Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi bạo lực diễn ra thường ngày đến độ quen mắt, lâu dần nhiều người đã ưu tiên sử dụng trong các mối quan hệ cộng đồng
Ông Hoàng Duy Phúc, Việt kiều Mỹ: Giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm
Hành vi bạo lực có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Từ lớp học, các cô cậu học trò cũng đánh nhau và thậm chí đâm nhau gây thương tích. Ngoài đường, chỉ va chạm nhẹ, người ta cũng dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Thậm chí, nhiều người bị đánh chỉ vì... nhìn thấy ghét! Lâu dần, những hành vi bạo lực được ưu tiên sử dụng trong các mối quan hệ.
Chúng tôi về Việt Nam chơi trong dịp Tết. Ngày 28 tháng Chạp vừa qua, khi tôi đi bộ ngang hẻm gần nhà thì một cậu thanh niên đi xe máy với tốc độ rất cao va quệt. Cả hai bị ngã nhưng rất may không sao. Thế mà cậu ta bắt tôi phải bồi thường và lao vào đánh tôi. Muốn cho yên chuyện, tôi phải đưa tiền cho cậu ta.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn bị con nợ của em gái ông chém gây thương tích, đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: PHẠM DŨNG
Hành vi bạo lực dù ở đâu cũng có thể bộc phát nhưng ở những quốc gia khác, lực lượng chức năng xử lý rất nghiêm khắc. Chỉ cần hăm dọa người khác chứ chưa cần tấn công, người bị hăm dọa liền gọi cảnh sát và lập tức họ có mặt. Còn ai tấn công người khác thì phải đối mặt với tòa án ngay. Ở nước ta, hầu hết các vụ đánh nhau không bị xử lý đến nơi đến chốn. Nhiều người vô cớ bị đánh nhưng tỉ lệ thương tật thấp nên chẳng cơ quan chức năng nào xử lý cho đến đầu đến đũa. Hành vi bạo lực không bị nghiêm trị thì việc chúng ngày càng bị lạm dụng là điều dễ hiểu.
Ông Đỗ Hùng, Giám đốc tài chính một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại TP HCM: Cái xấu bao vây
Hành vi của một người rất dễ bị tác động bởi hoàn cảnh xung quanh. Hiện nay, hằng ngày, chúng ta luôn tiếp cận với những hành vi bạo lực. Phim ảnh trên truyền hình thì đầy cảnh bắn giết, đánh nhau tàn bạo. Ra đường thì dễ dàng bắt gặp cảnh cãi vã, nổi nóng, văng tục. Ngay cả người lớn khi chở con em mình cũng thiếu kiềm chế, dễ dàng gây gổ, thậm chí đánh nhau khi có va chạm.
Trong giao tiếp hằng ngày, rất ít nghe những câu nói như: xin lỗi..., cảm ơn..., phiền anh (chị)... Những hành vi bạo lực cứ lặp đi lặp lại hằng ngày, lâu dần trở thành quen mắt và chúng ta xem như là chuyện bình thường. Khi có chuyện gì xảy ra, chúng ta rất dễ bị cuốn theo cách ứng xử này.
Bà Đinh Hồng Việt, Giáo viên môn lịch sử: Từ giáo dục mà nên
Nói “giáo dục là gốc” thật chính xác nhưng chúng ta quen nói giáo dục chung chung mà không chú tâm vào những môn học thiết thân, cụ thể để xây dựng nhân cách cho con trẻ. Không biết ở các nước tiên tiến có phải học ngày học đêm như ở nước ta không nhưng cách ứng xử của trẻ em được uốn nắn rất kỹ và rất hiếm thấy chuyện đánh nhau. Ở ta thì bất kể giờ nào ra đường cũng thấy học trò đi học. Các em học cái gì, tiếp thu được gì khi nền giáo dục quá chú trọng đến thành tích mà quên mất cái gốc là giáo dục con người?
Nhiều người đổ thừa hành vi đánh nhau tăng đột biến vừa qua là do bia, rượu. Tại lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest) ở Đức, kéo dài cả tháng, quy tụ cả triệu lượt người, bia thì uống mỗi cốc hàng lít mà có mấy khi xảy ra điều gì đáng tiếc đâu. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi đã liên tưởng nếu ở Việt Nam có lễ hội thế này thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chung quy vẫn là văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Điều này chỉ có khi từ bé được giáo dục một cách bài bản và đúng hướng.
Sẵn sàng sử dụng hung khí
Ngày 26-2, Công an TP HCM cho biết đang tạm giữ Phan Tấn Lợi (SN 1966, ngụ phường Long Trường, quận 9) - người đã dùng hung khí đánh chết Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1987, ngụ quận 9) vào tối 25-2.
Ông Lợi thiếu Ngô Thanh Sang 500.000 đồng. Tối 25-2, Sang và Nghĩa đi nhậu về thì ghé vào nhà ông Lợi đòi nợ. Ông Lợi năn nỉ Sang sáng hôm sau sẽ trả. Thế nhưng, Nghĩa lao vào chửi bới, đạp vào người ông Lợi. Bực tức, ông Lợi dùng cây cơ bida đánh trúng đầu làm Nghĩa tử vong.
Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1977, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị vết thương ở bàn tay phải do mã tấu gây ra. Ông Tuấn cho biết em gái ông cho một người gần nhà vay 25 triệu đồng nhưng đến kỳ hẹn người này không trả. Em gái ông Tuấn gọi điện đòi nợ thì người vay nợ dẫn theo 7 người cầm hung khí đến nhà. Khi ông Tuấn vừa về thì nhóm người trên dùng mã tấu chém rồi bỏ chạy. P.Dũng
Phạm Hồ ghi
No comments:
Post a Comment