Thursday, March 19, 2015

Chặt cây xanh, Hà Nội sẽ mất bóng mát và ô nhiễm nặng

HÀ NỘI (NV) - Cây xanh được thay thế mất 2-3 năm mới tạo được tán mát rộng 1.5-2 m. Trong thời gian đó, gần 200 đường phố của Hà Nội sẽ không có bóng mát và ô nhiễm nặng.

Tin từ Zing.vn cho biết, theo đồ án qQuy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Hà Nội đến năm 2030 do Viện Quy Hoạch Xây Dựng Hà Nội lập, thành phố sẽ chặt hạ, thay thế 6,700 cây với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Cây Vàng Tâm sẽ được thay thế tại đây. Tuy nhiên, sẽ phải mất 10 năm mới được phủ bóng mát. (Hình: Zingnews)

Việc thay thế cây trên 190 đường phố được Sở Xây Dựng Hà Nội giải thích là do cây không đúng chủng loại và mất an toàn, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Những cây thay thế, khi phát triển sẽ cao 6 đến 8 mét, đường kính thân tối thiểu 10 cm. Chi phí cho mỗi cây này khoảng 10 triệu đồng.

Song, điều người dân Hà Nội quan tâm nhất hiện nay chính là môi trường sống sẽ như thế nào sao khi hàng ngàn cây xanh bị đốn hạ.

Ông Ðặng Văn Ðông, bộ môn Hoa và Cây, Ðại Học Nông Nghiệp Hà Nội nhận định, các cây xanh được thay thế phải mất 2 đến 3 năm mới tạo được tán mát rộng 1.5-2 mét, đó là chưa kể mỗi cây lớn cần hàng trăm mét khối đất tự nhiên để phát triển khỏe mạnh, nhưng hiện đường phố Hà Nội chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống nên thiếu không gian cho bộ rễ và cành lá. Như vậy, trong những năm tới, trên 190 đường phố của Hà Nội sẽ không có bóng mát.

Việc Hà Nội chọn trồng cây cao 6 đến 8 mét có thể tạo bóng mát sớm. Tuy nhiên, khi trồng lại cây trưởng thành, rễ phải tái sinh nên khả năng bám đất kém hơn cây non. Ðây có thể là nguyên nhân khiến cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão.


Hình ảnh đường Nguyễn Chí Thanh rợp bóng mát khi cây chưa bị đốn hạ. (Hình: Zingnews)

Trong khi đó, ông Ðặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Bảo Vệ Môi Trường Việt Nam, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Cây Di Sản, khẳng định việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh có thể sẽ khiến các tuyến phố của Hà Nội lâm vào cảnh ô nhiễm không khí nặng nề.

Cây xanh còn là nơi trú ẩn của nhiều loại sinh vật khác, nhưng khi nơi ở này mất đi, nguy cơ bùng phát côn trùng và sâu bệnh tại những khu dân cư là khó tránh khỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.

Thế nhưng, ngày 19 tháng 3, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Hà Nội khẳng định, việc Hà Nội chặt gần 7,000 cây xanh không để kiếm chác hay có nhóm lợi ích mà dựa trên cơ sở cái gì có lợi cho dân thì làm?!

Hà Nội trước đây đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường. (Tr.N)

03-19-2015 4:19:10 PM

No comments:

Post a Comment