Tuesday, June 30, 2015

Quận "cầm đèn chạy trước ôtô" thu phí xe máy

TTO - Dù UBND TP.HCM thông báo bắt đầu thu phí từ ngày 1-7, nhưng Q.9 đã triển khai thu phí trên toàn bộ 13 phường của quận này từ ngày 20-5.


   Tờ biên lai thu phí sử dụng đường bộ của ông Nguyễn Tiến Bính  (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) ghi ngày 16-6-2015 - Ảnh: G.Minh
Tờ biên lai thu phí sử dụng đường bộ của ông Nguyễn Tiến Bính  (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) ghi ngày 16-6-2015 - Ảnh: G.Minh

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, từ ngày 1-7, các địa phương mới bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy.

Nhiều chuyên gia băn khoăn về tính pháp lý của việc thu phí này, vì quyết định của UBND TP về việc thu phí sử dụng đường bộ có hiệu lực sau ngày 1-5-2015 nhưng thời điểm tính phí lại bắt đầu từ ngày 1-1-2015.

Vì sao mỗi nơi thực hiện khác nhau?

“UBND TP thông báo bắt đầu thu phí từ ngày 1-7, nhiều địa phương chưa thu, và mới đây chúng tôi nghe thông tin HĐND TP chỉ đạo tạm ngưng thu phí để chờ cuộc họp HĐND tới đây, vậy nhưng người dân trong phường chúng tôi đã phải đóng loại phí này. Vì sao trong cùng TP mà mỗi nơi thực hiện khác nhau, chúng tôi nộp phí trước trong khi những nơi khác chưa nộp, thậm chí còn có thể không phải nộp nếu HĐND kiến nghị Chính phủ không thu loại phí này. Vậy tiền của chúng tôi nộp phải làm sao, có được trả lại không?” - ông Nguyễn Chí Dũng (55 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) thắc mắc.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Bính (61 tuổi) bức xúc nói: “Xe gắn máy mua thì chịu đủ loại thuế, phí rồi, mua xăng cũng “gánh” đủ thuế, phí khác mà nay còn thu thêm phí sử dụng đường bộ, lại còn thu sớm hơn quy định nữa. Quy định thì chúng tôi phải chấp hành chứ chúng tôi không thể đồng tình với các quy định vô lý này”.

Liên quan tới những thắc mắc của người dân, ông Lê Tấn Hồng, trưởng Phòng tài chính - kế hoạch UBND Q.9, nói: “Văn bản của UBND TP quy định hiệu lực thi hành sau ngày 1-5, trong văn bản nêu rõ các bước thực hiện, quy định về mức thu, đối tượng nộp, số tiền cho từng loại phương tiện…

Theo đó thì các loại xe đã đăng ký từ trước ngày 1-1-2015 sẽ phải nộp phí nguyên năm 2015. Các xe đăng ký từ 1-1 tới 30-6-2015 thì sẽ nộp phí sáu tháng cuối năm, thời hạn cuối cùng phải nộp phí là ngày 31-7. Văn bản không quy định ngày thu bắt đầu từ 1-7, mà hiệu lực của văn bản phát sinh từ sau 1-5 nên chúng tôi thực hiện thu từ ngày 20-5”.

Theo ông Hồng, việc thống kê số lượng xe máy trên địa bàn đã được thực hiện từ đầu năm 2015, các kế hoạch thực hiện cũng chuẩn bị từ trước nên đã triển khai đồng bộ trên toàn bộ 13 phường từ 20-5.

“Tính tới nay, cả 13 phường đã triển khai nhưng kết quả rất khác nhau. Có phường thu đạt khoảng 40% như P.Tăng Nhơn Phú A, thu được khoảng 320 triệu đồng. Một số phường khác thu được 20-30%, một số phường thu được 1-3%, còn có phường mới chỉ thu được 1 triệu đồng”, ông Hồng nói.

Đánh giá về việc thu phí, ông Hồng nói: “Một người có khi có 2-3 loại phương tiện, họ chỉ sử dụng một xe thường xuyên nhưng phải đóng phí cho tất cả. Các loại thuế, phí có quá nhiều, chất lượng đường chưa đồng bộ mà lại thêm phí nữa. Trong dự thảo báo cáo UBND TP của UBND Q.9, chúng tôi đã kiến nghị TP nên kiến nghị trung ương có hình thức thu phí khác, có thể thông qua các kênh hữu hiệu hơn như thu qua giá xăng, dầu vì xe đi bao nhiêu phải trả phí qua xăng, dầu bấy nhiêu. Chứ thu phí qua chính quyền địa phương thế này phát sinh bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, không công bằng và không thuyết phục” - ông Hồng nói.

Tính thời điểm áp dụng theo văn bản nào?

Nghị định của Chính phủ và các thông tư, thông tư liên tịch liên quan tới quy định về thu phí sử dụng đường bộ với xe máy có hiệu lực từ trước năm 2015. Ngày 30-12-2014, HĐND TP ban hành nghị quyết về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe đối với xe máy trên địa bàn TP.

Tiếp đó, ngày 21-4-2015, UBND TP có quyết định về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy, văn bản có hiệu lực sau 10 ngày. Vậy thời điểm nào là mốc để bắt đầu tính phí, thu phí là phù hợp?

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng văn bản có hiệu lực thi hành ở đây là quyết định của UBND TP, tức sau ngày 1-5, là ngày văn bản phát sinh hiệu lực.

Theo luật sư này, dù nghị định của Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, nghị quyết của HĐND TP đều đã có hiệu lực từ trước đó, nhưng các văn bản đó chưa thể áp dụng vào thực tiễn mà phải chờ văn bản cuối cùng của UBND TP mới được thi hành. Do đó quyết định của UBND TP về việc tổ chức thu phí là văn bản cuối cùng, có giá trị tính thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản.

Như vậy, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ với xe máy chỉ có thể được tính bắt đầu từ sau ngày 1-5, thời điểm văn bản của UBND TP có hiệu lực chứ không thể thu phí bắt đầu từ ngày 1-1-2015, như vậy là áp dụng hồi tố cho văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc là chỉ áp dụng hồi tố trong một số trường hợp đặc biệt, và nguyên tắc hồi tố chỉ áp dụng khi điều luật, quy định đó có lợi cho người dân. Quy định về thu phí là quy định buộc người dân phải lấy tiền của mình để nộp cho ngân sách là không có lợi trực tiếp cho dân nên không thể áp dụng hồi tố trong trường hợp này.

Không đồng tình với quan điểm của luật sư Hải, bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho rằng ngay khi nghị quyết của HĐND TP có hiệu lực thì thời điểm tính phí cho xe máy trên địa bàn TP đã phát sinh. Dù 10 ngày sau khi ban hành, nghị quyết của HĐND mới phát sinh hiệu lực nhưng quy định thu phí là thu phí theo năm, do đó không thể tính thu phí cả năm 2015 rồi trừ đi 10 ngày văn bản chưa phát sinh hiệu lực để tính số tiền phải đóng lẻ ra như vậy được.

Văn bản này đã được Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND TP ký, như vậy là quy trình ban hành văn bản đã rất thận trọng.

Bà Lan cũng cho biết việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ với xe máy không đơn giản, công tác chuẩn bị kéo dài, phải có kế hoạch thực hiện, bộ máy vận hành, văn bản phải qua các bước theo trình tự nên việc UBND TP ra văn bản vào cuối tháng 4, sau đó quy định bắt đầu thực hiện từ 1-7 là phù hợp.

Trước thông tin một số địa phương đã tổ chức thu phí trước ngày 1-7, bà Lan cho biết việc này chưa có báo cáo cụ thể nên chưa thể trả lời, phải chờ ý kiến của UBND TP.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiêm chủ tịch Quỹ Bảo trì đường bộ TP, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang triển khai theo đúng kế hoạch của UBND TP, chưa có đơn vị nào báo cáo cụ thể về việc thu phí trước hạn, thu được bao nhiêu, thuận lợi, khó khăn ra sao. Chúng tôi đang chờ tổng hợp báo cáo để trình UBND TP và chưa có kế hoạch gì khác”.
30/06/2015 15:22
GIA MINH

No comments:

Post a Comment