Monday, February 16, 2015

Thách thức nào cho Trung Quốc năm 2015?

Theo infonet.vn-15/02/15 12:42

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, năm 2014,Trung Quốc có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về kinh tế, môi trường, an ninh. Vậy năm 2015, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những thách thức gì

Quan hệ đối ngoại


Năm 2014, Bắc Kinh cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu thông qua đầu tư, viện trợ nhưng vẫn có những chính sách gây căng thẳng với nhiều nước láng giềng trong khu vực.
Nhằm tăng cường vị thế của Trung Quốc và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi xây dựng một cấu trúc an ninh, trong đó các vấn đề khu vực sẽ do các nước trong khu vực tự giải quyết. Ông này cũng đã kêu gọi thành lập tuyến đường thương mại Đường Tơ lụa thế kỷ 21, nối các quốc gia từ châu Á đến châu Âu và châu Phi.
Năm 2015, Trung Quốc sẽ thể hiện thiện chí hơn trong các tranh chấp với láng giềng?
Trong năm 2014, ông Tập cũng đã đến thăm 18 quốc gia từ châu Âu đến Đông Á, Mỹ Latin, Trung Á, Nam Á và Thái Bình Dương.
Tuy vậy, mặc dù tỏ ra hào phóng về tiền bạc và tăng cường thể hiện sự thân thiện nhưng Trung Quốc vẫn chưa có những hành động cần thiết để cho thấy mong muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng một cách hòa bình.
Kinh tế
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự đoán là sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 7% vào năm 2015 khi đang có những dấu hiệu đáng lo ngại về đầu tư bất động sản, lạm phát và tình trạng nợ xấu ngày càng tăng.
Mặc dù thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới sẽ không tránh khỏi tình trạng phát triển chậm lại, nhưng các nhà lãnh đạo nước này vẫn khẳng định sẽ nỗ lực để ổn định tăng trưởng trong năm 2015 đồng thời tăng cường cải cách và đấu tranh chống ô nhiễm.
Hình ảnh bên ngoài Ngân hàng Công thương Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng  Zhu Haibin của Ngân hàng JP Morgan tại Trung Quốc cho rằng, trong năm tới, thặng dư thương mại sẽ cao, tiêu thụ ổn định nhưng đầu tư yếu.
Theo ông, thặng dư tài khoản vãng lai có thể đạt 3,6 % Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, nhờ vào giá dầu và giá hàng hóa giảm.
Ông Zhu nói thêm: "Theo quan điểm của chúng tôi, lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế là sự sụt giảm liên tục trong đầu tư bất động sản cũng với năng suất dư thừa trong nhiều bộ phận của lĩnh vực sản xuất. Tốc độ đầu tư tài sản có thể giảm một nửa so với 12% của năm 2014”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lu Ting của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) hy vọng sẽ có nhiều cải cách hơn nữa về quản lý nợ và những tiến bộ lớn hơn trong việc tự do hóa tỷ giá và lãi suất.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ thận trọng hơn trong việc mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc sau khi nước này tiến hành một loạt các cuộc điều tra chống độc quyền đối với các công ty đa quốc gia. Gần đây nhất, Bắc Kinh còn chặn người dân tiếp cận với dịch vụ Gmail của Google.
Chống tham nhũng
Các nhà chức trách đã cam kết duy trì chiến dịch chống tham nhũng trong năm mới. Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2014, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ thắt chặt kỉ luật đảng kết hợp với các hình thức xử lý nghiêm ngặt đối với hành vi tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tăng cường chống tham nhũng trong năm 2015.
SCMP dẫn lời Tiến sĩ Peng Peng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Quảng Châu cho hay: "Nhiều cán bộ cơ sở phàn nàn với tôi rằng thu nhập của họ bị sụt giảm, trong khi những người cấp cao hơn đều cảm thấy không an toàn. Do vậy, nên có một giới hạn nếu không sẽ có rất nhiều tác động tiêu cực”.
Hôm 30/12/2014, một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) cho hay các quan chức nước này sẽ bị theo dõi chặt chẽ hơn trong năm tới. Hơn nữa ủy ban thanh tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải có trách nhiệm kiềm chế lạm dụng quyền lực và có một thái độ tích cực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Môi trường
Năm ngoái, cụm từ  "Màu xanh APEC" (APEC Blue) đã trở thành một thuật ngữ môi trường của Trung Quốc. Thuật ngữ này được cư dân thành phố đặt ra đế miêu tả mơ ước về một bầu trời trong xanh khi các nhà máy bị đóng cửa và nhiều phương tiện giao thông bị hạn chế đi lại.
Mặc dù trong năm 2014, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến chống ô nhiễm, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng khói bốc lên từ ba cụm đô thị lớn xung quanh Bắc Kinh và trong vùng đồng bằng sông Dương Tử và sông Pearl - và lan rộng đến các thành phố khác. Một báo cáo chính phủ cho biết mức độ ô nhiễm không khí trong hai phần ba số các thành phố trung tâm của Trung Quốc đang cao gấp hai lần so với các tiêu chuẩn quốc gia.
Hồi đầu năm 2015, Trung Quốc ra mắt một mạng lưới mới để quản lý tình trạng ô nhiễm cũng như thắt chặt hơn nữa các tiêu chuẩn đối với ngành công nghiệp có khói như sản xuất điện, xi mặng, sắt thép.
Khói bụi ngập trời Bắc Kinh.
Từ ngày 1/1/2015, 338 thành phố Trung Quốc sẽ phải báo cáo về các chất gây ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe con người theo thời gian thực. Con số này gấp đôi so với 161 thành phố phải báo cáo trong năm 2014.
Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc Song Guojun cho rằng mặc dù cuộc khủng hoảng khói bụi sẽ giảm trong năm tới do sức ép của công chúng nhưng xã hội nói chung vẫn đang phải trả một giá quá cao để có thể đóng cửa các nhà máy và hạn chế xe hơi.
Ông nói: “Chính phủ cần phải dựa nhiều hơn vào các cơ chế pháp luật và thị trường để giải quyết cuộc khủng hoảng khói bụi”.
An ninh
An ninh quốc gia điểm nổi cộm trong các chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc năm qua.
Hồi tháng 4/2014, tại cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tạo ra một hệ thống an ninh toàn diện bao gồm tất cả các khía cạnh của nhà nước từ các vấn đề chính trị đến quân sự, kinh tế và môi trường.
Giáo sư Wang Hongwei, một chuyên gia về an ninh quốc gia, tại Đại học Nhân dân cho hay định nghĩa về an ninh quốc gia đã được mở rộng dưới thời ông Tập Cận bình.
Một chuyên gia chống khủng bố của Trung Quốc cho biết, các mối đe dọa an ninh quốc gia truyền thống như khủng bố sẽ bị xử lý với “bàn tay sắt”.
Trong số những mối đe dọa này phải kể đến các nhóm cực đoan ở Tân Cương, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tấn công đẫm máu bất chấp việc thắt chặt an ninh của chính phủ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hồng Kông được Tập đoàn SCMP phát hành. Tse Tsan-tai và Alfred Cunningham là hai nhà sáng lập công ty TNHH SCMP vào năm 1903. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

No comments:

Post a Comment