HỒNG THỦY 20/02/15 16:19
(GDVN) - Mở rộng hoạt động của hạm đội tàu cá và hải cảnh Trung Quốc sẽ là một thay đổi chiến lược, có nghĩa là rất khó khăn cho bất cứ ai truy cập vào khu vực.
Một pháo đài kiên cố Trung Quốc xây bất hợp pháp trên đá Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi dùng vũ lực đánh chiếm năm 1988.
Reuters ngày 19/2 đưa tin, Trung Quốc sẽ phô trương sức mạnh quân sự từ các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Quá trình cải tạo, biến đá thành đảo (phi pháp) mà Bắc Kinh tiến hành ở Trường Sa diễn ra quá nhanh, có thể mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng hải quân, không quân, hải cảnh và hạm đội tàu cá, nhiều đến mức báo động.
Trung Quốc đã tiến hành nạo vét cải tạo, đảo hóa 6 bãi đá (mà Bắc Kinh cất quân xâm lược năm 1988) ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra chính phủ Philippines tố cáo, trong tháng này tàu hút bùn Trung Quốc đã bắt đầu cải tạo bãi đá thứ 7, đá Vành Khăn (Trung Quốc đánh chiếm năm 1995).
Trong khi các đảo nhân tạo mới sẽ không lật đổ được ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực, nhưng các chuyên gia tin rằng các hải cảng, kho chứa nhiên liệu và ít nhất 2 đường băng Trung Quốc đang xây dựng sẽ khiến Bắc Kinh dấn sâu hơn vào trung tâm hàng hải Đông Nam Á.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, những kết cấu Trung Quốc xây dựng lớn hơn, với nhiều tham vọng hơn tất cả những gì người ta suy nghĩ. Ở nhiều cấp độ khác nhau, sẽ đặc biệt khó khăn để đối phó với Trung Quốc khi các pháo đài này phát triển. Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai mọi phản đối của Việt Nam và Philippines cũng như chỉ trích từ Hoa Kỳ để tiếp tục các hoạt động cải tạo bất hợp pháp.
Phân tích ảnh vệ tinh mới nhất được công bố bởi tuần san Quốc phòng IHS Jane cho thấy đá Ga Ven đã trở thành đảo nhân tạo rộng 75 ngàn mét vuông từ tháng 8 năm ngoái. Trong khi một đường băng dài 3 km đã hình thành trên bãi bồi lấp ở đá Chữ Thập. Công việc tương tự cũng đang được Bắc Kinh đẩy mạnh ở Gạc Ma, Su Bi, Tư Nghĩa và mới đây nhất là Vành Khăn.
Trung Quốc bồi đắp phi pháp, xây đảo nhân tạo 75 ngàn mét vuông trên đá Ga Ven.
Trong khi nguy cơ tiềm ẩn rõ nhất là Trung Quốc sẽ sử dụng các đảo nhân tạo này để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào, một số chuyên gia nhấn mạnh đến thủ đoạn phi quân sự còn nguy hiểm hơn. Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, Trung Quốc có thể kéo hạm đội tàu cá khổng lồ đi kèm là các tàu hải cảnh lớn ra Trường Sa hoạt động (bất hợp pháp). Các đảo này có thể cung cấp dịch vụ hậu cần, kỹ thuật (và bảo kê các hoạt động trái phép).
Tháng 7/2014 Reuters đã có báo cáo chi tiết về việc chính quyền Trung Quốc khuyến khích (xúi giục) ngư dân nước này kéo ra quần đảo Trường Sa đánh bắt, thường xuyên cung cấp nhiêu liệu hỗ trợ. Trước khi biến đá thành đảo, cơ sở vật chất Trung Quốc xây dựng (phi pháp) ở Trường Sa chỉ giới hạn trong phạm vi công sự nhà nổi với ụ súng, radar trong khi bến cảng và kho bãi hạn chế.
Ngay cả xét trên bình diện quân sự, việc mở rộng hoạt động của hạm đội tàu cá và hải cảnh Trung Quốc sẽ là một thay đổi chiến lược, có nghĩa là rất khó khăn cho bất cứ ai truy cập vào khu vực. "Và sau đó bạn sẽ có lực lượng hải quân ngoài đường chân trời", ông Thayer bình luận. Học giả này khẳng định không có căn cứ pháp lý nào ủng hộ hoạt động biến đá thành đảo (phi pháp) của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ uy hiếp hiệu quả các nước xung quanh.
Các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc cho rằng, hoạt động xây dựng cải tạo được lái bởi những gì Bắc Kinh gọi là mối đe dọa an ninh, đặc biệt là việc Trung Quốc muốn "kiểm soát" Việt Nam ở Biển Đông hiện đang đóng giữ 25 điểm đảo, bãi đá và rặng san hô ở Trường Sa. Việt Nam cũng đang phát triển lực lượng tàu ngầm để chống lại âm mưu, thủ đoạn bành trướng lãnh thổ.
Một số quan chức quân sự trong khu vực tin rằng cuối cùng Trung Quốc có thể sử dụng trực thăng vũ trang trên các đảo nhân tạo mới để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm. Trương Bảo Huy, một chuyên gia quốc phòng đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông tin rằng hoạt động (phi pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa ít ý nghĩa chính trị và pháp lý, nhưng nhiều vai trò về an ninh xét từ quan điểm của Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment