Friday, March 20, 2015

Việt Nam khó xử giữa Nga và Mỹ

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-03-20  
000_Hkg7400179.jpg
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện với các thành viên của tàu USNS Richard E. Byrd khi con tàu thả neo tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam hôm 03 tháng 6 năm 2012. AFP PHOTO / POOL / Jim Watson

Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu Việt Nam không cho phép Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom. Sau hơn một tuần kể từ khi có đề nghị từ phía Mỹ được công khai trên các phương tiện truyền thông, Việt Nam vẫn chưa chính thức đưa ra câu trả lời hay có bất kỳ phản ứng gì. Liệu Việt Nam có thuận theo đề nghị của Mỹ và liệu phản ứng của Việt Nam có ảnh hưởng gì tới quan hệ Việt - Mỹ hay không?

Quan điểm của Mỹ về việc Nga sử dụng cảng Cam Ranh của Việt Nam được một quan chức ngoại giao giấu tên tiết lộ với hãng thông tấn Reuters. Điều này cũng được tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đề cập đến khi khẳng định máy bay chiến đấu của Nga bay gần tới Guam được tiếp nhiên liệu ở Cam Ranh.

Nga sẽ ở lại?

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng dù Mỹ có phản ứng thế nào thì Nga vẫn sẽ tiếp tục được phép sử dụng cảng này trong nhiều năm nữa. Phương Nguyễn, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết:

“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ phản ứng Mỹ bằng cách yêu cầu Nga ngưng các chuyến bay tới đây. Hiện chúng ta vẫn còn chưa biết cụ thể các chi tiết về các chuyến bay này. Chẳng hạn như liệu các chuyến bay đó có nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa quân đội Nga và Việt Nam? Liệu Việt Nam có biết rằng máy bay của Nga bay tới Guam hay không? Điều chúng ta biết là Nga sẽ còn hiện diện ở cảng này nhiều năm nữa. Chúng ta biết rằng Nga đang nâng cấp cơ sở thương mại và đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm ở đây.”

Cam Ranh là một cảng vịnh nước sâu có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Nơi đây từng là căn cứ quân sự của Pháp dưới thời Pháp thuộc, là căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ trong thời điểm diễn ra cuộc chiến tại Việt Nam. Ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, vào năm 2012 từng nhận định việc tàu Mỹ có thể sử dụng cảng này là một yếu tố quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ.

"Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ phản ứng Mỹ bằng cách yêu cầu Nga ngưng các chuyến bay tới đây. Hiện chúng ta vẫn còn chưa biết cụ thể các chi tiết về các chuyến bay này. Chẳng hạn như liệu các chuyến bay đó có nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa quân đội Nga và Việt Nam? "-Phương Nguyễn

Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam cho Liên Xô lúc đó thuê cảng và Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài.

Vào năm 2002, sau khi Nga rút khỏi cảng này, Việt Nam tuyên bố sẽ không cho phép hải quân nước ngoài sử dụng khu vực quân sự của Cam Ranh nữa.

Kể từ năm 2010, Washington thấy xu hướng Matxcơva được đối xử đặc biệt ở Cam Ranh. Nga đang chế tạo một hạm đội tàu ngầm cho Việt Nam. Các chuyên gia quân sự của Nga cũng được cho là đang có mặt tại cảng Cam Ranh để giúp huấn luyện thuỷ quân Việt Nam về tàu ngầm. Hai nước cũng ký một thoả thuận cuối năm ngoái, theo đó, tàu Nga chỉ cần phát tín hiệu trước khi muốn cập cảng Cam Ranh, trong khi đó, hải quân Mỹ hay các nước khác chỉ được phép cập bến cảng một lần một năm.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason, cho rằng Việt - Nga có một mối quan hệ lâu đời, khó có thể thay đổi. Ông nói:

“Việt Nam thì thực sự đối với Trung, Nga cũng thế, tuy rằng hậu Nga không còn của đảng cộng sản nữa, nhưng quan hệ có truyền thống lâu đời rồi. Việt Nam cũng tin ở Nga, Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam, bán khí giới cho Việt Nam. Việt Nam có thể trả lời rõ ràng là hiệp ước kí rồi, cho Nga làm trận đó, chứ đâu có hiệp ước làm Nga gây căng thẳng ở đó.”

Ảnh hưởng tới quan hệ Việt - Mỹ?

Cho đến giờ phút này, Việt Nam vẫn im lặng trước đề nghị của Mỹ. Trong khi đó, báo chí Việt Nam đăng bình luận của một nhà ngoại giao Nga rằng quan hệ Nga-Việt là không nhằm làm ảnh hưởng tới ai mà chỉ giúp hoà bình và an ninh khu vực. Bà Phương Nguyễn cho rằng chính điều đó cho thấy dù Việt Nam không chính thức lên tiếng, đó là một cách cho thấy họ không hài lòng với việc Mỹ xử lý vấn đề trong thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ.

"Việt Nam đã nói là đứng giữa không thiên về nước nào nhất là vấn đề cảng Cam Ranh, không cho ai làm căn cứ quân sự, nhưng ngược lại trên đảo Cam Ranh sự hiện diện của Nga ở đây rất nhiều, đi vào rất nhiều. Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ sự công bằng thì sao không cho Mỹ đi vào nhiều hơn thay vì mỗi năm chỉ cho vào một lần. "-GS Nguyễn Mạnh Hùng

Bà Phương Nguyễn cho rằng vụ việc này không làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt - Mỹ, tuy nhiên khẳng định cảng Cam Ranh vẫn sẽ là chủ đề được Mỹ nhắc tới nhiều lần trong thương thảo với Việt Nam. Theo bà, cách thiết thực nhất đối với Mỹ hiện tại là tập trung xây dựng mối quan hệ an ninh với Việt Nam hơn là chĩa mũi dùi vào vai trò của Nga ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì đề nghị một giải pháp là Việt Nam nên cho phép Mỹ sử dụng cảng này nhiều hơn. Ông nói:

“Còn vấn đề quốc phòng, Việt Nam đã nói là đứng giữa không thiên về nước nào nhất là vấn đề cảng Cam Ranh, không cho ai làm căn cứ quân sự, nhưng ngược lại trên đảo Cam Ranh sự hiện diện của Nga ở đây rất nhiều, đi vào rất nhiều. Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ sự công bằng thì sao không cho Mỹ đi vào nhiều hơn thay vì mỗi năm chỉ cho vào một lần.”

Cảng Cam Ranh là một lợi thế của Việt Nam mà nhiều quốc gia đều muốn được quyền sử dụng như bấy lâu nay. Vấn đề mà nhiều người đang quan tâm là Hà Nội tận dụng thế mạnh đó ra sao để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cam-ranh-bay-vn-between-old-n-new-friend-hn-03202015144049.html/vhn032015.mp3

No comments:

Post a Comment