinh hồn bạt vía mà cho đến hiện tại, không thể nói được là ai đã biến núi rừng Trường Sơn thành đất trống đồi trọc, hầu như toàn bộ các loại danh mộc trên tuyến đường Trường Sơn đã biến mất. Rừng cũng đã trơ trọi, thay vào đó là hàng ngàn ngôi nhà mới mọc và hàng triệu lô đất đợi người mua dọc hai bên đường.
Một người chuyên cung cấp các loại dịch vụ địa ốc trên tuyến đường Trường Sơn từ Nghệ An đến Ninh Bình, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Xây dựng thì dễ chứ có gì mà khó. Mình có đất thì mình xây. Chẳng hạn mình có 200 mét thổ cư, 800 mét lâm nghiệp chứ có ai cấp cho mình cả ngàn mét thổ cư. Nhưng đất của mình thì mình muốn làm gì mình làm, ai lấy của mình chứ!”
Theo ông này, chuyện mua đất ở hai bên đường mòn Hồ Chí Minh rất dễ dàng bởi đây là một trong những chính sách mở của nhà nước. Người mua sẽ không được cấp chủ quyền xây dựng nhà ở, chỉ được cấp giấy đất trồng rừng nhưng cứ im lặng mà xây dựng, kinh doanh, biết chung chi một chút thì mọi chuyện sẽ suông sẻ, cũng chẳng có ai hỏi han hay cấm kị xây dựng gì. Cứ im lặng mà làm thì được.
Có thể nói rằng với tốc độ khai thác kinh hồn bạt vía mà cho đến hiện tại, không thể nói được là ai đã biến núi rừng Trường Sơn thành đất trống đồi trọc, hầu như toàn bộ các loại danh mộc trên tuyến đường Trường Sơn đã biến mất
Trong trường hợp có khả năng mua đất, xây nhà nhưng cảm thấy khó khăn, sợ nhà cầm quyền địa phương sờ gáy thì tốt nhất nên mua những ngôi nhà hoặc những nhà trọ, khách sạn đã được xây dựng, đã đi vào hoạt động vài ba năm nay. Điều đó chứng tỏ một điều là những ngôi nhà, khách sạn hay nhà trọ này không bị sờ gáy, vẫn ăn nên làm ra và có độ ổn định.
Hơn nữa, hiện tại, số lượng lô đất đã được bán dọc hai bên đường mòn Hồ Chí Minh đã lên đến hàng trăm ngàn lô đã được xây dựng kiên cố, có hàng triệu lô đang chuẩn bị xây dựng. Chuyện này chắc chắn phải nằm trong chính sách của nhà nước, nếu không nằm trong chính sách nhà nước thì không ai dám xây dựng như vậy. Theo người đàn ông này, chuyện xây dựng, kinh doanh trên đường Trường Sơn đã là chuyện gạo đã thành cơm, khó bề thay đổi. Hơn nữa, có con đường thì phải có người ở, có người làm ăn, kinh doanh và có những khu phố sầm uất, đó mới là con đường.
Hiện tại, đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, người ta có thể bắt gặp đủ các loại hàng quán phục vụ du lịch, phụ vụ dân ăn chơi và có thể nếm tất cả các loại đặc sản rừng như thịt nai, thịt cầy rừng, thịt nhím, thịt lợn rừng, thịt mang, thịt gà rừng, thịt sóc, thịt thỏ, thịt chồn, thậm chí thỉnh thoảng có cả thịt hổ, thịt báo, thịt các loại kì đà, rắn… Nói chung, các loại thú quí hiếm đang nằm trong danh sách đỏ đều được biến thành đặc sản trong các hàng quán hai bên đường mòn Hồ Chí Minh.
Và điều này không phải giấu diếm hay dấm dúi gì, mọi bảng hiệu quảng cáo của các nhà hàng, trạm dừng chân hay quán cơm xe đường dài đều có ghi tên các loại đặc sản rừng. Một số quán ghi tên cả loại thú bị giết thịt, một số quán chỉ ghi nội dung là có đặc sản rừng và đặc sản biển. Và cách kinh doanh của các hàng quán ở đây khá công khai, hầu như không có gì phải ngần ngại mặc dù trên các phương tiện thông tin báo chí nhà nước luôn kêu gọi, hô hào bảo vệ rừng và bảo vệ động vật quí hiếm. Và nhà nước cũng từng tuyên bố sẽ đóng cửa rừng để bảo vệ cây cối cùng hệ động vật của Trường Sơn.
Mua bán đất ở Trường Sơn rất dễ
Trước đây ba năm, khi chúng tôi đi dọc trên đường Trường Sơn, ghé thăm những bản Mường, một vị trưởng lão trong bản đã nói với chúng tôi rằng sở dĩ miền Bắc thắng miền Nam, đưa quân vào miền Nam được là nhờ rừng núi Trường Sơn, nơi đây, với hệ thực vật phú, có thể cứu đói và chữa bệnh, với lượng cây rừng dày đặc, nếu máy bay phe đối phương ném bom, chỉ cần chạy vào rừng cây thì bao nhiêu bom dội xuống cũng chẳng khác gì muối bỏ biển.
Nhưng hiện tại, cũng vị trưởng lão này nhận xét, ông lắc đầu ngao ngán, nói rằng Trường Sơn bây giờ là những quả đồi trọc, nếu có chiến tranh thì không cần bỏ bom vì bom đã được cài sẵn trong núi. Những quả bom mà vị trưởng lão này muốn nói đến có cái tên khá quen thuộc là “china boom”.
"Mỗi ngày mà phá cả rừng, không có kiểm lâm, không có chuyện gì thì cưa được khoảng 2 hecta. Nhưng mà tùy cây, loại có đường kính khoảng cái thùng nước thì quá đơn giản, đi cái rẹt. Chứ loại cây mà đường kính to cả mét thì ngày hạ được vài chục cây"-Một thợ rừng
China boom
Một người không muốn nêu tên, sống ở Nghệ An, từng là thợ rừng thuộc hàng có số có má trong giới lâm tặc, chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi ngày mà phá cả rừng, không có kiểm lâm, không có chuyện gì thì cưa được khoảng 2 hecta. Nhưng mà tùy cây, loại có đường kính khoảng cái thùng nước thì quá đơn giản, đi cái rẹt. Chứ loại cây mà đường kính to cả mét thì ngày hạ được vài chục cây.”
Theo anh, chuyện rừng Trường Sơn bị đốn hạ là chuyện chẳng có gì phải ngạc nhiên, bởi có những cánh rừng ở sát sườn cơ quan quản lý nhà nước như rừng thông ở Lâm Đồng, người ta vẫn ngang nhiên chặt phá trơ trọi thì nghĩa lý gì những cánh rừng bạt ngàn cây quí như Trường Sơn. Chỉ riêng bản thân anh ta, mỗi đêm có thể dùng cưa lốc để phang từ bốn đến sáu hecta rừng già. Điều này hoàn toàn trong khả năng, chẳng có gì là đặc biệt.
Vì với giới lâm tặc, động cơ đồng tiền thôi thúc họ mạnh nhất. Chỉ cần bên nhà cầm quyền bật đèn xanh, thông báo tỉ lệ (thường thì tỉ lệ lâm tặc hưởng trong vài năm trở lại đây rất thấp, kiểm lâm hưởng 80% để chung chi cho các quan chức, còn lâm tặc hưởng 20%, khỏi phải chung chi cho ai nhưng nếu có sự cố báo giới thì lâm tặc phải hy sinh, chịu làm tốt thí) và tiến hành khai thác rừng. Việc khai thác luôn diễn ra vào ban đêm và phải diễn kịch theo kiểu rừng bị khai thác trộm, đây là kịch bản bắt buộc.
Và khi cầm chiếc cưa lốc trên tay, chỉ cần nghĩ đến những khối gỗ quí mà trong đó mình được hưởng chừng 5% sau khi chia lại trong số 20% kia, trong đó nếu may mắn sẽ gặp những cây gỗ huỳnh đàn, chỉ cần giấu một khúc thì giàu to, tay chân lâm tặc trở nên mạnh mẽ khác thường, mỗi nhát cưa của anh ta trở nên có thần lực và điều anh ta mong mỏi duy nhất là đụng phải một cây gỗ mà thớ gỗ khiến cho lưỡi cưa tóe lửa, cứng đến độ hỏng cả máy. Đó chắc chắc là gỗ huỳnh đàn lâu năm. Anh ta chỉ mong như vậy thôi! Và cứ như thế, chiếc máy cưa trở nên linh hoạt lạ thường, đi phăng phắc, càng lâu bị tóe lửa, anh ta cưa càng hăng say. Rừng đổ gục sau lưng.
Với đà này, cả trăm Trường Sơn cũng chết chứ nghĩa lý gì một Trường Sơn. Và nguồn gỗ này về đâu? Anh ta nói rằng phần lớn bán cho Trung Quốc và chỉ có Trung Quốc rộng lớn mới cần đến số gỗ của Trường Sơn. Nhà buôn đồng bằng có tích trữ thì cũng chỉ để bán cho Trung Quốc mà thôi.
Và không những vậy, người Trung Quốc đã tiến hành thuê đất dọc Trường Sơn với thời hạn 49 năm để trồng rừng. Họ xây dựng cũng khá nhiều, theo cách của người Việt đang xây dựng hai bên đường Hồ Chí Minh bấy lâu nay. Sắp tới đây, việc xây dựng của họ sẽ thuận lợi hơn khi luật nhà đất 2014 có hiệu lực. Và rồi đây Trường Sơn sẽ ra sao? Có lẽ chỉ có lịch sử mới trả lời được.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/barren-truong-son-jungle-06302015072938.html/06302015-barren-truong-son-jungle.mp3
No comments:
Post a Comment