SÀI GÒN 1-3 (NV) .- Hội Nhà Báo Độc Lập đang mở chiến dịch vận động dư luận trong ngoài nước cổ võ cho dự thảo “Luật Biểu Tình” được quốc hội thông qua ngay trong năm 2015 từng bị trì hoãn nhiều lần.
Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn ngày 11/5/2014 bị Công an chận lại, không thể đến gần tòa tổng lãnh sự Trung Quốc. (Hình: LE QUANG NHAT/AFP/Getty Images)
Tuần vừa qua, Hội Nhà Báo Độc Lập tại Việt Nam công bố một bức thư ngỏ, phát động cuộc vận động cho “Luật Biểu Tình” để thể hiện quyền tự do phát biểu của công dân, từng được Quốc hội CSVN dạo đờn từ năm ngoái là sẽ thông qua trong năm nay.
Tuy nhiên, báo chí tại Việt Nam cho hay chế độ Hà Nội sẽ có thể chỉ biểu quyết cho luật vừa kể vào khóa cuối năm 2016, tức sau khi đảng CSVN đã dàn dựng sắp đặt xong guồng máy đảng và nhà nước ở kỳ họp Đại Hội Đảng khoảng Tháng Giêng cùng năm này.
“...từ Hiến pháp 1992 đến nay đã không có bất kỳ văn bản luật nào được ban hành dành cho quyền biểu tình của công dân. Nhà nước cũng thể hiện thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí khi nhiều lần, tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội”. Hội Nhà báo Độc Lập viết như vậy về một trong những lý do cần thiết cho cuộc vận động.
Bản hiến pháp của CSVN gần đây nhất, thông qua năm 2013, điều 25 viết rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Bản hiến pháp 1992 cũng có điều khoản quy định như thế nhưng đến nay, chỉ có các cuộc biểu tình do đảng và nhà nước CSVN đứng ra tổ chức và điều động thì mới không ai bị bắt hay đàn áp. Tất cả các cuộc biểu tình khác của người dân đều bị coi là “bất hợp pháp” và đều bị cấm đoán. Thậm chí, khi tin tức biểu tình bị Công an biết được, nhiều người đã bị bắt giữ, đánh đập hoặc cấm ra khỏi nhà.
Trong tình thế người dân “bị cô lập đến mức tối thiểu”, Hội Nhà Báo Độc Lập đã hợp tác với một số luật gia, chuyên gia tổ chức xây dựng một bản dự thảo “Luật Biểu Tình” lấy căn bản là các điều ước quốc tế về quyền con người mà nhà cầm quyền CSVN đã tham gia ký kết.
Vì chế độ Hà Nội đã “hứa lèo” nhiều lần, Hội Nhà Báo Độc Lập mở cuộc vận động cho một bản dự thảo “Luật Biểu Tình” hầu “tạo tác động sâu sắc, cũng như có những hành động cần thiết đối với Nhà nước và Quốc hội Việt Nam nhằm thông qua luật Biểu tình ngay trong năm 2015.”
Ngoài “Luật Biểu Tình” còn có “Luật Trưng Cầu Dân Ý” cũng vốn được đề cập từ nhiều năm qua nhưng không hề được thấy thành luật vì nó đụng chạm tới quyền cai trị độc tài độc đảng của đảng CSVN.
Hàng chục ngàn người dân, nhiều tổ chức kể cả các tổ chức công giáo từng đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN nhưng chế độ Hà Nội vẫn giả điếc để ban hành bản hiến pháp mới 2013. Trong đó từ ngữ dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN mơ hồ hơn bản hiến pháp cũ, thực chất là không thay đổi.
Quốc Hội gồm phần lớn là các đảng viên cao cấp của đảng CSVN nên giới báo chí quốc tế từng gọi là cái con dấu cao su (rubber stamp) chứ không phải là một định chế độc lập có thực quyền. Các đạo luật đều do các bộ ngành của chế độ soạn thảo rồi đưa cho Quốc hội biểu quyết chiếu lệ, không phải do các đại biểu quốc hội soạn thảo. (TN)
No comments:
Post a Comment