HÀ NỘI (NV) .- Hàng năm vẫn có các buổi họp để “tinh giản biên chế”, nhưng guồng máy công quyền CSVN vẫn mỗi ngày phình to hơn, cồng kềnh hơn chứ không nhỏ đi.
Càng "tinh giản biến chế", guồng máy hành chánh CSVN càng phình to hơn. (Hình: báo Đầu Tư)
Điều này cho thấy chế độ Hà Nội “Nói một đàng làm một nẻo”.
Theo một bài viết của tờ “Giào Dục Việt Nam” hôm Thứ tư 18/2/2015, “Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238,668 năm 2007 lên 275,620 năm 2014 (tức là tăng 36,952 người, tỷ lệ 15.48%).”
Trước áp lực của các định chế tài trợ quốc tế muốn cấp viện cho Việt Nam “xóa đói giảm nghèo”, năm 2007, chế độ Hà Nội ban hành nghị định về “Chính sách tinh giản biên chế”.
Mục đích là giảm bớt số lượng cán bộ, công chức được thu nhập bừa bãi vào các cơ quan, tổ chức của nhà cầm quyền CSVN từ trung ương xuống tới các cấp địa phương thấp nhất. Nó bao gồm cả loại bỏ những cán bộ “dôi dư” tức ăn bám đến cho nghỉ sớm một số quan chức chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Theo các con số thống kê của tờ GDVN đưa ra, cán bộ, công chức chính thức ăn lương nhà nước từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) tăng từ 346,379 năm 2007 lên 396,371 năm 2014 (tăng 49,992 người, tỷ lệ 14.43%).
Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238,668 năm 2007 lên 275,620 năm 2014 (tăng 36,952 người, tỷ lệ 15.48%). Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động “không chuyên trách” ở cấp xã hiện nay là trên 1.2 triệu người.
Con số nhân sự của “các đơn vị sự nghiệp công lập” tăng nhanh, từ 1.63 triệu người năm 2010 lên 2.31 triệu người năm 2014. Nguyên nhân được cho là “do thành lập mới, nâng cấp các đơn vị sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý biên chế chưa chặt chẽ”.
Việc thu nhận người vào các cơ quan hay các đơn vị 'sự nghiệp” và cơ sở quốc doanh vốn là mối lợi của những kẻ có quyền hành hoặc ban phát ân huệ, trao đổi với những người có quyền hành khác. Những chuyện lình xình về việc thu nhận hay thăng cấp bừa bãi trong các cơ quan công quyền từng được đề cập nhiều và chẳng ai chịu trách nhiệm.
Cách đây hai năm, nhân chủ tọa “Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” của chế độ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng, từng than vãn rằng “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Nạn chạy chức chạy quyền trong guồng máy nhà nước rất phổ biến. Tháng Mười Hai năm 2012, dư luận sôi nổi với tin ông Trần Trọng Dực tố cáo trong một phiên họp của “Hội đồng Nhân dân” thành phố Hà Nội là tại đây, muốn trở thành công chức thành phố, người ta phải “chạy” ít nhất 100 triệu đồng.
Những lời bình luận của độc giả trên nhiều báo ở Việt Nam dịp đó cho biết không riêng gì ở Hà Nội, các tỉnh thị trên toàn quốc cũng đều bẩn như nhau. Cái số tiền “chạy” 100 triệu, thật ra còn rất nhỏ, và có thể lên bạc tỉ nếu cái ghế ở vị trí hái ra tiền.
Một trong những lý do guồng máy công quyền CSVN càng “tinh giản” càng phình to hơn được nhiều người bình luận trên nhiều báo ở Việt Nam là những kẻ bị coi là dôi dư đều thuộc loại cán bộ “5C”. Từ viết tắt '5C' là của nhóm từ “Con cháu các cụ cả”. (TN)
02-18-2015 5:38:32 PM
No comments:
Post a Comment