Chân Như, phóng viên RFA
2015-03-18
Ảnh minh họa- Files photos
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai ? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn trong 8 tuần liên tiếp cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Và Chủ đề ngày hôm nay diễn đàn xin đề cập tới là những suy nghĩ của giới trẻ trong nướcvề sự hiểu biết của họ đối với các thuyền nhân, và việc chính quyền sử dụng một số kiều bào cho công cụ kinh tế, với phần tham gia chia sẻ của 3 bạn khách mời đó là Thanh Tùng, Katy Trần và Anna Huyền Trang. cùng với sự điều hợp chương trình của chân như.
Chân Như: Trong số các bạn đây nằm trong thế hệ 8x muộn hoặc 9x, thì các bạn có biết “thuyền nhân” là ai và tại sao họ lại được gọi như vậy hay không?
Thanh Tùng: Thuyền nhân là những người phải bỏ đất nước ra đi vì các lý do về chính trị. Họ ra đi với hy vọng đến được những quốc gia mới để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ được gọi là thuyền nhân vì là ra đi trên những chiếc thuyền thường thô sơ không đủ khả năng để thực hiện những chuyến hải hành xa
Anna Huyền Trang: Tại VN, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước VN rơi vào thể chế cs vô thần. Đặc biệt là những người lính Quân lực VNCH bị bắt đi cải tạo, bị phân biệt đối xử. Do đó, hàng triệu người đã quyết thoát khỏi chế độ cs bằng cách vượt biên theo đường biển trên những con thuyền nhỏ, cũ kỹ, không an toàn và không thích hợp dùng cho việc đi biển để kiếm tìm tự do trên một vùng đất mới, dù có mất mạng. Do đó, danh từ 'thuyền nhân' đã xuất hiện sau biến cố 1975.
Katy Trần: Thuyền nhân Việt Nam là hiện tượng sự kiện của hàng triệu người rời khỏi Việt Nam bằng những chiếc thuyền nhỏ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến đầu thập niêm năm 1990. Sở dĩ được gọi là thuyền nhân đó là có đến 2 triệu người vượt biên rời khỏi Việt Nam, đi cũng chết mà ở cũng chết họ biết điều đó nhưng họ vẫn phải quyết tâm rời khỏi Việt Nam để tìm cho mình một cuộc sống mới, một bến bờ tự do khác
Chân Như: Các bạn cũng đã phần nào chia sẻ cái nguyên nhân nào khiến những con người đó phải liều mình, từ bỏ quê hương để ra đi, các bạn có thể nới rộng thêm phần nguyên nhân và mục đích được hay không? xin mời Thanh Tùng
Thanh Tùng: Việc rời bỏ đất nước ra đi trên những chiếc thuyền thô sơ và nguy hiểm như vậy, chịu những nguy hiểm từ trận bão biển, nạn hải tạc cướp bóc, và lại đến một nơi mà mình không biết sẽ đi đến đâu thì rõ ràng ra đi với sự nguy hiểm và tương lai bất trắc. Như vậy thì chẳng ai muốn đi rồi, nhưng vì sao họ vẫn phải ra đi? Thì như vừa rồi bạn Huyền Trang đã chia sẻ rằng do việc áp bức chính trị trong nước sau khi VNCH thất thủ trước phe CS miền Bắc và họ ra đi như vậy họ mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở một chân trời mới, còn quê hương của họ thì họ không thể sống nổi được nữa.
Anna Huyền Trang: Bản chất chế độ cs không tôn trọng quyền con người, gây chia rẽ, ly tán các gia đình qua chính sách đấu tố 'cải cách ruộng đất' của thập niên 50 tại miền Bắc, cho tới cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968, kế đến dùng Người Việt đánh Người Việt qua cuộc chiến tranh tương tàn huynh đệ khi cs Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Và sau năm 1975 phẩm giá của người dân bị chà đạp, quyền sống và quyền tự do bị tước đoạt, người dân sống trong sự bất an... thì thử hỏi có ai muốn sống trong một đất nước không có tự do, mất tất cả các quyền cơ bản hay không? Chính vì thế các 'thuyền nhân' đã chấp nhận đánh đổi mạng sống, vượt biên, để tìm kiếm một cuộc sống mới.
Katy Trần: Em xin bổ sung ý kiến riêng, em có người thân họ cũng vượt biên năm 78-77, hồi đó cô làm tiệm vàng. Ngay khi CS vào bắt đầu đánh tầng lớp tiểu tư sản thì tiệm vàng nhà cô bị CS lấy hết bắt nhốt ba mẹ cô. Lúc đó cô mới 12-13 tuổi thôi, mà cô đã phải vượt biên, cũng là bị ép buộc thôi ở cũng chết mà đi cũng chết. Đó là những nguyên nhân mà vì sao người Việt Nam mình phải liều mình từ bỏ quê hương để ra đi tìm đến những bến bờ tự do, một cuộc sống mới.
Chân Như: Nhiều năm trở lại đây, một số “thuyền nhân” đã quay trở lại Việt Nam. Họ được chính quyền gọi là “khúc ruột ngàn vàng”, đối xử với cung cách rất khác so với trước kia, khi mà họ bị gọi là “phản quốc”, “vượt biên”, tại sao lại có sự thay đổi như vậy?
Thanh Tùng: Thưa anh môt phần bởi vì thời kỳ bây giờ thay đổi so lúc trước. Ngày xưa khi họ ra đi là bởi vì họ không thể chịu nổi sự mất tự do dân chủ, lúc đó việc họ ra đi làm cho chính quyền CSVN lúc đấy mất mặt với thế giới. Nhưng bây giờ họ quay trở về họ mang tiền về giúp cho đất nước phát triển và cũng đồng thời là giúp cho chính quyền CSVn có tiền, thì đương nhiên là cách gọi sẽ thay đổi.
Anna Huyền Trang: Thời gian qua, Cộng đồng Người Việt tại Hải ngoại đã đóng góp một phần quan trọng trong nền kinh tế VN qua các dự án đầu tư và các khoản kiều hối, để bù đắp sự chênh lệch cán cân thương mại. Điều này được ông Trương Tấn Sang nhận định: "Kiều hối không ngừng tăng, trở thành một trong những nguồn ngoại lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước..." Hiện nay em được biết VN nằm trong số 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Em nghĩ đó là sự thay đổi thái độ chỉ một chút bên ngoài đối với Người Việt Hải ngoại thôi.
Katy Trần: Như chị Huyền Trang có chia sẻ hiện VN nằm trong top 10 nước nhận được số kiều hối nhiều nhất trên thế giới, chính vì nhờ kiều bào của mình ở hải ngoại, mang tiền về đầu tư cũng có hoặc cho thân nhân ở trong nước cũng có. Thành ra số lượng kiều hối ở Việt Nam càng ngày càng tăng, tăng một cách đáng kể chứ không phải là giảm hay đứng yên tại chỗ. Cụ thể năm 2011 được 9 tỷ USD, 2012 là 10 tỷ USD, 2013 là 11 tỷ USD và năm 2014 vừa qua số lượng kiều hối đạt 12,1 tỷ USD. Số lượng kiều hối nhiều như vậy nó cứu vớt niền kinh tế của Việt Nam đang ngày càng lạm phát một cách đáng kể, mà chắc chắn nếu không có lượng kiều hối này ĐCSVN sẽ không thể tồn tại được. Gọi là khúc ruột ngàn dặm cũng chỉ là gì? Có đem tiền về cho chính quyền thì mới được gọi là khúc ruột ngàn dặm chứ theo như em nghĩ nếu như không có tiền thì chắc những người Việt ở hải ngoại còn bị truyền thông ở đây bêu xấu là phản quốc hay ra đi liếm bơ thừa sữa cặn của Mỹ, đại loại là như vậy.
Chân Như: Theo như các bạn chia sẻ thì chính quyền VN cũng chỉ muốn lợi dụng những người Việt kiều trong lãnh vực kinh tế, đầu tư, nhưng có vẻ như chính quyền hoàn toàn không muốn các kiều bào can dự, phản biện vào các vấn đề chính trị.
Thanh Tùng: Điều đấy nó hoàn toàn đúng, bởi vì bản chất của chính quyền CSVN bây giờ là độc tài. Quan tâm số một của họ là làm sao để họ giữ được quyền lực càng lâu càng tốt, để tiếp tục được hưởng những đặc quyền đặc lợi được tham nhũng. Còn những việt kiều bây giờ quay về thì đương nhiên ai cũng muốn quê hương nó tốt đẹp hơn, đấy là lý do vì sao họ phản biện các vấn đề chính trị và đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải dân chủ hóa đất nước. Và điều này mâu thuẫn với mục đích cầm quyền của chính quyền CSVN bây giờ.
Anna Huyền Trang: Ở VN chẳng những Việt kiều mà mọi công dân, nhà cầm quyền cs VN không muốn bất kỳ một cá nhân, tổ chức hay đảng phái chính trị nào được quyền can dự hay tham gia phản biện các vấn đề chính trị, bởi vì 'Đảng Cộng sản Việt Nam - là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội'. Nếu một cá nhân nào, tổ chức nào muốn góp tiếng nói thì phải 'hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật' mà 'Hiến pháp và pháp luật' do đảng lập ra, nhưng đảng chỉ đạo luật trong từng hoàn cảnh. Và điều này là nhằm để đảm bảo quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cầm quyền.
Katy Trần: Ý kiến của em cũng giống như ý kiến của anh Thanh Tùng là dường như chính quyền Việt Nam chỉ muốn lợi dụng đồng tiền của những người ở hải ngoại để cứu rỗi nền kinh tế. Em nghĩ hầu hết kiều bào ở hải ngoại đều biết điều đó nhưng mà họ không thể không gởi tiền về. Có thể nói là không cần gởi tiền về để đầu tư các dự án nhưng về mặt gia đình người thân của họ sống ở đây họ làm sao có thể trơ mắt nhìn người thân của họ sống cực khổ. Nói tóm lại vấn đề này lúc nào cũng gây ra mâu thuẫn. Nhiều ý kiến cho rằng thử một năm thôi bà con đừng gởi tiền về thì ĐCS sẽ Sụp đổ, biết là như thế nhưng làm sao người thân ở ngoài họ có thể nhìn bà con sống cực khổ vậy được. Chính quyền VN biết như vậy nên họ đánh vào tâm lý chung của người Việt ở hải ngoại làm cho kiều bào cứ gởi tiền về đây, trên danh nghĩa là nuôi người nhà người thân của họ nhưng thật ra là đang nuôi bộ máy đang góp phần cho sự tồn tại của ĐCSVN và tồn tại đến nay là 40 năm rồi.
Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn Thanh Tùng, Huyền Trang và Katy Trần.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/point-of-viw-on-bpeople-03182015104031.html/03182015-point-of-viw-on-bpeople.mp3
No comments:
Post a Comment