Monday, February 16, 2015

Buồn Vui mùa Xuân

Kính Hòa, phóng viên RFA2015-02-16
000_Hkg10147464.jpg
Một người bán tắc chưng Tết ở Hà Nội hôm 13/2/2015-AFP photo
Những nỗi buồn lập lại
Nguyên cái việc hàng trăm hàng ngàn người xếp hàng suốt đêm chờ mua vé xe đò về quê ăn Tết cũng đủ thấy cái Tết đối với mọi người quan trọng nhu thế nào. Phố phường thì hoa hòe hoa sói chăng ngang chăng dọc, mấy nhà trung lưu cũng sửa sang sơn phết lại nhà cửa đón xuân. Lo dọn bàn thờ cúng tổ tiên, lo thu xếp nhà cửa đón khách, nhà nào cũng chộn rộn làm tăng cái nhịp độ “Tết nhất.”
Các nhân viên công tư sở đều hí hởn với món tiền thưởng Tết, cho dù năm nay chưa chắc đã bằng năm ngoái. Cô cậu nào cũng lo cho mình một bộ đồ vía đi chơi xuân. Đủ thứ dự định được đặt ra cho ngày Tết kể cả “dự án cờ bạc.” Trong khi mấy anh dân đen lo túi bụi vì đủ thứ tiền tiêu tết, tiền mua đồ cúng đêm 30, tiền quà biếu đủ thứ "sếp," tiền lì xì con cháu…
Vẫn còn những con người sống lang thang vất vưởng ngoài lề đường, dưới gầm cầu. Thậm chí có anh mỗi ngày chỉ được ăn một gói mì, mong được ăn một bữa cơm no.
Trên đây là đoạn mô tả không khí Tết trên những nẻo đường Việt nam của blogger Văn Quang trên trang blog của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Cũng trong không khí ấy nhà báo Hoàng Kim trên trang blog Bauxite Vietnam: Giáp ngọc năm buồn, nông dân nuôi con gì trồng cây gì cũng khóc. Trong bài viết này Hoàng Kim mô tả cảnh nông dân đổ sữa, cà chua, dưa hấu,… vì không bán được giá. Nhìn cảnh đó mà so sánh với đoạn mô tả những người không có cái ăn cái mặc của Văn Quang, hẳn độc giả nghĩ rằng đây là một đất nước tư bản nào đấy ở những thế kỷ xa xưa với những cuộc khủng hoảng thừa.
Không đây là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở thế kỷ 21, được lãnh đạo bởi đảng cộng sản, mà mục đích là hạnh phúc cho hai giai cấp cần lao công nhân và nông dân!
Đương nhiên là hiện trạng xã hội ấy không phải là mới xuất hiện trong năm Giáp Ngọ, nó kéo dài đã lâu, nó được những người Việt Nam nhìn thấy, nó được cả những người ngoại quốc trông vào.
Trong tuần qua, các bloggers xôn xao vì một lá thư của một du học sinh người Nhật tại Việt Nam đặt câu hỏi rằng tại sao một đất nước đẹp đẽ và giàu tài nguyên như Việt Nam lại ở trong một tình cảnh chẳng có gì đáng tự hào như thế.
Đáp lời bạn trẻ Nhật Bản, bạn Tiểu Mi giải thích:
“Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt, khó lắm. Thật vậy sao?”
Cái gì không phải là của mình thì người dân không cảm thấy cần phải gìn giữ.
Nhưng sự mất mát đau lòng nhất trên đất nước chúng tôi là mất văn hóa và không còn nhuệ khí.
Biết làm sao được khi chúng tôi được dạy để trở thành công cụ chứ không được dạy để làm người.
Lớp trẻ chúng tôi đã mất niềm tin và tìm vui trong những trò rẻ tiền trên TV, trên đường phố.
Chúng tôi thiếu một thứ đó là dân chủ và tự do”
Điều thiếu thốn đó được thay thế bằng một thể chế công an trị, như nhà báo Đoan Trang nhận xét bằng một kiểu tu từ khôi hài của đồng bằng Bắc bộ, sau vụ công an can thiệp vào chuyện chai nước có ruồi của công ty Tân Hiệp Phát
Hay nhở, đến giờ nhà cháu mới lại càng hiểu thế nào là xã hội công an trị: Công an bắt người, công an điều tra, công an giám định, ít nữa người ta ra tòa cũng là tòa án của công an xử, sau đấy người ta vô tù thì nhà tù cũng là do công an làm quản giáo, cai tù nốt.
Lĩnh vực công lý trong chế độ công an trị đó được nhà báo Huy Đức nhận xét:
Với cách làm án hiện nay thì ai cũng có thể bị khép vào Điều 258. Dân chủ và tự do thì hoặc là có hoặc là không. Nếu có dân chủ tự do thì có nghĩa là người dân được làm bất cứ điều gì luật không cấm. Một nhà nước đã tự nhận là pháp quyền thì không thể cho phép tồn tại khái niệm "lợi dụng quyền tự do dân chủ" hay "lợi dụng kẽ hở của pháp luật"
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống nhận xét về lá thư của Tiểu Mi:
Bạn Tiểu Mi nhìn thấy sự thiếu tự do dân chủ, thấy 70 năm cộng sản đọa đày, thấy thượng bất chính hạ tắc loạn, thấy ruộng đất bị quốc hữu hóa, thấy được đào tạo thành công cụ, thấy giới trẻ bị lạc lối. Bạn đã có cái nhìn tương đối sâu hơn, rộng hơn, có đề cập đến một số bệnh nhạy cảm từ trong tim óc như sự đọa đày của cộng sản, như thiếu tự do dân chủ.
Ngay tiếp theo bức thư của Tiểu Mi, Bauxite Vietnam lại cho đăng một bức thư khác của một học sinh lớp 12 từ Sài gòn, gửi đến các bậc chức sắc lãnh đạo của nhà nước Việt nam về việc nâng cấp đường sắt. Trong bức thư ấy bạn trẻ nhận xét rằng xã hội bây giờ chẳng khác gì thời thực dân cả. Đương nhiên là cái thời thực dân ấy như thế nào thì bạn trẻ ấy không chứng kiến mà chỉ được những người cộng sản dạy bảo trong trường học.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống viết tiếp:
Chúng ta cho rằng dân tộc ta khôn ngoan hơn người, đã chọn đúng con đường vinh quang theo chủ thuyết cộng sản, không ngờ đã chọn nhầm đường. Biết chọn nhầm nhưng những người lãnh đạo không muốn sửa vì con đường đó mang lại đặc quyền đặc lợi cho họ.”
Chính Tiến sĩ nguyễn Đình Cống cũng là một trong những người cổ vũ cho việc chuyển thể chế chính trị của Việt nam sang tam quyền phân lập nhằm kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai tiếp lời về sự lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay.
Một mình một chợ tha hồ buôn bán.
72921727-efa3-496d-8860-bc822f7d6bc7-400.jpg
Bán hoa đào dạo ở Hà Nội ngày 13/2/2015. AFP photo
Muốn cho kiểm soát quyền lực thực chất, đúng nghĩa với với bộ máy nhà nước theo cái nghĩa là hệ thống quản trị đất nước và xã hội, thì phải nghiêm túc tuân thủ nguyên lý “tam quyền phân lập”. Đằng này, ban lãnh đạo Đảng quan niệm một cách đơn giản, vì thế mà sai, coi nó “chỉ là sự phân công, phối hợp, và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (nguyên văn phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng). Giữa “tam quyền phân lập” với cái quan niệm “chỉ là sự phân công…” thì ý nghĩa đã vênh nhau như trời với vực. Không có sự đánh tráo khái niệm nào “tinh xảo” như vậy. Không có tam quyền phân lập, chỉ có đánh tráo khái niệm, thì chỉ có trời mới biết kiểm soát thế nào.
Hãy trả lại quyền của dân.
Lời kêu gọi của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thực ra đã được hưởng ứng từ nhiều năm nay từ những người đấu tranh cho dân chủ đang phôi thai và lớn lên trong lòng xã hội Việt nam. Tuy nhiên điều đó là không dễ dàng. Trong bài viết mới nhất Dân chủ không tự trên trời rơi xuống, nhà báo Lê Diễn Đức cho rằng vẫn còn khá bi quan cho nền dân chủ Việt nam trong tương lai gần vì những tổ chức dân chủ dân sự ở Việt nam kém tổ chức, và hơn nữa tâm lý của đa số số người dân việt nam, dù chán ghét đảng cộng sản, nhưng thụ động và … không làm gì cả.
Điều nhận xét của nhà báo lâu năm lại trùng hợp với lời bạn trẻ Tiểu Mi là … không còn nhuệ khí!
Còn Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc thì sau khi viết về mong ước chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Tôi cũng tin, một mặt, không có ai có thể tiên đoán chính xác những gì sắp xảy ra cho Việt Nam ở tương lai gần, hay nói một cách đơn giản hơn, không ai có thể biết được khi nào chế độ độc tài tại Việt Nam sụp đổ cả; mặt khác, một chế độ độc tài tham nhũng và bất lực như thế nhất định sẽ sụp đổ: dấu hiệu của sự sụp đổ ấy nằm trong sự bất mãn của dân chúng và sự can đảm của những người bất đồng chính kiến.
Ông buồn bã viết tiếp
Chúng ta cũng có thể nói: đối lập với dân chủ không phải là độc tài mà là sự dửng dưng; đối lập với độc lập và chủ quyền trên lãnh thổ không phải là sự xâm lược mà là sự dửng dưng; đối lập với sự phát triển không phải là sự lạc hậu mà là sự dửng dưng.
Bi kịch lịch sử
Sự cầm quyền của đảng cộng sản trên toàn cõi Việt nam, một mặt cho ra đời diện mạo của nước Việt Nam ngày nay, mặt khác nó cũng tạo nên một cộng đồng người Việt tha hương khắp nơi trên thế giới.
Những ngày giáp Tết, trong khoảng thời gian giao thời cả âm lịch và dương lịch, người Việt tiến gần đến một cột mốc lịch sử vô cùng lớn, 40 năm ngày 30 tháng Tư. Bộ phim mới nhất về cuộc chiến Việt nam, Ngày cuối cùng ở Việt nam được mọi người bàn tán. Bạn Vi Trần viết:
Last Days in Vietnam là đối với người Mỹ thôi, với cả triệu người Việt Nam nó chỉ là sự bắt đầu. Tôi không nghĩ là đa số người Việt Nam hải ngoại đã quên, mà chỉ để khoảng ký ức này sâu trong tiềm thức, để có thể sinh tồn trong 40 năm qua...không nghĩ đến không đồng nghĩa với quên lãng...với rất nhiều người, vết thương này vẫn như mới cắt hôm qua...
Blogger Trần Minh Khôi so sánh những ngày lịch sử năm xưa ấy trong chiều kích của cả lịch sử dân tộc:
"Ngày cuối cùng ở Việt Nam" là ngày đầu tiên của một cuộc ra đi bi hùng và vĩ đại, kéo dài mười lăm năm kế tiếp. Hàng trăm ngàn người đã chết trong cuộc ra đi này. Hàng triệu người đã sống sót và trôi dạt đến khắp mọi miền của địa cầu. Không gian sống của người Việt Nam, trong một thế hệ, đã mở rộng ra trên toàn thế giới. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này, không có một sự kiện nào lớn hơn, quan trọng hơn, bi hùng hơn.
Và trong những ngày đầu xuân cuối đông, trong không khí giá lạnh của thủ đô Washington của nước Mỹ, vị tân Đại sứ Việt nam nhậm chức. Trong buổi tiệc khoản đãi những vị khách người Việt của mình ở tòa Đại sứ ông Đại sứ nói rằng ông rất chân thành để kết nối với hai triệu đồng bào hải ngoại, mà đại đa số ra đi sau khi đảng cộng sản lên nắm quyền. Có mặt trong buổi tiệc đó, blogger Hiệu Minh viết rằng ông cũng tin lời ngài đại sứ là chân thành như đồng thời ông cũng viết:
Thật ra những người được mời hôm qua là số rất nhỏ so với vài triệu kiều bào sống bên Mỹ. Nếu đến với họ bằng sự chân thành thì tôi tin tự thân nó sẽ lan tỏa mà chẳng cần những mỹ từ.
Lời cuối cho tương lai
Một sự kiện nữa được giới bloggers bàn tán trong những ngày cuối năm này là chuyện báo Người Cao Tuổi, một tờ báo chính thống của đảng cộng sản bị thanh tra vì bởi lý do được cơ quan công an đưa ra là viết sai sự thật. Ông tổng biên tập của tờ báo này đã bị đình chỉ chức vụ chờ điều tra.
Tờ báo này cũng nổi lên trong làng báo Việt nam trong vài năm qua như một nét chấm phá đặc sắc so với toàn cảnh đều đều của mấy trăm tờ báo, cùng được điều hành bởi ban tuyên giáo trung ương. Tuy nhiên blogger Kami lại có nhận xét rằng những vụ chống tham nhũng mà báo này đưa ra đều nhằm vào nhóm của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và ông Tổng Biên Tập lại xuất thân từ thành đoàn Ha Nội, nơi xuất thân của nhiều vị chức sắc của đảng như là Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị. Tức là tờ báo này thực ra không khác với trang Chân dung quyền lực được cho là ra đời để tấn công các đối thủ của Thủ tướng.
Một nhà quan sát từ bên ngoài là Giáo sư Jonathan London bình luận rằng những vụ việc như Chân dung quyền lực hay Người Cao tuổi là những có liên quan tực tiếp đến sự thay đổi về tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Việt Nam có những thể chế riêng của nó và muốn được xem là một nước độc lập, tự do. Thế nhưng, nhìn từ bên ngoài, cách đề cập trường hợp của Người Cao Tuổi sẽ được xem là một quyết định chính trị vội vàng hơn là kết quả của một quá trình công bằng.
Động thái của một nhà nước luôn luôn phản ánh những giá trị đối với những quyền và trách nghiệm của nhà nước đối với dân và dân đối với nhà nước. Trong trường hợp này, một phản ứng “bàn tay sắt” rất dễ thành một một bước lùi. Vì thế, tôi hy vọng phía chính quyền Việt Nam sẽ rất kỹ, coi nó là một cơ hội lịch sử. Những chuyện liên quan đến NCT hay Chân Dung Quyền lực thì rõ rằng là nghiêm trọng. Mặt khác, nếu những tờ báo lớn trong nước và những trang web tin cậy không dám cho đăng bài nào về tham nhũng thì chúng ta mới có lý do để lo.
Cuối cùng thì cũng có một tin vui, dù chưa trọn vẹn, đến với các bloggers là hai bloggers Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập được về với gia đình.

No comments:

Post a Comment