Thursday, March 19, 2015

Bàn tròn thứ Năm về bạo lực học đường

Theo BBC-5 giờ trước
BBC Tiếng Việt và các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục và học sinh thảo luận trực tuyến về vấn đề bạo lực học đường ở Việt Nam.
Chương trình được phát trực tiếp vào lúc 1930 (giờ Việt Nam) trên YouTube(http://bit.ly/1GpwwiN) và Google + (http://bit.ly/1DB0qmk) của BBC Tiếng Việt.
Những câu hỏi chính được đưa ra trong chương trình xoay quanh vấn đề nguyên nhân gây ra việc học sinh sử dụng bạo lực; liệu đây là vấn đề mới nổi lên, hay đã tồn tại từ trước nhưng chưa thực sự được chú ý tới; và giải pháp nào có thể hạn chế tình trạng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong môi trường giáo dục?
Một trong những vụ việc gần đây nhất được truyền thông Việt Nam đưa tin là vụ xô xát giữa khoảng 20 học sinh lớp 9 ở trường Phúc Diễn, Hà Nội.
Đoạn video cho thấy các em nam học sinh chia thành hai nhóm lao vào đấm đá, và có thể nghe thấy tiếng một số học sinh khác đứng bên ngoài dặn nhau quay phim, nói tục, hò hét cổ vũ.
Trước đó không lâu, ngày 09/03, vụ ở Trà Vinh với clip một học sinh lớp 7 bị cả nhóm bạn, trong đó có lớp trưởng đánh đập, ném ghế vào đầu.
Trang mạng của VTC gần đây đưa tin: "Khoảng 21h ngày 12/1/2015, vụ ẩu đả giữa hai học sinh xảy ra ngay trước cổng Trường THCS Đan Phượng, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khiến một học sinh tử vong ngay tại chỗ," nạn nhân mới 15 tuổi.
Trước đó, tối 1/1/2015, một nữ sinh 19 tuổi bị bốn nam thanh niên đánh chết ở Cư Jut, Dak Nong, cũng theo VTC
Và khi BBC Tiếng Việt tìm kiếm về chủ đề này trên báo chí Việt Nam, kết quả cho thấy có riêng một kênh video với quảng cáo: các clip nữ sinh đánh nhau mới nhất.
Vậy điều gì đã khiến bạo lực trong môi trường học đường ở Việt Nam trở nên phổ biến đến vậy?
So sánh với hiện trạng ở Trung Quốc, phóng viên Trần Trang của BBC Tiếng Trung cho viết: "Những vụ ám sát trong khuôn viên trường học vẫn luôn là điều khiến công chúng trăn trở về khía cạnh đạo đức trong giáo dục ở Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế chóng mặt của quốc gia này."
"Ngay cả giáo dục từ gia đình, vốn vẫn là cái nôi của giáo dục đạo đức ở Trung Quốc, cũng ngày càng mờ nhạt do hậu quả của chính sách một con. Con một thường được cha mẹ chiều chuộng hơn, và vì thế ít biết cách chia sẻ, cảm thông với người khác hơn."
Phóng viên Trần Trang cũng lấy ví dụ về một số trường hợp đầu độc bạn cho tới chết. Trong vụ việc riêng biệt khác xảy ra năm 1994, một sinh viên xuất sắc ngành Hóa học Vật lý của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, thoát chết sau khi đầu độc, nhưng anh bị liệt và mắc bệnh tâm thần vĩnh viễn. Người sinh viên cùng phòng bị nghi là thủ phạm, nhưng sau cuộc điều tra kéo dài 19 năm vụ án đã phải khép lại do không tìm được thêm manh mối.
Báo Guardian của Anh Quốc có bài viết hồi tháng 10/2014 dẫn một khảo sát của Hiệp hội Giáo viên và Giảng viên cho thấy, 80% giáo viên tin rằng việc học sinh thay đổi hành vi trong môi trường lớp học là do xã hội nói chung tôn trọng ít hơn đối với những người trong ngành nghề này.
Bên cạnh những số liệu và nghiên cứu hàng năm để chính phủ có thể tìm ra những biện pháp ngăn chặn bạo lực trong trường học, mỗi trường ở Anh cũng có thể tự áp dụng những biện pháp riêng, như tăng cường giáo dục các kỹ năng xã hội, có chuyên gia tâm lý tại trường, làm việc với cảnh sát, hay có cách quản lý học sinh dân chủ, học sinh có quyền tham gia vào một số quyết định của trường để tự tin hơn và có trách nhiệm hơn.

No comments:

Post a Comment