Nam Nguyên - RFA
2015-02-27
2015-02-27
TS. Phạm Chí Dũng-Courtesy of saohomsaomai.wordpress.com
Cánh én báo mùa xuân?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam bắt đầu hé mở cánh cửa cho vấn đề Trưng cầu ý dân, trong số các quyền cơ bản được Hiến pháp quy định như quyền tự do báo chí, biểu tình, lập hội và tiếp cận thông tin. Tất cả những quyền tưởng như bình thường này trên thực tế không hiện diện trong đời sống xã hội vì Quốc hội Việt Nam chưa từng ban hành các bộ luật để thực thi.
KS. Nguyễn Văn Thạnh- Courtesy of quyhoangsatruongsa.com
Báo chí do Nhà nước quản lý đưa tin, hôm 25/2/2015 dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến lần đầu tiên. Buổi thảo luận bên cạnh một số ý kiến xây dựng dân chủ còn kèm theo rất nhiều băn khoăn, trăn trở về hậu quả có thể có đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, một khi người dân có quyền dân chủ trực tiếp.
... tôi rất vui mừng và hoan nghênh, vui mừng vì những vấn đề mà lâu nay được bao bọc trong một cái biển tăm tối dán dưới cán nhãn nhạy cảm, bắt đầu được nói lên ở Quốc hội...
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh
Thông tin trên báo chí chính thức, cho thấy các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi đáng ngạc nhiên và có vẻ như các nhà lập pháp của Việt Nam còn khá lạ lẫm với việc người dân có quyền được trưng cầu ý kiến.
Nhận định về các thông tin liên quan tới vấn đề Trưng cầu ý dân, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Đà Nẵng phát biểu:
“Việt Nam chưa phải là nền dân chủ, nhưng đang tiến lên nền dân chủ, cho nên để sử dụng công cụ giám sát quyền lực xã hội lắng nghe ý kiến người dân tuyệt vời như công cụ trưng cầu dân ý, thì còn là tương lai tương đối khá xa. Nhưng mà tôi rất vui mừng và hoan nghênh, vui mừng vì những vấn đề mà lâu nay được bao bọc trong một cái biển tăm tối dán dưới cán nhãn nhạy cảm, bắt đầu được nói lên ở Quốc hội và được mang ra thảo luận trên báo chí. Đây là một tín hiệu đáng mừng như là một cánh én bắt đầu báo hiệu cho một mùa xuân…”
Thận trọng! Khống chế?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước được VietnamNet trích lời tỏ ra khá thận trọng với quyền trưng cầu ý dân được Hiến pháp qui định. Ông Ksor Phước cho rằng đây là việc quan trọng nếu làm tốt sẽ thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân, nếu xử lý không tốt thì sẽ đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta. Ông Ksor Phước bày tỏ lo ngại về điều gọi là các thế lực lợi dụng thông tin trên mạng đòi hỏi nhiều sự thay đổi. Vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc còn đặt ra vấn đề khá lạ lùng là sau khi trưng cầu ý dân, Quốc hội cần xem xét lại kết quả rồi mới thực hiện.
... Quốc hội có phải là cố tình trì hoãn trây lì về việc ban hành quyền con người và cuối cùng bây giờ không cho trưng cầu dân ý về những quyền biểu tình, tự do lập hội và những quyền khác mà dân chúng đang đòi hỏi. Như vậy đó là một cách để bảo vệ ai? Bảo vệ Đảng bảo vệ nhóm lợi ích...
TS. Phạm Chí Dũng
Vẫn theo VietnamNet, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng tỏ ra băn khoăn, nếu kết quả trưng cầu ý dân không đúng như ý muốn thì có tổ chức trưng cầu lại không? Nếu dân không đồng ý thì sẽ thế nào? Ông Sơn không nói rõ đúng ý muốn của ai, nhưng người đọc báo hiểu là ý muốn của Đảng và Nhà nước. Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn thận trọng hơn nữa, ông Hùng cho rằng thực thi quyền Trưng cầu ý dân rất nguy hiểm nếu các quy định không chặt chẽ. Người đứng đầu Quốc hội lo sợ về điều lá phiếu có thể bị tác động và xuyên tạc.
TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập từ Saigon nhận định:
“Tôi có cảm giác lời lẽ của ông Nguyễn Sinh Hùng mang tính chất tư biện và cũng giống như lần trước ông nói nếu như Quốc hội làm sai thì dân chịu, tức là có những câu phát biểu không xứng tầm một người lãnh đạo Quốc hội, một ủy viên Bộ Chính trị. Lần này tôi muốn đặc tả vấn đề như thế này, không chỉ câu nói vừa rồi của ông Nguyễn Sinh Hùng, lần này ông còn nói quyền con người, quyền công dân không thể đem ra trưng cầu dân ý được. Ông ấy giải thích tại vì những vấn đề đó thuộc về luật định mà hạn chế là do luật không phải là do Quốc hội. Như vậy đặt ra vấn đề là như thế này, nếu nói hạn chế là do luật thì tức là luật cũng chính là do Quốc hội ban hành; thì tại sao những điều liên quan tới rất sát sườn, rất thiết thân tới quyền con người và quyền công dân như quyền tự do biểu tình, tự do lập hội đã được quy định từ Hiến pháp 1992, cho tới nay gần 1/4 thế kỷ rồi mà tại sao vẫn không được luật định. Như vậy Quốc hội có phải là cố tình trì hoãn trây lì về việc ban hành quyền con người và cuối cùng bây giờ không cho trưng cầu dân ý về những quyền biểu tình, tự do lập hội và những quyền khác mà dân chúng đang đòi hỏi. Như vậy đó là một cách để bảo vệ ai? Bảo vệ Đảng bảo vệ nhóm lợi ích và trong dư luận gần đây người ta nói Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích. Có đúng hay không, tôi đặt vấn đề như thế.”
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện- Courtesy of baomoi.com
Rối bời- Mâu thuẫn
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam: “Những vấn đề nào cần trưng cầu ý dân, giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu như thế nào, ai có quyền đề nghị và điều kiện ra sao…hàng loạt câu hỏi vẫn rối bời khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Trưng cầu ý dân.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu được tờ báo trích lời cho rằng, giá trị pháp lý của việc lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân là khác nhau. Theo đó, Trưng cầu ý dân là quyền dân chủ trực tiếp, là chủ quyền của nhân dân, khi nhân dân đã biểu quyết đa số rồi thì đó là quyết định không có cơ quan nào có quyền phủ quyết, còn giám sát để xem cuộc trưng cầu ý dân có hợp hiến hợp pháp hay không là việc khác. Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khi cuộc Trưng cầu ý dân đó được tiến hành đúng pháp luật, đã hợp pháp hợp hiến rồi thì người dân là người quyết định cuối cùng, không có cơ quan nào có quyền thay đổi quyết định đó.
Vẫn theo Thời báo kinh tế Việt Nam, ông Uông Chu Lưu thêm rằng, điều 120 của Hiến pháp 2013 qui định Hiến pháp được 2/3 đại biểu Quốc hội thông qua thì có hiệu lực, nhưng trong trường hợp phải trưng cầu ý dân thì do Quốc hội quyết định việc có đưa Hiến pháp đó ra trưng cầu ý dân hay không. Một khi đã đưa ra Quốc hội và Trưng cầu ý dân, người dân biểu quyết đa số thì coi như đó là quyết định chứ không phải đưa trở lại Quốc hội nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng ý với cách giải thích của ông Uông Chu Lưu và nói rằng, trong trường hợp như vậy thì phải sửa Hiến pháp 2013.
Với nhiều ý kiến tranh cãi ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, cho thấy vấn đề tôn trọng quyền chọn lựa tối thượng của nhân dân khó toàn vẹn. Phải chăng người dân ở các nước cộng sản một đảng toàn trị không thể có quyền dân chủ? TS Phạm Chí Dũng nhận
“Theo tôi biết cho đến giờ này những quyền cơ bản của công dân như quyền lập hội, quyền tự do báo chí, quyền biểu tình, quyền trưng cầu dân ý kể cả luật tiếp cận thông tin vẫn chưa có ở một nước nào trong số những nước còn danh xưng xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên. Việt Nam mặc dù đã được coi là đổi mới, mở cửa kinh tế từ 1/4 thế kỷ rồi nhưng mà vẫn chưa có nổi một Luật về tiếp cận thông tin, Luật này được Hội nghị Paris đưa ra năm 1981 mà cho tới nay 34 năm rồi Việt Nam vẫn chưa có nổi một Luật tiếp cận thông tin, thì làm sao có điều kiện tác nghiệp tự do báo chí ở Việt Nam.”
Dân chủ giả mạo? Tháo gỡ vỏ hạt?
Trước xu hướng Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét thảo luận các dự luật về quyền tự do cơ bản của nhân dân mặc dù Đảng Cộng sản khẳng định độc quyền đất nước. TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Tôi rất lo sợ rằng đó là một sự giả mạo, nếu có ra được những Luật tiếp cận thông tin, tự do báo chí, biểu tình cũng chỉ là một sự giả mạo và lại thêm một công cụ nữa để ngăn chặn quyền cơ bản của công dân cứ với tinh thần như thế này và độc tài chính trị như thế này.”
... quyền lợi của giới lãnh đạo chính trị, giới kinh tế mạnh nhất hiện nay trong xã hội. Nhưng mà tôi thấy một quá trình nảy mầm mà ở đó tháo gỡ những cái vỏ hạt rất cứng. Tất cả những tổ chức xã hội dân sự đã đóng góp tiếng nói...
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh
Trong xu hướng mới, người dân Việt Nam có thể làm gì để được thực thi những quyền cơ bản của công dân như tự do báo chí, lập hội, biểu tình, trưng cầu dân ý. Dù với một tiến trình được cho là còn rất lâu dài, thì vai trò của các tổ chức xã hội dân sự độc lập có thể giúp ích gì cho người dân. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh nhận
“ Một dân tộc nô lệ là một dân tộc bị mất các quyền tự do, một dân tộc tự do là một dân tộc được đảm bảo các quyền tự do. Dưới góc nhìn đó thì hiện nay Việt Nam không có tự do, rất nhiều quyền được hiến định nhưng không áp dụng trên thực tế. Điều này cũng có bản chất lịch sử trên thực tế, ví dụ như là quyền lợi của giới lãnh đạo chính trị, giới kinh tế mạnh nhất hiện nay trong xã hội. Nhưng mà tôi thấy một quá trình nảy mầm mà ở đó tháo gỡ những cái vỏ hạt rất cứng. Tất cả những tổ chức xã hội dân sự đã đóng góp tiếng nói, người ta phản biện, đòi hỏi, phê phán để thức tỉnh người dân. Điều này đã làm cho mầm tự do bắt đầu đâm chồi nảy lộc và đó là một quá trình không thể đảo ngược được và sớm muộn gì sẽ thành cây và thành cây cổ thụ.”
Mặc dù được qui định rất sớm ngay từ trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và tiếp tục trong các bản Hiến pháp tiếp theo như 1992 và 2013, nhưng trên thực tế quyền Trưng cầu dân ý chưa từng được thực hiện tại nước Việt Nam theo xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng một dự thảo luật Trưng cầu ý dân dù chưa được xem là hoàn chỉnh và còn tiếp tục bổ sung, cũng đã nhen nhúm một tia sáng cải cách ở Việt Nam trên một ý nghĩa nào đó.
No comments:
Post a Comment