Bốn nhân vật vừa kể bao gồm hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa là ông John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện), ông Bob Corker (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện) và hai Thượng nghị sĩ Dân chủ là ông Jack Reed và ông Bob Menendez.
Lý do khiến bốn Thượng nghị sĩ của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải “cứng rắn” hơn với Trung Quốc là vì hoạt động cải tạo địa hình nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông của Trung Quốc (biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, thiết lập các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo đó) đã đến mức phải báo động cả về quy mô lẫn tốc độ.
Theo bốn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bất kỳ quốc gia nào cải tạo địa hình nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình ở biển Đông, đều khiến tranh chấp thêm phức tạp thêm và đi ngược lại với những lời kêu gọi tự chế của Hoa Kỳ và ASEAN.
Cũng vì vậy, theo họ, chính phủ Hoa Kỳ cần phải đối phó với thực tế đó bằng “một chiến lược toàn diện” nếu không muốn lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, cũng như của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ gặp “rủi ro đáng kể”.
Trước mắt, bốn vị Thượng nghị sĩ này đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố thông tin tình báo thường xuyên hơn trước về các hoạt động gây mất ổn định của Trung Quốc. Họ cũng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ xem xét để đình hoãn việc hợp tác an ninh nào với Trung Quốc nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động cải tạo địa hình tại biển Đông.
Bốn vị Thượng nghị sĩ vừa kể còn đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cho biết thêm thông tin về cách thức Hoa Kỳ giúp đỡ các đối tác trong khu vực để những đối tác này gia tăng nội lực chống lại sức ép của Trung Quốc.
Cũng cần nhắc lại là hồi thượng tuần tháng 7 năm ngoái, Thượng Viện Hoa Kỳ từng thông qua một nghị quyết, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải, hàng không và khẳng định, việc sử dụng hải phận, không phận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nghị quyết đó kêu gọi Trung Quốc tránh các hoạt động trái với Công ước Ngăn ngừa xung đột trên biển. Trả biển Đông về nguyên trạng, giống như trước ngày 1 tháng 5, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua một nghị quyết tương tự về an ninh hàng hải tại châu Á – Thái Bình Dương.
Trên thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã “cứng rắn” hơn với Trung Quốc. Hồi thượng tuần tháng 2 vừa qua, Hoa Kỳ đã chính thức hủy bỏ kế hoạch gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm Trung Quốc theo đề nghị của Trung Quốc – vốn được xem như dấu chỉ cho việc mở rộng quan hệ quốc phòng giữa hai bên.
Lúc đó, một viên chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải thích với báo Wall Street Journal rằng, quyết định vừa kể xuất phát từ sự lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia ASEAN như Việt Nam, Philippines,… ở biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Quyết định vừa kể còn được xem như một tín hiệu nhằm thúc giục Trung Quốc phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền.
Cũng hồi thượng tuần tháng 2 năm nay, khi trò chuyện với CNN về chuyến công du Ấn Độ, ông Barrack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ khuyến cáo, Trung Quốc không nên hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Ông Obama nhấn mạnh, Hoa Kỳ rất muốn nhìn thấy một Trung Quốc trỗi dậy một cách ôn hòa và sự trỗi dậy đó không buộc các quốc gia khác phải trả giá. Ông Obama khuyên Trung Quốc nên cùng Việt Nam, Philippines giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình theo qui định của luật pháp quốc tế.
Trung Quốc thì chỉ trích Hoa Kỳ kịch liệt sau một số hoạt động liên quan đến đối ngoại của Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, vào thời điểm ông Obama đến thăm Ấn Độ, báo giới Trung Quốc đã kêu gọi giới lãnh đạo Ấn Độ “cảnh giác”, đừng để rơi vào “bẫy” do kẻ thù ở phương Tây dựng lên để chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – một chính sách mà Trung Quốc cho rằng được soạn thảo và thực hiện nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ở thời điểm đó, tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc còn tố cáo Hoa Kỳ “xúi giục”, “gây bất hòa” ở biển Đông, sau khi Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, hoan nghênh việc Nhật mở rộng các cuộc tuần tra trên không ở khu vực biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng liên tục kêu gọi, các quốc gia bên ngoài khu vực nên “tôn trọng những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định của các quốc trong khu vực, đừng gây chia rẽ và tạo nên căng thẳng”. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment