Friday, March 20, 2015

Báo Nga: Làm ăn với Trung Quốc, ngu ngốc hay là...

(Baodatviet) - Vô cùng tiếc là Nga từ lâu đã bán tài nguyên và điện cho Trung Quốc với giá còn rẻ hơn bán cho người tiêu dùng trong nước...


Hôm 8/3 bài “Ngu ngốc hay là ……” của tác giả Igor Kabardin đăng trên báo “Bình luận quân sự” (Nga) về ý tưởng của Phó thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovich trong quan hệ với Trung Quốc. Xin lược dịch lại để giới thiệu với bạn đọc thay cho “lời muốn nói”.

Ngu ngốc hay là …"

Ý tưởng của Phó thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovichs về khả năng chuyển giao các mỏ dầu chiến lược cho các công ty Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh luận, cũng giống như hợp đồng khí đốt “ thế kỷ” mới ký cũng với Trung Quốc.

Thứ nhất, là ý tưởng cho phép người Trung Quốc đến những mỏ đang khai thác. Trên thế giới hầu như không ai làm như vậy. Nhà đầu tư tiềm năng thường là trước hết được mời đầu tư vào vào công tác thăm dò địa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng và v.v.

Tại những mỏ như vậy, Nga đã chi rất nhiều tiền và đã tự mình xây dựng tất cả, còn người hàng xóm được mời xơi những món béo bở nhất.

Thứ hai, ý tưởng cho các công ty Trung Quốc được phép nắm cổ phần chi phối – đây là một điều không thể tưởng tượng được đối với một đất nước độc lập, nhất là nước đó còn tự tuyên bố mình là cường quốc.
Hàng chữ trên đường ống “ Nga- Trung Quốc” (ND). Ảnh của tác giả

Và thứ ba, điều quan trọng nhất và cũng thú vị nhất. Các công ty Trung Quốc, chắc chắn hơn cả là sẽ không muốn làm việc với các công nhân và chuyên gia Nga, họ sẽ đưa người Trung Quốc đến như đã làm ở Kazakhstan và nhiều nước khác. Như thế họ sẽ thuận lợi hơn, và về mặt kinh tế cũng sẽ có lợi hơn nhiều.

Sự xuất hiện của một khối lượng người Trung Quốc đông đảo như vậy sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của các khu vực xung quanh, đặc biệt là nếu các chuyên gia và công nhân Trung Quốc mang theo gia đình họ.

Ở đó sẽ có các cơ quan, tổ chức xã hội theo kiểu Trung Quốc, các dòng chỉ dẫn bằng chữ Hán trên các tuyến đường, cũng như các nhà hàng Trung Quốc, trạm y tế Trung Quốc và v.v theo tinh thần: “ Nhiệt liệt chào mừng các bạn đến với China Town với các phong tục, trật tự và cả ..luật pháp Trung Quốc …” .

Các thành phố Trung Quốc trên đất Nga sẽ là một thế giới riêng. Không thể biết được điều gì đang xảy ra trong các thành phố đó. Kinh nghiệm cay đắng của nhiều nước trên thế giới cho thấy rằng những nơi nào có đông người Trung Quốc sinh sống thì chính quyền địa phương tại đó phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Tất nhiên, Trung Quốc- là một đối tác rất quan trọng đối với Nga, và sẽ còn là như vậy trong những thập kỷ tới. Có thể và cần phải phát triển mối quan hệ với đối tác khổng lồ Châu Á này trên tất cả hướng, dù có phải đối mặt với cấm vận hay không.

Chính quyền tối cao, mà cụ thể là Vladimir Vladimirovich Putin sẽ nói gì về những ý tưởng này? Câu trả lời đúng – là không nói gì. Kiến nghị lên người đứng đầu nhà nước cũng không có ý nghĩa gì vì hai nguyên nhân. Thứ nhất: ý tưởng của Dvorkovich chưa phải là một dự án luật cụ thể nào đó – có nghĩa là không thể chỉ trích được.
Còn lời nói thì vào bất kỳ một thời điểm nào đó cũng có thể “gió bay” và được bào chữa bằng câu nói quen thuộc, ví dụ như là “mọi người đã hiểu không đúng ý tôi”. Thứ hai, sau những phát biểu như “ đối tác Poroshenko”, “ Nước Ucraine thống nhất” và v.v ( của Dvoerkovich-ND) thì những lời kêu gọi như vậy (của Dvoekovich-ND) dễ gì đã có nhiều ý nghĩa vì nhiều nguyên nhân rất dễ hiểu.

Tất nhiên là cũng có thể phản biện rằng, cộng đồng người Hoa cũng có mặt ở nhiều nước trên thế giới, không những thế còn rất đông. Vâng, quả đúng như vậy. Nhưng hầu như tất cả các nước đó có đông dân bản địa, còn thiểu số người Hoa không phải là một mối đe dọa quá lớn đối với họ.

Ở nước Nga tình hình có khác một chút. Lấy đâu ra bảo đảm là vào thời điểm khi mà chính quyền Liên Bang trung ương tại Moscow yếu đi, người Trung Quốc lại không quyết định tiến hành một kịch bản "Crimea" ngay trên lãnh thổ Liên Bang Nga?
Có nghĩa là sẽ xuất hiện “những con người lịch thiệp” giọng đặc sệt Bắc Kinh và một “cuộc trưng cầu dân ý” về việc sát nhập (khu vực đó-ND) vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Có người sẽ nói: Hoảng loạn và bi quan. Có thể thế. Nhưng những người có tư duy lành mạnh luôn phải tính đến những kịch bản xấu nhất và phải coi đó là kịch bản dể xảy ra nhất.
Nói chung, Trung Quốc là một đồng minh mà như mọi người thường nói là nếu đã sống với những “người bạn” như vậy thì không còn cần kẻ thù nữa. Lãnh đạo nước này có một đạo đức rất nhanh thay đổi, còn sự tráo trở của Trung Quốc thì tất cả các nước láng giềng Châu Á của nước này đều biết quá rõ.

Hiện nay, Trung Quốc đang công khai lợi dụng tình thế của Nga – Nga trên thực tế đang trong tình trạng chiến tranh lạnh với Mỹ và EU - để áp đặt các điều kiện với Nga . Vì vậy, dù trên thực tế có hiện hữu mối đe dọa đối với Nga từ Phương Tây thì lao vào vòng tay của Trung Quốc trong những điều kiện bị hạ nhục công khai như thế cũng là không thông minh.

Nhưng vô cùng tiếc là Nga từ lâu đã bán tài nguyên và điện cho Trung Quốc với giá còn rẻ hơn bán cho người tiêu dùng trong nước. Nước ta cũng đã “nhường” cho nước láng giềng phía Nam các đảo trên sông Amur mà không đặt ra bất cứ một điều kiện đặc biệt nào.

Việc hiện thực hóa “những sáng kiến sáng suốt” của Dvorkovich có nhiều khả năng sẽ vĩnh viễn biến nước Nga thành không chỉ là một chư hầu mà còn là một thuộc địa công khai của Trung Quốc.

Chính vì thế mà khi Arkadi Vladimirovich ( Dvorkovich-ND) hết lần này đến lần khác nhắc đến “các người bạn Trung Quốc”, thì lại cứ muốn hỏi ông (Dvorkovich-ND) – mối quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp đến mức độ nào? có được như mối quan hệ trong quá khứ với “nước Ucraine anh em” hay là như với “ đối tác Mỹ” không?

Và nếu như đúng như vậy, thì những người Nga bất hạnh cần phải làm gì- đào hầm trú ẩn hay ngay lập tức mua các trích dẫn của Mao để học thuộc lòng?
  • Lê Hùng (lược dịch)

No comments:

Post a Comment