Theo BBC-5 giờ trước
UBND TP Hà Nội phải yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh do áp lực từ người dân lẫn truyền thông trong nước, theo một nhà quan sát.
Trong cuộc họp sáng 20/3, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tạm dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố để phục vụ việc "rà soát, phân loại" lại, báo điện tử VnExpress đưa tin.
"Chỉ hạ chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân,” ông được dẫn lời nói.
“Với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng l oại đô thị thì thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước. Chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được.”
Ông Thảo cũng 'hoan nghênh' báo chí đã phản ánh kịp thời ý kiến dư luận, VnExpress cho biết thêm.
Đề án cải tạo và thay thế 6.700 cây xanh do Sở Xây dựng Hà Nội đề ra đã gây nhiều sự phản đối trong nước.
Trang '6.700 người vì 6.700 cây xanh' đã thu hút gần 40.000 thành viên chỉ trong vài ngày.
Nhiều trí thức trong và ngoài nước cũng đã đặt câu hỏi về tính hợp lý của đề án trên, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
'Sức ép từ dư luận'
Trả lời BBC ngày 20/3 Luật sư Trần Vũ Hải, từ Hà Nội, cho biết chính quyền địa phương Hà Nội đang "chịu sức ép rất lớn từ dư luận".
"Sáng nay theo tôi được biết đã có nhiều phụ nữ, sinh viên giơ các khẩu hiệu phản đối trước cửa phòng tiếp dân của UBND TP Hà Nội", ông nói.
"Trước đây phản ứng trên báo chí nhà nước còn phải mất nhiều ngày qua biên tập".
"Hiện nay có mạng xã hội thì họ có thể biểu đạt sự phản đối một cách thoải mái và phản ứng đó sẽ có tác động ngay tức thì."
"Cho dù thế nào thì các nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương cần biết rằng họ không thể tự tung tự tác được."
Tuy nhiên ông cũng cho rằng "để nói là sức ép của người dân lên chính sách đã đủ lớn thì cũng không hẳn".
"Sức ép phải được gây từ khi ban hành chính sách," ông nói.
"Hiện nay người dân chỉ có thể gây sức ép khi chính sách đã bắt đầu gây hậu quả."
Luật sư Trần Vũ Hải nói việc chặt cây đi ngược lại với chính luật lệ mà chính quyền TP Hà Nội đã đề ra
Sai pháp luật
Trước đó, UBND TP Hà Nội trong công văn hôm 18/3 nói việc thay thế cây được "hầu hết nhân dân khu vực" ủng hộ.
Bình luận về việc này, Luật sư Hải cho rằng "không phải là có hỏi ý kiến dân mà là việc hỏi ý kiến như thế nào, có đúng hình thức hay không".
"Chính quyền thì phải làm đúng thẩm quyền và đúng pháp luật."
"Ở đây việc chặt cây tôi khẳng định là trái pháp luật, cụ thể là Nghị định 64 về quản lý cây xanh đô thị."
"Theo Nghị định 64 thì cây bị bão đổ, già mục yếu thì có thể chặt, nhưng có rất nhiều cây trong này không thuộc đối tượng bị chặt."
"Cái thứ hai là phải hợp lý và được dân chấp nhận, ở đây không chỉ là người dân trong địa bàn nào đó mà là người dân toàn thành phố, vì là cây xanh trên đường chung. Và cho tới giờ thì tôi chưa thấy ai hỏi người dân thành phố cả."
"Theo luật về quy hoạch đô thị năm 2009 thì việc thay đổi cây xanh phải có sự bàn bạc của dân cư tại khu vực bị ảnh hưởng."
"Luật thủ đô cũng ghi rõ là "nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh". Cây trong khu vực dự án cũng không được chặt mà là chuyển đi khu vực khác."
"Họ không những chưa tôn trọng người dân mà còn chưa tôn trọng chính luật lệ đã ban hành."
Ông Hải cũng cho rằng cần phải có người chịu trách nhiệm trước những hậu quả đã gây ra.
"Hiện đã có 500 cây bị chặt rồi, đường Nguyễn Chí Thanh từng được xem là một trong các đường đẹp nhất Việt Nam, thì đã đốn sạch", ông nói.
"Việc đốn như thế tôi khẳng định là không đúng luật, mà đã làm không đúng luật là phải có người chịu trách nhiệm."
"Vụ này phải truy đến cùng. Nếu không thì cần gì luật thủ đô? Các ông nói cần luật riêng để chúng tôi hành động và khi được cho rồi thì chính các ông phá."
"Chính quyền Hà Nội đang vi phạm luật mà chính họ yêu cầu. Điều này là trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo Hà Nội."
No comments:
Post a Comment