03/02/2015 - 20:25 — ledienduc
Lê Diễn Đức
Trang Trần viết tự kiểm điểm - Ảnh" OnTheNet
Câu chuyện về người mẫu thời trang, diễn viên điện ảnh Trang Trần cứ ám ảnh làm tôi day dứt mãi.
Thực ra sự việc không có gì lớn lao, nhưng dư luận bùng nổ xuất phát từ nhiều nghịch lý.
Tối ngày 27 tháng 2 năm 2015, Trang Trần đi xe taxi về khách sạn ở Hà Nội. Taxi đi ngược vào đường một chiều bị công an phường Hàng Buồm kiểm tra và đòi xử phạt vi phạm giao thông.
Việc xử phạt lái xe taxi chưa biết cuối cùng được giải quyết như thế nào, xem video chỉ thấy bung xung lời ra tiếng vào. Khi ấy Trang Trần trò chuyện với ai đó qua điện thoại có nói dân bị công ăn ăn hiếp, làm tiền. Ngay tức thì công an can thiệp, rồi xô xát xảy ra, nghe một tiếng "bốp" lớn nhưng sự việc diễn ra quá nhanh và hỗn loạn nên không biết rõ ai đánh ai? Công an, dân phòng hùng hổ xông vào còng tay Trang Trần khiến cô lớn tiếng chửi tục.
Cuối cùng, bị áp giải về đồn trong khi tay vẫn bị còng và mặt bị thâm tím, Trang Trần tiếp tục chửi bới công an.
Nghịch lý ở đây là Trang Trần là người có học, thuộc giới Showbiz và điện ảnh, là một cô gái xinh đẹp và cách sống tử tế ngoài xã hội. Cô là người tự lập, mưu sinh với cái quán bún đậu bình dân, không thuộc loại gái bám chân đại gia để hưởng thụ. Theo nhận xét của bè bạn và những người quen biết cô thì cô có tính cương trực, thẳng thắn, tham gia nhiều công việc thiện nguyện, có trái tim thân ái với những số phận cơ nhỡ, là mẹ nuôi của ba đứa trẻ mồ côi...
Tất cả những điều trên đủ phác hoạ nên chân dung một cô gái đáng được cảm mến.
Thế nhưng vì sao mà cô có thể sử dụng những ngôn ngữ dung tục nhắm vào công an? Đành rằng cô hành động trong lúc bị say, nhưng say là trạng thái con người chân thật nhất, thuờng nói ra tiếng nói ấp ủ, trong lòng.
Tôi không tin những tiếng chửi của của cô chỉ là "lời của rượu" mà thực sự là chúng được bộc phát sự uất ức dồn nén từ một cơ thể bị ức chế, có dịp là tuôn trào.
Một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 12 tháng 12 năm 2014 tại Hà Nội cho thấy, ở Việt Nam tham nhũng cao nhất thuộc về cảnh sát giao thông.
Những người công an đứng đường này vừa tắc trách, vừa hung hăng và làm tiền người đi đường một cách trắng trợn. Nhà báo Hoàng Khương vì lật mặt công an ăn hối lộ lãnh án tù giam 4 năm là một điển hình của sự "bất công và đáng hổ thẹn" của ngành tư pháp Việt Nam, theo nhận định của Tố chức Phóng Viên Không Biên giới.
Những vụ xử lý vi phạm giao thông trở nên tùy tiện, hết sức bất công và không ít vụ việc đã gây ra những cái chết oan khuất chỉ vì người điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm. Chỉ riêng trong năm 2014, đã có tới 18 trường hợp bị chết tại đồn công an vì các lí do như tự tử, đau ốm hoặc không ít trường hợp công an thừa nhận có sử dụng bạo lực.
Tình cảm mà dân chúng dành cho cảnh sát giao thông, nếu đo đếm được, có lẽ bằng số không. Thường xuyên các videoclip được đưa lên mạng cho thấy trong đó dân chúng đôi co, cãi cọ, xem cảnh sát giao thông không ra thể thống gì. Không ai ở Việt Nam mà không chứng kiến hoặc cảm thấy "nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!".
Hình ảnh của những người những người đại diện cho pháp luật xử lý vi phạm an toàn trật tự giao thông, trật tự trở nên méo mó đáng sợ, giống như một thứ virus độc mà bị người dân sợ hãi, xa lánh.
Tác giả Nguyễn Văn Thọ, trên một blog cá nhân viết:
"Nhưng một việc thật đáng suy nghĩ nữa, có lẽ không chấm dứt là hiện tượng như cô đang gióng lên một hồi chuông lớn bởi mặt trái của chân dung xã hội đáng báo động tới mức có thể kiếm củi một đời người để chụm một giờ.
Xã hội tham nhũng tới mức chính Bộ Chính trị, các lãnh đạo cấp cao nhất đều quan ngại. Đạo dức xã hội cũng suy thoái nghiêm trọng làm hỏng các mối quan hệ con người, mà sự nguy hiểm biểu hiện ở tất cả các ngành, những ngành quan trọng nhất như giáo dục, văn hóa thông tin, y tế, giao thông, tiền tệ: "Mối quan hệ giữa người với người Việt xấu tới mức trầm trọng, tới độ bất chấp những nguyên tắc tối thiểu của đạo lý".
Quan hệ giữa giáo viên và học trò đẩy đến mức trò leo lên bục tát cả thầy, ở bệnh viện thì bệnh nhân và người nhà lùa y bác sĩ đánh chửi, từ thuở tôi sinh tới nay lần đầu tiên thấy trong các lễ hội người ta dùng cả gậy gộc, cả dao thủ theo lễ để duy trì cái gọi là lễ tục, trong một cái Tết mà hơn 6 ngàn kẻ lao vào ẩu đả để tới mức phải vào viện... Một ông già gần 100 tuổi bị rất nhiều thành viên mang lên mạng để sỉ nhục chỉ vì một nụ hôn..."
Sau bốn ngày bị giam giữ, tối hôm mồng 2 tháng 3, cô Trang Trần đã được tại ngoại sau khi cô viết bản tự kiểm điểm và gia đình viết đơn bảo lãnh cho cơ quan điều tra.
Trang Trần sẽ đối diện với một hình phạt hành chính nào đó và câu chuyện ồn ào của cô rồi sẽ lắng xuống.
Cách xử lý của công an trong trường hợp này được xem là đúng mức, có lý có tình. Không ai đi truy tố hình sự một người chửi bậy lúc say rượu, nhất là khi người vi phạm đã nhìn nhận lỗi của mình. Nói chung, cộng đồng mạng cũng đồng lòng với cách xử lý của công an.
Thế nhưng câu chuyện của Trang Trần vẫn luôn là một sự cảnh báo nghiêm khắc về sự xuống cấp đạo đức và lệch chuẩn thông thường trong văn hoá ứng xử của xã hội nói chung và của ngành công an Việt Nam nói riêng.
© Lê Diễn Đức - RFA
ledienduc's blog
No comments:
Post a Comment