Chị Lê Thị Lành buồn bã chăm sóc chồng là anh Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi) tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A Lộc |
Ngày 6/3, Bộ Y tế cho biết đây là con số thống kê từ báo cáo của hơn 1.000 cơ sở y tế tại 63 tỉnh, thành phố. Nếu chia trung bình mỗi ngày mỗi địa phương xảy ra khoảng 11 trường hợp nhập viện vì đánh nhau.
Báo cáo chính thức của Bộ Y tế cho thấy trong 9 ngày tết Ất Mùi, hệ thống hơn 1.000 cơ sở khám chữa bệnh cả nước đã khám cấp cứu tai nạn do đánh nhau cho hơn 6.200 trường hợp, 15 người tử vong. Đây là năm đầu tiên, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thống kê, ghi rõ nguyên nhân đến khám cấp cứu và nhập viện.
Bộ Y tế phân tích, nếu chia trung bình cho 63 tỉnh, thành thì mỗi nơi xảy ra gần 100 trường hợp nhập viện vì đánh nhau trong 9 ngày. "Con số này không có gì bất thường", đại diện Bộ Y tế khẳng định.
Cũng theo Bộ Y tế, trong dịp nghỉ Tết năm 2014, báo cáo của khoảng 1.000 bệnh viện gửi về cũng có hơn 150.000 trường hợp khám cấp cứu. Dù không thống kê cụ thể bao nhiêu trường hợp đánh nhau, nhưng Bộ Y tế tin chắc con số này không thấp. Dịp Tết Nguyên đán 2013, cả nước có hơn 4.700 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Tết 2012 là gần 4.000 trường hợp.
Trước đó trao đổi với báo, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng con số này là không bình thường khi xảy ra trong ngày Tết, dịp mà người ta cần nghỉ ngơi vui vẻ với nhau. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên, theo ông Tiên, là lạm dụng rượu bia trong ngày Tết. Người Việt quan niệm rằng, đến nhà phải cụng một ly, nâng một chén rượu thì mới gọi là chúc mừng năm mới.
Ngoài nguyên nhân rượu bia, TS Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ cũng đẩy lên thành xung đột dẫn đến bạo lực.
Thứ Sáu, ngày 6/3/2015 - 14:47
Theo Phương Trang (Vnexpress)
No comments:
Post a Comment