Bài báo mới đây trên Vnexpress.net cho biết từ ngày 27 đến ngày mùng 4 tết có 5000 người nhập viện do đánh nhau.
Còn theo bài báo ‘Thiếu hàng chục ngàn chỗ giam giữ’ trên Tuổi trẻ thì cả nước đang cần đến 3.600 tỷ đồng để xây nhà giam giữ vì hiện còn thiếu đến 26.000 chỗ giam giữ theo quy định.
Báo cáo của Bộ công an cho biết năm 2014 cả nước đã khởi tố mới 77.913 vụ án, với 121.039 bị can. Trong đó có 25.934 vụ với 55.944 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Phát triển mất cân bằng
Những con số trên cho thấy xã hội Việt Nam hiện nay nhiều tội phạm quá.
Mặc dù không có số liệu so sánh nhưng có thể nhận định tỉ lệ tội phạm ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Báo chí đưa tin nước Hà Lan phải đóng cửa nhà tù do không có phạm nhân.
Điều đó cũng dễ hiểu vì Việt Nam hiện là nước có số dân đông hàng cao nhất nhưng kinh tế xã hội lại nghèo nàn lạc hậu thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Nhiều người thường lý giải tình trạng tội phạm hiện nay là do ‘tương thích’ với tầm mức phát triển kinh tế xã hội.
Song cách lý giải như vậy sẽ khiến người ta cảm tưởng rằng việc ngăn giảm tội phạm là không thể vì nó có nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
Khi đó dễ dẫn đến thái độ thụ động và người ta ít nghĩ đến những việc có thể làm giúp cho tội phạm ít đi.
Thực ra chúng ta đã có thể khiến cho tình trạng tội phạm khác đi và ít hơn mặc dù số lượng nguồn lực là không đổi.
Câu hỏi đặt ra là lâu nay chúng ta đã làm tốt những việc mà nếu làm tốt sẽ làm cho tội phạm ít đi chưa?
Phải chăng lâu nay việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội còn nhiều bất công, khiến cho tầng lớp lao động nghèo bị bỏ rơi từ đó sinh ra tội phạm?
Bỏ quên người nghèo
Tình trạng tội phạm có thể đã ít hơn nếu như đường lối phát triển cân bằng hợp lý, bằng cách lựa chọn đúng đắn các vấn đề ưu tiên mặc cho số nguồn lực vẫn chỉ có thế.
Chính sách phát triển phải cân bằng hợp lý để giải quyết được vấn đề thay vì tạo ra thêm các vấn nạn xã hội mới.
Vì một khi chất lượng chính sách thấp sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà nó còn khiến các vấn đề khác bị bỏ lại không được giải quyết.
Tiền thì có hạn, đã tiêu cho việc này thì thôi việc khác.
Trong khi đó chúng ta biết rằng trong xã hội luôn tồn tại người giàu người nghèo và mỗi tầng lớp gặp phải những vấn đề cần giải quyết khác nhau.
Một ví dụ rất điển hình cho thấy tuy cùng là người một nước nhưng người giàu và người nghèo có những mối quan tâm rất khác nhau.
Mới đây dư luận ồn ào về cuốn sách ‘Tôi tự hào là người Việt Nam’ được viết ra bởi một số nhà ngoại giao và doanh nhân.
Sự kiện này thu hút được một số giới quan tâm nhưng hầu như xa lạ với nhân dân lao động.
Bởi lẽ người giàu đi nước ngoài nhiều, tiếp xúc với bên ngoài mới thấy xã hội Việt Nam tụt hậu, người Việt Nam bé nhỏ, từ đó nảy sinh tâm lý mặc cảm tự ti rồi an ủi động viên tinh thần cho mình bằng suy nghĩ tự hào là người Việt Nam.
Ngược lại người nghèo trong nước quanh năm lao động vất vả, sống và tiếp xúc với người hàng xóm thì họ không đặt ra vấn đề đó.
Các vấn đề họ quan tâm là có nước sạch để dùng giúp trẻ con khỏi bị các bệnh giun, tiêu chảy hoặc các bệnh khác.
Họ quan tâm làm sao mua được một căn nhà để vợ chồng con cái có chỗ ở tử tế.
Họ quan tâm làm sao tội phạm bớt hoành hành để họ còn yên tâm làm ăn.
Họ muốn chính quyền cần khác đi để trở thành một cái gì như là giải pháp giúp đỡ chứ không phải là thứ mà họ muốn tránh xa.
Chọn ưu tiên gì?
Vấn đề của người giàu khác với người nghèo, vậy lâu nay chính sách phát triển kinh tế xã hội đã cân bằng hợp lý quan tâm đến người nghèo chưa?
Ví như người giàu và người nghèo đều có nhu cầu về nhà ở, nhưng lâu nay do những yếu kém trong quản lý quy hoạch xây dựng nên xảy ra tình trạng xây rồi bỏ không để cỏ mọc hàng vạn căn nhà cao cấp, trong khi hàng triệu lao động nghèo không có nhà ở.
Người giàu thì quan tâm tới thú vui tinh thần trong khi người nghèo lo lắng cho những vấn đề cấp thiết.
Nếu đánh giá theo tính chính đáng và cấp thiết thì thật bất công khi bỏ ra hàng trăm tỷ để xây sân bóng hay nhà hát trong khi dân nông thôn không có nước sạch để dùng.
Mặc dầu vậy trong hầu hết các trường hợp mong muốn của người giàu hay người nghèo đều chính đáng, trong khi nguồn lực quốc gia lại có hạn.
Khi đó đánh giá mỗi vấn đề đặt ra không phải là đúng hay sai mà là trước hay sau.
Sân bóng hay nhà hát cũng tốt nhưng phải lo nước sạch cho dân đã vì nó cấp thiết hơn.
Và đòi hỏi ở người quyết sách phải có được năng lực tầm nhìn để thấy được những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước.
Đây là vấn đề cốt yếu nhất đòi hỏi ở giới lãnh đạo, bởi lẽ bây giờ người ta không ngu để đưa ra những đòi hỏi phi lý mà ngược lại ai cũng khôn ngoan đưa ra lý do bao biện cho bất kỳ một đề án nào.
Có thể khảo sát vấn đề xây dựng sân bay Long Thành làm một ví dụ.
Những người ủng hộ dự án này đã đưa ra hàng loạt lý do về sự cần thiết, nhưng khi gạt bỏ đi những lời lẽ đao to búa lớn khoa trương thì thấy rằng đây là dự án cho người giàu.
Người nghèo còn xa mới hưởng lợi từ dự án đó trong khi ngay trước mắt họ có nhiều vấn đề cấp thiết hơn.
Mặc cho số lượng người sử dụng dịch vụ hàng không tăng lên hàng năm thì xin hỏi rằng thực chất có bao nhiêu người gặp vướng mắc để thấy được nhu cầu cấp thiết phải xây thêm sân bay mới?
Số đó so với số dân chưa bao giờ đi máy bay hoặc số khách đi máy bay nhưng không thấy sự cần thiết phải xây thêm một sân bay mới, số nào lớn hơn số nào?
Và nếu vấn đề giải quyết được cân nhắc tính toán dựa trên sự đem lại lợi ích cho đa số thì khi đưa ra biểu quyết liệu dự án có được thông qua không?
Quay lại vấn đề tội phạm
Tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm trật tự xã hội nói riêng có thể nhận định phần lớn xuất phát từ tầng lớp dân nghèo.
Sống trong cảnh nghèo người ta có ít cái để mất và sẵn sàng làm liều hơn là cảnh giàu.
Và khi thấy mình khó thoát vũng lầy tối tăm do không có ánh sáng niềm tin vào chính sách thì người ta sẽ cùng quẫy để mong thoát thân nhưng không ngờ lại chìm đắm nhanh hơn.
Sự cân bằng trong chính sách đầu tư phát triển sẽ giúp giảm thiểu những người bị bần cùng và mất niềm tin.
Cũng có nghĩa rằng từ bất công mà sinh ra tội phạm.
Rất nhiều người già ở nông thôn không còn khả năng lao động nhưng cũng không có thu nhập, vậy chính quyền có quyết sách gì chăm lo cho họ?
Người nông dân giờ bỏ ruộng rất nhiều vì thu nhập từ đồng ruộng quá ít ỏi, chính quyền có chính sách gì giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân?
Đám thanh niên ở nông thôn chiếm số lượng rất lớn cần có việc làm và thu nhập, chính quyền có chính sách gì để xử lý thay vì để họ chìm đắm vào bia rượu và thể hiện mình bằng cách đánh nhau?
Và khi trí thức lên tiếng về các vấn nạn kinh tế xã hội thì đừng tìm cách bắt bớ họ theo các điều luật phi dân chủ, hoặc nếu không có cớ để làm thế thì quay ra thủ tiêu ám hại.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, giám đốc Công ty luật Công chính có trụ sở ở quận Đống Đa, Hà Nội.
No comments:
Post a Comment