Theo BBC-7 giờ trước
Sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Việc tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Samsung đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam có thể mang lại nhiều rủi ro về dài hạn, một chuyên gia trong nước cho biết.
Nhận định trên được Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 19/3.
Trước đó, báo Nhật Nikkei Asian Review đưa tin Samsung đang có kế hoạch tuyển dụng khoảng 60.000 lao động Việt Nam trước tháng Bảy năm nay để phục vụ cho kế hoạch mở rộng hoạt động của hãng này tại Việt Nam.
Thông tin trên được ông Cheol Ku Lee, giám đốc mảng hành chính nhân sự của Samsung Thái Nguyên, xác nhận trên tài khoản Facebook.
"Theo kế hoạch của công ty , trước tháng 7/2015, Samsung sẽ tuyển thêm gần 60.000 nhân viên sản xuất và 1.000 kỹ thuật viên, 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho hai nhà máy Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên và trung tâm nghiên cứu Samsung tại Việt Nam", ông cho biết.
"Bộ phận tuyển dụng của Samsung đang tiến hành tuyển dụng trực tiếp tại 33 tỉnh từ Bắc vào Nam để đạt mục tiêu số lượng cần tuyển".
Cũng theo ông Lee, tính trung bình hàng tuần, có khoảng 2.500 nhân viên sản xuất mới vào công ty Samsung, trong đó 75% là lao động nữ.
Samsung hiện đang có khoảng 84.000 lao động tại Việt Nam, theo Nikkei Asian Review.
Rủi ro tiềm ẩn
Trả lời phỏng vấn BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói các khoản đầu tư của Samsung vào Việt Nam đang mang lại lợi ích cho cả hai phía.
"Samsung đã đầu tư tổng cộng 11 tỷ đôla vào Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung cũng chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, khoảng 7-8%", ông cho biết.
"Trong đội ngũ cán bộ của Samsung đã có 5 người có bằng phát minh sáng chế, được cấp chứng chỉ. Đây là những dấu hiệu hết sức đáng vui mừng".
"Trong khi đó, theo tôi được biết, năng suất lao động của công nhân Việt Nam làm đạt 80% năng suất lao động, trong khi tiền lương chỉ bằng khoảng 10%."
"Samsung sẽ tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy nữa vào TP.HCM và một trung tâm nghiên cứu nữa ở Việt Nam."
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn khi một tập đoàn nước ngoài đóng vai trò lớn trong nền kinh tế.
"Khi một doanh nghiệp chiếm tỷ lệ quá lớn trong nền kinh tế và không thể cạnh tranh được trong một thị trường rất năng động như hiện nay thì việc quá phụ thuộc vào doanh nghiệp đó có thể là một sự rủi ro", ông nhận định.
"Chính quyền có những ưu đãi để thu hút Samsung và Samsung có thể đòi các ưu đãi đặc biệt cao hơn mức bình thường vì họ biết vị thế của mình."
"Điều này có cả hai mặt, Samsung biết là mình là nhà đầu tư lớn, mang lại nguồn xuất khẩu lớn, nên có những yêu cầu hơn mức bình thường."
"Mặt thứ hai là các tỉnh Việt Nam hiện nay vẫn được đo thành tích bằng chỉ số tăng trưởng GDP bình quân trên đầu người và tỷ lệ công nghiệp hóa."
"Nếu tỉnh nào mà thu hút được đầu tư của Samsung như Thái Nguyên thì nhiều khả năng sẽ trở thành tỉnh thành công nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này khiến chúng ta cần xem lại về động lực thực sự đằng sau việc mời đầu tư".
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu Samsung không cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế
'Thiệt cho doanh nghiệp tư nhân'
Ông Doanh cũng cho rằng những ưu đãi hiện nay đối với Samsung có thể tạo tâm lý tiêu cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài khác.
"Các nhà đầu tư khác dĩ nhiên sẽ nghĩ các yêu cầu của Samsung được chấp nhận thì yêu cầu của mình cũng được chấp nhận."
"Điều này sẽ dẫn đến một sân chơi rất mất bình đẳng."
"Không những vậy, người chịu thiệt nhất vẫn là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam", ông cho biết.
"Doanh nghiệp tư nhân lẽ ra phải đại diện cho dân tộc Việt Nam, với thương hiệu và công nghệ của Việt Nam để đưa Việt Nam lên con đường công nghiệp hóa thực sự."
"Việt Nam không thể nhận Samsung hay Honda là của mình."
"Cần phải hoàn toàn ghi nhớ là đến một lúc nào đó khi giá lao động của Việt Nam tăng lên, ưu thế lao dộng giá rẻ không còn thì Samsung cũng sẽ chuyển đi nơi khác, không ăn đời ở kiếp với Việt Nam."
"Đó là một rủi ro cần tính đến."
No comments:
Post a Comment