Dịp Tết Nguyên đán trở ra là mùa lễ hội trên cả nước Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Anh yêu cầu cán bộ nhà nước không dự lễ hội nếu không được phân công.
Theo trang Infonet hôm 27/02/2015, ông Hoàng Tuấn Anh nói:
“Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội."
"Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, đảng viên chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm."
'Chấn chỉnh vi phạm'
Trang tin này trích thuật lại từ bản tin của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin ông Hoàng Tuấn Anh đã có chuyến đi thị sát về tình hình lễ hội ở khu Bái Đính và đền vua Đinh, vua Lê ở Ninh Bình hôm 26/2/2015.
Câu chuyện về nạn lễ hội quá nhiều và có những lễ hội như lễ chém lợn tại Ném Thượng, Bắc Ninh diễn ra bất chấp phản đối đang là chủ đề dư luận Việt Nam quan tâm.
Ngoài ra, báo chí Việt Nam cũng nói nhà chức trách quan ngại về nạn lễ hội quá nhiều, có tần suất quá cao và đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh:
"Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương trên toàn quốc để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong quản lý lễ hội."
Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam cũng lo ngại "trước tình trạng bạo lực ở nhiều lễ hội ngày một tăng và khâu tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo".
Trang VietnamNet hôm 26/02 đặt câu hỏi:
"Từ việc cướp Ấn ở Đền Trần cho tới cướp hoa Tre ở Hội Gióng, nhiều người đặt câu hỏi chúng ta đang tham gia lễ hội để vui chơi, 'cướp' lộc để lấy vui hay lấy được?"
Ở những nơi này, hoạt động 'văn hóa' mang tính biểu tượng trở thành cuộc hỗn chiến hoặc cướp bóc như 'hôi bia', theo báo Việt Nam.
Được biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "sẽ thường xuyên cử đoàn kiểm tra, thanh tra xuống các địa phương", theo trang báo đã dẫn.
Tuy nhiên, cũng chưa rõ các biện pháp mang tính chỉ đạo chung như trên có tác dụng gì hay không.
Tại Ném Thượng, người dân vẫn chặt đầu đôi lợn sống vào ngày 6 Tết âm lịch, bất chấp khuyến cáo của chính quyền cấp trên.
Họ còn rước ảnh cố Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sân đình là địa điểm hành hình hai con lợn, gây ra các bình luận mạnh mẽ trên mạng xã hội Việt Nam.
No comments:
Post a Comment