Trung Quốc đang gấp rút xây dựng cải tạo các đảo trên Biển Đông
Hãng tin Anh quốc Reuters vừa có bài phân tích về chiến lược phát triển đảo nhân tạo và tham vọng ở Biển Đông của Trung Quốc.
Hãng này nói việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng nhằm tạo bàn đạp cho Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân, không quân, tuần duyên và ngư nghiệp, gây quan ngại cho các nước xung quanh.
Theo các bức hình mà Philippines mới công bố, Trung Quốc đã xây dựng và cải tạo khá nhiều trên sáu đảo nhỏ và bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời bắt đầu công việc trên đảo thứ bảy.
Một điểm gây quan ngại nhất là việc phát triển các hải cảng và điểm tiếp dầu, cộng thêm các đường băng khiến Bắc Kinh có thể uy hiếp toàn bộ Biển Đông.
Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao phương Tây nói: "Các công trình này lớn và tham vọng hơn chúng ta từng nghĩ. Về nhiều khía cạnh, khi kế hoạch này tiếp tục được phát triển thì sẽ đặc biệt khó khăn [cho các nước] trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông".
Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông. Trừ Brunei, các nước kia đều cho củng cố cơ sở của mình trên các đảo mà họ kiểm soát.
Quan ngại từ 2014
Bắt đầu từ giữa năm 2014, Philippines bày tỏ quan ngại về các công trình của Trung Quốc, nhất là việc xây dựng đường băng trên bãi Gạc Ma.
Tuần rồi tạp chí Janes's Defence của Anh có đăng tải phân tích dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trên Hughes Reef, cũng thuộc Trường Sa, mà Việt Nam gọi là Đá Tư Nghĩa.
Janes's Defence nói đây là một công trình lớn, được xây dựng trên diện tích 75.000 mét vuông mà Trung Quốc dùng cát kiến tạo từ tháng Tám năm ngoái.
Các công trình ở Biển Đông sẽ mang sức mạnh mới cho hải quân Trung Quốc
Bên cạnh đó, tạp chí này đăng hình ảnh Bãi Chữ thập mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo có độ dài hơn 3km để xây đường băng.
Tất nhiên, ngoài việc sử dụng các cơ sở hạ tầng nói trên cho mục đích chiến lược và an ninh, Trung Quốc có thể dùng để tiếp vậ́n cho tàu cá hay tàu tuần tra biển của mình.
Reuters nói từ tháng Bảy rằng nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến khích ngư dân ra đánh bắt xa bờ ở Trường Sa.
Tuy nhiên, mục tiêu trước nhất vẫn là nhằm kiểm soát Biển Đông và kiềm chế các đối thủ, như Việt Nam, quốc gia đang nắm giữ nhiều đảo và bãi cạn ở Trường Sa.
Zhang Baohui, chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc tại Đại học Lingnan, Hong Kong, nói các kế hoạch cải tạo phát triển của Trung Quốc đều nhắm tới khía cạnh an ninh.
Trung Quốc đã thấm thía sự thiếu vắng các cơ sở xa bờ của mình vào hồi năm ngoái, khi trợ giúp Malaysia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích ở Ấn Độ Dương.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, theo Reuters, biết rằng nước này cần gấp rút xây dựng các cơ sở ở biển khơi nếu muốn trở thành cường quốc đại dương, tức có khả năng hoạt động xa bờ, trước năm 2050.
Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông?
Cũng có suy luận rằng tất cả các động thái nói trên sẽ dẫn tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Trung Quốc đã lập ADIZ ở Biển Hoa Đông năm 2013 nhưng cho tới nay chưa thấy loan báo gì về kế hoạch nào khác.
Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, nói vào đầu năm 2016 các công trình cải tạo ở Biển Đông của Trung Quốc có lẽ sẽ gần hoàn tất và Bắc Kinh sẽ công bố việc thiết lập ADIZ tại đây trong vòng ba năm tới.
Reuters dẫn lời ông nói: "Họ đang làm dần từng bước. Họ đang thực sự nỗ lực."
No comments:
Post a Comment