Friday, February 20, 2015

Đại sứ Mỹ: Campuchea chớ cản trở người Thượng VN xin quy chế tị nạn

Làn sóng người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam bỏ xứ, băng rừng sang Campuchia xin tị nạn ngày càng tăng. Lo sợ bị bắt trục xuất về nước, họ thường lẩn trốn vào các khu rừng rậm của tỉnh Ratanakkiri chờ được LHQ can thiệp cứu giúp.
Làn sóng người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam bỏ xứ, băng rừng sang Campuchia xin tị nạn ngày càng tăng. Lo sợ bị bắt trục xuất về nước, họ thường lẩn trốn vào các khu rừng rậm của tỉnh Ratanakkiri chờ được LHQ can thiệp cứu giúp.
VOA-20.02.2015
Đại sứ Hoa Kỳ nói cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến làn sóng người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam vượt biên sang Campuchea tìm đường tị nạn và kêu gọi chính phủ Phnom Penh cho phép họ quyền tiếp cận không bị cản trở với các thủ tục về người tị nạn được quốc tế công nhận.

Phnom Penh Post ngày 20/2 dẫn bài viết của đại sứ William Todd đăng trên nhật báo Rasmey Kampuchea và CEN ở Campuchea viết rằng tình hình hiện nay là cơ hội để Campuchea chứng tỏ các cam kết về nhân quyền.

Đại sứ Todd nói Campuchea có thể thực hiện điều này bằng cách bảo đảm áp dụng nhất quán luật lệ và hợp tác với Liên hiệp quốc cũng như xã hội dân sự để tiếp xúc với những người đang cần được giúp đỡ.

Ông cũng viện dẫn các nghĩa vụ của Campuchea về đăng ký cho người xin tị nạn và thẩm định một cách công bằng xem họ có phải là những người tị nạn hay không, chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về người tị nạn.

Đại sứ Mỹ nhấn mạnh giới hữu trách không được quay lưng với người tị nạn trước khi tiến hành các thủ tục này.

Bộ Ngoại giao Campuchea chưa lên tiếng bình luận về lời kêu gọi của đại sứ Mỹ.

Ít nhất 32 người Thượng Việt Nam đang lẩn trốn trong các khu rừng rậm ở tỉnh Ratanakkiri giáp ranh với biên giới Việt Nam trong lúc lực lượng hữu trách địa phương đang truy lùng họ.

Kể từ cuối năm ngoái, 20 người đã tới được thủ đô Phnom Penh để xin quy chế tị nạn.

Bộ Nội Vụ Campuchea nói thậm chí kết quả điều tra chứng minh họ thật sự là những người tị nạn, họ vẫn sẽ bị trục xuất về lại Việt Nam nếu không tìm được một nước thứ ba cho họ định cư.

Nhiều người Thượng từ Tây Nguyên Việt Nam vượt biên giới sang Campuchia lánh nạn kể từ các cuộc biểu tình hồi năm 2001 đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo và quyền lợi đất đai dẫn tới các cuộc bố ráp của chính quyền.

Từ Campuchia, hàng trăm người đã được Liên hiệp quốc giúp sang định cư ở các nước thứ ba. Tuy nhiên, những người bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam có thể đối mặt với án tù dài hạn.

Tại Việt Nam, những người sắc tộc thiểu số bị tù vì tranh đấu đòi quyền đất đai hay tự do tôn giáo ít được công luận biết đến và lên tiếng bênh vực.

Theo Phnompenh Post/ Rasmey Kampuchea/CEN

No comments:

Post a Comment